Thủ tướng phê bình cán bộ vô trách nhiệm trong vụ Formosa

(Dân trí) - “Ý thức bảo vệ môi trường chưa tốt, bộ máy chưa theo kịp vấn đề, cán bộ yếu về chuyên môn nghiệp vụ, trách nhiệm các cơ quan chồng chéo. Vụ Formosa là một điển hình cho thấy nhiều cán bộ quản lý môi trường vô trách nhiệm…”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác môi trường sáng 24/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn phê bình nhiều cơ quan qua sự cố điển hình Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung vừa qua.

Tại hội nghị, đánh giá về thực trạng hiện nay với việc bùng phát những điểm nóng gây ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, sự cố môi trường biển miền Trung tháng 4 vừa qua diễn ra trên diện rộng, gây ra hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài. Sự cố gây ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ, hải sản, làm muối, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch; đồng thời đã làm xáo trộn, gây mất an ninh trật tự, tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân.

Rất nhiều ý kiến phát biểu cũng nhắc đến câu chuyện vẫn đang là thời sự này nhưng đáng tiếc, các địa phương nơi trực tiếp diễn ra sự cố lại không đề cập vấn đề của tỉnh mình.

Lãnh đạo các bộ, ngành tham gia cuộc họp. Được biết, chưa bao giờ, số lượng, thành phần các đơn vị dự họp Chính phủ lớn như vậy. Tính tới các điểm cầu ở địa phương, có khoảng 2000 cán bộ tham dự nội dung này sáng nay.
Lãnh đạo các bộ, ngành tham gia cuộc họp. Được biết, chưa bao giờ, số lượng, thành phần các đơn vị dự họp Chính phủ lớn như vậy. Tính tới các điểm cầu ở địa phương, có khoảng 2000 cán bộ tham dự nội dung này sáng nay.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thống nhất đánh giá, ô nhiễm môi trường hiện đã xảy ra trên diện rất rộng, từ vùng biển đến vùng rừng, từ ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước tới ô nhiễm không khí. Đánh giá nguyên nhân qua sự cố Formosa, có thể thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, tầm nhìn chiến lược, nhận thức về vấn đề còn hạn chế nên việc xây dựng chính sách pháp luật vẫn để lại những lỗ hổng lớn.

“Hệ lụy của việc này giờ mới phát sinh lớn. Vụ việc của Formosa đã bộc lộ rõ những vấn đề cần nghiêm túc đánh giá lại, như trách nhiệm của những người đứng đầu các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước chưa phát huy hết, chế tài chưa đủ sức răn đe trong khi ý thức chấp hành pháp luật, lương tâm của nhà đầu tư cũng có vấn đề” – ông Trương Hòa Bình nói.

Trái lại, Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến phân tích, để xảy ra những điểm nóng gây ô nhiễm môi trường, vấn đề trước hết nằm ở nhận thức chung khi một thời gian dài, vấn đề môi trường chưa được quan tâm thích đáng. Các địa phương đua nhau để tăng trưởng, đến giờ mới thấy mức tăng trưởng đạt được sau đó cũng không đủ để bù đắp những thiệt hại gây ra về môi trường.

Thủ tướng: Cả hệ thống kiểm soát ở đâu trong vụ Formosa gây ô nhiễm biển?.
Thủ tướng: "Cả hệ thống kiểm soát ở đâu trong vụ Formosa gây ô nhiễm biển?".

Khẳng định hệ thống pháp luật về môi trường đã tương đối đầy đủ, vấn đề nằm ở con người, ông Phùng Đức Tiến dẫn chứng, vụ Formosa xả thải gây ô nhiễm biển, việc ngăn chặn, xử lý đáng ra hoàn toàn có thể thực hiện, luật Tài nguyên – môi trường không vướng gì.

Tuy nhiên, thực tế nằm ở việc đội ngũ cán bộ môi trường yếu kém, công nghệ áp dụng, hệ thống quan trắc, đánh giá, quản lý chưa đảm bảo, tuân thủ như quy định của luật dẫn đến nhiều khâu kiểm soát bị… hổng.

Kết luận nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, dù còn nhiều hạn chế nhưng nếu cả hệ thống kiểm soát vận hành tốt, các quy định được thực hiện nghiêm túc thì môi trường cũng đã đủ tốt.

Tuy nhiên, rõ ràng là ý thức bảo vệ môi trường chưa tốt, bộ máy chưa theo kịp các vấn đề ngày càng phức tạp của công tác bảo vệ môi trường, cán bộ yếu về chuyên môn nghiệp vụ, trách nhiệm các cơ quan chồng chéo.

“Vụ Formosa là một điển hình cho thấy nhiều cán bộ quản lý môi trường vô trách nhiệm. C49 (Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường) của Bộ Công an thời gian qua chưa tập trung cho công việc phòng chống, đấu tranh với các hành vi vi phạm. Thanh tra Chính phủ và thành tra các cấp chưa chú trọng thanh tra các vấn đề về môi trường. Chưa xã hội hóa tốt lĩnh vực xử lý chất thải. Cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương mới chỉ tập trung phát triển kinh tế mà coi thường, bỏ rơi vấn đề môi trường. Các cơ quan phát hiện, xử lý vấn đề chậm, chủ yếu trông vào người dân, báo chí. Vụ Formosa nghiêm trọng vậy mà tất cả đều im lặng đến khi báo chí đăng tải, phản án mãi mới biết. Cả hệ thống kiểm soát như vậy ở đâu?” – Thủ tướng nghiêm khắc phân tích.

Thủ tướng cùng 3 Phó Thủ tướng dự họp, chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường.
Thủ tướng cùng 3 Phó Thủ tướng dự họp, chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tới đây, các cơ quan chức năng, nhất là Bộ TN-MT, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ có kế hoạch rà soát, thanh kiểm tra vấn đề chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nhưng không được để dẫm chân, chồng chéo.

Về trách nhiệm cá nhân, Thủ tướng quán triệt, Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh thành chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường ở địa bàn của mình để đảm bảo điều kiện sống cần thiết của người dân, không để phát sinh vấn đề, để việc xảy ra rồi, gây hậu quả rồi, dư luận bức xúc lên mới rục rịch hành động.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển. Không thu hút đầu tư bằng mọi giá, kiên quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường, không cho phép đầu tư những dự án gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu nhất, là dự án có nguy cơ ở những khu vực nhạy cảm, như dự án nhà máy giấy ở Hậu Giang, nếu để xả thải gây ô nhiễm sông Tiền, sông Hậu thì khó cứu được cả ĐBSCL. Phải đặc biệt lưu ý vấn đề này sau bài học Formosa”.

P.Thảo