Thủ tướng thăm Nhật Bản và mong muốn “biến những giấc mơ lớn thành hiện thực”
(Dân trí) - Gần 10 tỷ USD - đó là tổng giá trị các giấy phép và thỏa thuận hợp tác đầu tư đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản. Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đến với Việt Nam và cùng “biến những ước mơ lớn thành hiện thực”.
Sáng 10/10, tại Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, với chủ đề “Cơ hội mới, tầm nhìn mới trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”. Hội nghị thu hút hơn 1.200 doanh nhân Nhật Bản và Việt Nam tham dự.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển hết sức tốt đẹp trên nhiều phương diện như ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục. Lãnh đạo cấp cao hai nước có quan hệ tin cậy chiến lược, thường xuyên có chuyến thăm lẫn nhau.
“Bên ngoài các cuộc tiếp xúc ngoại giao đó, chúng tôi còn là những người bạn thân quý, rất hiểu nhau và sẵn sàng hỗ trợ tích cực cho quan hệ đối tác, hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. Chúng tôi xem đây chính là tài sản quý giá giữa hai nước.” - Thủ tướng cho biết.
Trên bình diện kinh tế, Nhật Bản là nước cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam, đứng thứ 2 về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với trên 52 tỷ USD, đứng thứ 4 về quan hệ thương mại với trên 33 tỷ USD.
Năm 2017, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 9 tỷ USD. Riêng 8 tháng đầu năm 2018, các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu với tổng số vốn đầu tư đến 7 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Khảo sát của JETRO cho thấy, 70% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới. Lí do chính để mở rộng hoạt động là do doanh thu tiếp tục được kỳ vọng tăng (88% số doanh nghiệp được đánh giá). Số lượng doanh nghiệp có lãi chiếm trên 65%, tăng 2,3 điểm phần trăm so với năm 2016. Việt Nam hấp dẫn với những lợi thế đầu tư về quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng, chính trị xã hội ổn định, chi phí nhân công rẻ.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam khẳng định, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng phát triển trong nhiều lĩnh vực. Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hạ tầng cơ sở chất lượng cao, như hệ thống giao thông, năng lượng, viễn thông, hạ tầng khu công nghiệp theo nhiều hình thức linh hoạt; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam theo các thủ tục đơn giản về chuyển nhượng vốn, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Theo Thủ tướng, các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam đang được xem là một trong các hình mẫu của đầu tư FDI tại Việt Nam về sự kiên nhẫn, ý chí, quyết tâm, về kỷ luật, trung thực và tính hiệu quả trong đầu tư. Vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản đang đóng vai trò dẫn động và làm tăng khả năng cạnh tranh giữa các dòng vốn FDI vào Việt Nam. Hiện tại, có nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam với các sản phẩm có uy tín, tính cạnh tranh, hàm lượng kỹ thuật cao, tham gia tích cực vào hoạt động xuất khẩu.
Thủ tướng khẳng định cam kết môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục được cải thiện và tin tưởng, từ Hội nghị xúc tiến đầu tư hôm nay, sẽ có thêm nhiều ý tưởng, đề xuất mới, đặc biệt là đề xuất những giải pháp, những khuyến nghị, cách thức để biến những ý tưởng đó thành những kế hoạch đầu tư thật cụ thể.
“Các bạn hãy đến với Việt Nam để hai bên chúng ta cùng phát triển bền vững và phát triển lâu dài, biến những ước mơ lớn của chúng ta thành hiện thực” - Thủ tướng bày tỏ mong muốn.
Cần phải nói thêm rằng, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản lần này, lãnh đạo Chính phủ hai nước đã chứng kiến lễ ký kết, trao đổi các giấy phép và thỏa thuận hợp tác đầu tư với tổng trị đạt được là gần 10 tỷ USD.
Châu Như Quỳnh