Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ 2.000 công nhân miềnTrung
(Dân trí) - Sáng 22/4, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp gỡ, đối thoại với khoảng 2.000 công nhân lao động ở các tỉnh, thành khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế...
Sự kiện do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ chương trình “Tết Công nhân 2017” nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017); 131 năm Ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 - 1/5/2017).
Dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng 20 “Mái ấm công đoàn” giá trị 1 tỷ đồng; UBND Đà Nẵng cũng đồng hành với Chính phủ, tổ chức công đoàn, tặng 10 “Mái ấm công đoàn” giá trị 500 triệu đồng cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn.
“Canh cánh trong lòng là trách nhiệm của tôi với công nhân lao động”
Phát biểu trước hàng ngàn công nhân lao động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ niềm vui được gặp gỡ các anh chị em công nhân miền Trung - những người trưởng thành ở mảnh đất còn nhiều khó khăn, nhưng luôn có ý chí vươn lên mạnh mẽ.
Thủ tướng nói: “Tết lao động 2016, tôi đã có cuộc trò chuyện với công nhân vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tại Đồng Nai. Cảm xúc của ngày hôm đó vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi. Không phải chỉ là những tình cảm yêu quý tôi được đón nhận từ công nhân, mà canh cánh trong lòng là trách nhiệm của tôi với công nhân lao động, những người trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Tôi đặt nhiều kỳ vọng và mong muốn được trao đổi với công nhân vì các ý kiến, tâm tư nguyện vọng của công nhân chính là ý chí của công nhân, ý chí của hành động, của tiến công vun đắp sự phồn vinh và trường tồn của đất nước...
Tôi hy vọng với cuộc gặp gỡ lần này, chúng ta sẽ tìm được tiếng nói chung về tăng năng suất lao động. Chính phủ khuyến khích tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Chính phủ ủng hộ phát triển các doanh nghiệp hiện đại về công nghệ, quản trị và chính sách nhân lực. Chính phủ mong muốn mỗi người lao động phải tự phấn đấu, nỗ lực học tập không ngừng, rèn luyện để thành những người thợ giỏi, công nhân kỹ thuật xuất sắc vì gia đình, doanh nghiệp và đất nước”.
Thủ tướng cũng chia sẻ: Để nâng cao tay nghề và năng suất lao động cho công nhân nhằm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm trong nước, trước hết là trách nhiệm của Chính phủ, tiếp đến là trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ phải hoạch định chính sách tầm chiến lược quốc gia, doanh nghiệp phải năng động, sáng tạo trong việc đào tạo và nâng cao tay nghề cho công nhân. Nhưng về phía công nhân, mỗi người cũng phải tự phấn đấu, nỗ lực học tập, rèn luyện để thành những người thợ giỏi, công nhân kỹ thuật xuất sắc. Từng cá nhân phải có trách nhiệm với bản thân và gia đình mình trước, sau đó mới có thể đóng góp cho xã hội.
Tặng căn hộ cho nữ công nhân đơn thân nuôi con
Ngay sau phát biểu của Thủ tướng, các công nhân lao động, đại diện doanh nghiệp đã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đặt nhiều câu hỏi và được Thủ tướng tra lời trực tiếp ngay tại buổi gặp gỡ.
Ấn tượng nhất, sau khi nghe câu hỏi của chị Phan Thị Tuyết Sương - công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster về Đề án về xây dựng các Thiết chế công đoàn, biết được hoàn cảnh của chị Sương một mình làm công nhân, nuôi hai con nhỏ, không có chỗ ở ổn định, Thủ tướng đã quyết định tặng ngay một căn hộ cho chị Sương trong sự xúc động tột cùng của chị Sương. Niềm vui lan tỏa trong hội trường buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng với các công nhân.
Chia sẻ với những khó khăn về nhà ở, nhà giữ trẻ cho công nhân ở các khu công nghiệp, Thủ tướng đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố phối hợp cao nhất với Công đoàn trong việc cấp đất, hỗ trợ hạ tầng để xây dựng nhà ở và thiết chế công đoàn dành cho công nhân. Đồng thời, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho công nhân, giúp họ “an cư, lạc nghiệp”.
Cũng tại buổi gặp gỡ, anh Trần Ngọc Thành - công nhân Công ty CP công nghiệp nhựa Đà Nẵng bày tỏ mong muốn Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp tạo điều kiện, động viên công nhân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng lao động.
Thủ tướng trả lời nguyện vọng của công nhân như thế là hoàn toàn đúng. Việt Nam đã tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định kinh tế với các quốc gia, châu lục. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động cũng nhiều hơn, cơ hội dịch chuyển việc làm giữa các quốc gia trong khối ASEAN sẽ thuận lợi, dễ dàng, người lao động ở nước này được quyền tự do tìm kiếm việc làm ở các quốc gia khác. Đồng thời, cạnh tranh về lao động sẽ gay gắt hơn. Do đó, việc nâng cao trình độ, tay nghề của công nhân lao động là hết sức thiết thực và cấp thiết.
Trong thời gian tới, ngoài sự vào cuộc của Chính phủ, tổ chức Công đoàn, các doanh nghiệp phối hợp với các cấp, các cơ quan chức năng để có thể triển khai các chương trình học bổng toàn phần, bán phần dành cho công nhân học để nâng cao chuyên môn, tay nghề; công nhân có nhu cầu nâng cao tay nghề để đảm bảo công việc và được tăng lương...
Lắng nghe kiến nghị của anh Nguyễn Đình Quyết - công nhân Công ty CP nhựa miền Trung về việc xem xét sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp dành một khoản chi cho đào tạo dài hạn, chuẩn hóa nghề nghiệp cho công nhân, Thủ tướng đồng ý Hiện nay Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tồn dư lớn, chủ yếu là do Quỹ mới chi trợ cấp thất nghiệp và đào tạo nghề cho lao động sau khi thất nghiệp. Trong khi đó, theo quy định của Luật Việc làm thì Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp có khoản được dùng để chi trả Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan quản lý Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cần phải tăng cường hỗ trợ, chi cho việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của DN. Các cấp công đoàn cần có đề án cụ thể để sử dụng hiệu quả phần kinh phí này cho đào tạo, buồi dưỡng nâng cao tay nghề cho công nhân lao động.
Thủ tướng cũng lắng nghe và chia sẻ với những khó khăn của các công nhân như việc doanh nghiệp trốn tránh trách đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân; công nhân ở độ tuổi 35-40 khó có cơ hội việc làm; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn của công nhân...
Đại diện các doanh nghiệp cũng chia sẻ những khó khăn và bày tỏ mong muốn Chính phủ có giải pháp mạnh mẽ hơn để chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp như đối với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, thủ tục xét duyệt, thẩm định hồ sơ còn có nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, thậm chí có nơi xảy ra việc công nghệ càng mới thì thẩm định, xét duyệt càng lâu; các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ để tăng năng xuất, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Tâm An