Thủ tướng nhắn tin góp tiền ủng hộ người nghèo
(Dân trí) - Chủ trì hội nghị triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 sáng nay 15/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hưởng ứng đợt vận động vì người nghèo bằng cách nhắn tin đóng góp tiền ủng hộ qua cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia.
Theo báo cáo, so với chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, Việt Nam còn hơn 2,33 triệu hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 9,88% so với tổng số hộ dân cư toàn quốc) và hơn 1,23 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5,22%). Đời sống của một bộ phận dân cư có thu nhập sát ngưỡng nghèo cũng rất bấp bênh, chỉ cần gặp thiên tai, dịch bệnh là có nguy cơ quay trở lại cảnh nghèo đói bất cứ lúc nào.
Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều không đơn thuần chỉ giúp người dân đủ cơm ăn, áo mặc mà còn là việc phải đảm bảo để mọi người có thể tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.
Hưởng ứng “Ngày quốc tế chống đói nghèo”, cũng là “Ngày vì người nghèo Việt Nam” 17/10, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ LĐ-TB&XH, Ban Thường trực Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức đợt vận động nhắn tin ủng hộ vì người nghèo trên cổng thông tin điện tử quốc gia với chủ đề “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ngay sau khi Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng phát động chương trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng toàn thể các đại biểu tham dự hội nghị đã cùng hưởng ứng, nhắn những tin nhắn đầu tiên để gửi một khoản tiền nhỏ ủng hộ hoạt động vì người nghèo.
Không thể quên Việt Nam đã đi lên từ đói nghèo!
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa của hội nghị toàn quốc về triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững khi cuộc họp được tổ chức ngay sau khi kết thúc Hội nghị TƯ 4. Thủ tướng ghi nhận, tại các điểm cầu ở địa phương, rất nhiều Bí thư, Chủ tịch tỉnh dù vừa tham gia Hội nghị TƯ 4 trở về, không có ngày nghỉ cho bản thân, đã tiếp tục dự hội nghị quan trọng này.
Thủ tướng chỉ ra, Việt Nam là đất nước đi lên từ đói nghèo và chiến tranh, cả dân tộc không thể quên trận đói lịch sử năm 1945 khiến hàng triệu người chết đói, không thể quên mục tiêu Bác Hồ đặt ra từ xưa: coi giặc đói nghèo như giặc ngoại xâm, phải diệt cho kỳ được.
Ghi nhận những kết quả quan trọng trong hoạt động xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam khiến cả thế giới phải ghi nhận (hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc), nhưng Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, bất cập trong công tác giảm nghèo.
Trước hết, kết quả giảm nghèo, theo người đứng đầu Chính phủ, chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Thủ tướng dẫn chứng, ngay những vùng đã thoát nghèo nhưng không sớm tổ chức lại phương thức sản xuất, chỉ sau 1 đợt thiên tai, địch hoạ, gần như toàn bộ dân số lại tái nghèo. Cả nước vẫn còn 44 huyện có tỷ lệ người nghèo quá nửa dân số. “Lõi nghèo” nằm ở khu vực vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, rất khó tháo gỡ.
Về phía các cơ quan nhà nước, theo Thủ tướng, chính sách ban hành còn chồng chéo, có tới 150 văn bản điều chỉnh mà lại chưa khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của người dân, cộng đồng để cùng nhau vươn lên.
“Bức xúc nhất là việc xác định hộ nghèo chưa chính xác. Còn tình trạng xác định nghèo luân phiên ở một số địa phương. Rồi tình trạng kê khai “nhầm chỗ”. Cán bộ địa phương còn có những lạm dụng nhất định về chính sách giảm nghèo làm ảnh hưởng đến niềm tin, giảm ý nghĩa của công cuộc này, vì dục, cán bộ có thu nhập mà lại kê là người nghèo – hiện tượng này dù ít thôi nhưng vẫn có và làm ảnh hưởng không nhỏ” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nhấn mạnh lần nữa quan điểm hỗ trợ người nghèo phải là “cho cái cần câu chứ không cho con cá” và yêu cầu, mỗi người dân, mỗi tổ chức, địa phương đều phải nỗ lực vươn lên, quyết tâm thoát nghèo và làm giàu. Chính vì thế, việc xây dựng phong trào thi đua cả nước vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, theo người đứng đầu Chính phủ, là chương trình quan trọng.
Thủ tướng giao Bộ LĐ,TB&XH chủ trì phối hợp với các bộ ngành có kế hoạch phối hợp thực hiện chương trình với cái gốc cần xác định là nâng cao dân trí, năng lực của con người để thoát nghèo bền vững. Thủ tướng giả định, nếu 100% con em người nghèo, người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa được đến trường, học hành tử tế thì việc thoát nghèo, giảm nghèo sẽ có ý nghĩa về lâu về dài chứ không chỉ dừng ở việc lo cơm ăn, áo mặc trước mắt.
“Không để tình trạng thảm hoạ môi trường xảy ra, gây khó khăn cho xã hội, ảnh hưởng mục tiêu giảm nghèo ở địa phương. Cần tính toán làm sao để môi trường sống của người dân an toàn, giảm bệnh tật, gánh nặng cho mỗi gia đình vì nếu không chỉ một sự cố là cả hộ dân lại tái nghèo” – Thủ tướng nêu yêu cầu.
Bắt đầu từ 0h ngày 15/10 đến hết 24h ngày 30/11, Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia mở hệ thống để đón nhận đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân cho việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Tin nhắn ủng hộ, đóng góp vì người nghèo theo cú pháp: VNN gửi 1409, không hạn chế số lượng tin nhắn. Với mỗi tin nhắn, người ủng hộ sẽ đóng góp 15.000đ vì người nghèo.
Số tiền đóng góp của nhân dân thông qua đợt vận động nhắn tun ủng hộ này sẽ được sử dụng để góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, đặc biệt là đối với các hộ nghèo ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, hộ nghèo thuộc dân tộc thiểu số.
P.T