Thủ tướng giao nhiệm vụ “ra biển lớn” cho cộng đồng doanh nghiệp

(Dân trí) - Tối 13/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc gặp mặt với Lãnh đạo Bộ Công Thương và Lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty và các doanh nghiệp ngành Công Thương về những bước chuẩn bị, ứng phó với hội nhập kinh tế quốc tế trong năm tới.

 

Thủ tướng làm việc với lãnh đạo Bộ Công thương.
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo Bộ Công thương.

Phát biểu trước lãnh đạo Bộ Công Thương và các doanh nghiệp lớn nhất cả nước như Tập đoàn Dầu khí, Dệt may, Da giầy cùng với Tập đoàn Than và Khoáng sản, những doanh nghiệp đang sản xuất ra khối lượng hàng hóa xuất khẩu hàng chục tỷ USD mỗi năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp ngành Công Thương vào tăng trưởng của nền kinh tế, kim ngạch xuất khẩu, đảm bảo đủ năng lượng, xăng dầu, phân bón, hóa chất và máy móc lớn cho nền kinh tế cũng như tiến trình hội nhập của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp của ngành Công Thương đã có những đóng góp hết sức tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Năm nay, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 6,55% và bình quân 5 năm là 6%, đưa Việt Nam trở  thành một trong ít nước có tăng trưởng cao nhất thế giới theo như đánh giá của Ngân hàng Thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thành tựu trong 5 năm qua, cùng với thành tựu của 30 năm Đổi mới đã tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi để cả nước có lòng tin vào sự phát triển nhanh và bền vững hơn cho 5 năm tới.

Thủ tướng nêu rõ, bước vào năm 2016, các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp ngành Công Thương  nói riêng cũng như doanh nghiệp cả nước phải phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn và tăng trưởng cao hơn trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Công Thương phải có đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia và hoàn thiện thể chế.

Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương  phải hết sức quan tâm phát triển thị trường trong nước, đi cùng với việc tận dụng tối đa việc giảm thuế của các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp của Bộ Công Thương nhất là điện và than phải đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu để kinh doanh hiệu quả và năng suất cao hơn từ đó nâng cao sức cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Trong tái cơ cấu phải thực hiện cổ phần hóa, tạo ra đa sở hữu để tạo ra năng lực quản trị mới, đi cùng với đổi mới công nghệ để hạ giá thành và nâng cao năng suất lao động.

 

Thủ tướng lưu ý, trong 5 năm tới, không còn cách nào khác là phải hội nhập và không ai khác doanh nghiệp phải là người đi đầu.
Thủ tướng lưu ý, trong 5 năm tới, không còn cách nào khác là phải hội nhập và không ai khác doanh nghiệp phải là người đi đầu.

Cũng trong chiều tối ngày 13/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi gặp mặt các doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, trước thời điểm hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31 tháng 12 tới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi người dân kinh doanh, làm ăn, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thành công.

Thủ tướng nhấn mạnh, 5 năm qua cũng là bước ngoặt lớn về hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Đến nay, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán 12 Hiệp định Thương mại tự do, đưa Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với 55 nước, trong đó có 15 nước thuộc nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Qua hội nhập, doanh nghiệp đã có bước trưởng thành lớn và nhà nước hoàn thiện thế chế, luật pháp phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của quốc gia cũng như doanh nghiệp là sức cạnh tranh còn yếu, trong khi đó mục tiêu của 5 năm tới là phải phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.

Thủ tướng lưu ý, trong 5 năm tới, không còn cách nào khác là phải hội nhập và không ai khác doanh nghiệp phải là người đi đầu thông qua việc tăng cường quản trị hiệu quả, đổi mới công nghệ để hạ giá thành, còn nhà nước chỉ có thể mở thêm thị trường, hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

P.Thảo