Thủ tướng: Cần hành động có trách nhiệm với hoà bình khu vực và thế giới

(Dân trí) - Trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos, chiều 19/1 theo giờ địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại một số phiên thảo luận.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng Thư ký Liên hợp Quốc Antonio Guterres.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng Thư ký Liên hợp Quốc Antonio Guterres.

Tại phiên đối thoại cấp cao về“Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm trong một thế giới đa cực”, chia sẻ các yếu tố cần thiết đối với lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các nước cần hành động có trách nhiệm đối với hòa bình, ổn định trên thế giới và khu vực; đánh giá cao vai trò của các tổ chức đa phương, nhất là Liên hợp quốc, trong việc thúc đẩy các lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Phát biểu khai mạc phiên thảo luận về “Triển vọng ASEAN sau chặng đường 50 năm thành lập và phát triển”, Thủ tướng Chính phủ nêu bật các thành tựu phát triển của ASEAN, đánh giá cao nguyên tắc đồng thuận và “Phương cách ASEAN” tạo nên bản sắc của ASEAN; cho rằng ASEAN cần thực hiện hiệu quả lộ trình Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tranh thủ tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác nhằm tạo cơ hội thu hút đầu tư, thương mại vào khu vực; khẳng định Việt Nam đóng góp quan trọng và có trách nhiệm vào củng cố đoàn kết và đồng thuận ASEAN, nỗ lực cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh.

Cùng ngày, Thủ tướng có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với Tổng Thư ký Liên hợp Quốc Antonio Guterres, Thủ tướng và Hoàng hậu Hà Lan, Tổng thống Thụy Sỹ, Thủ tướng Sri Lankavà nhiều lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới như Chủ tịch tập đoàn Alphabet Eric Schmidt, Chủ tịch Prudential Paul Manduca, Chủ tịch Tập đoàn Carlyle David Marchick, Chủ tịch Tập đoàn Qualcomm Paul E. Jacob, Chủ tịch Công ty Bảo hiểm Swiss Re Christian Mumenthaler.

Trao đổi với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động, tích cực tham gia và đóng góp hiệu quả đối với các vấn đề quan trọng của Liên hợp quốc. Hai bên bày tỏ vui mừng vì mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên hợp quốc phát triển ngày càng tốt đẹp.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Chính phủđánh giá cao hiệu quả hợp tác sâu rộng với Hà Lan, đặc biệt là việc xây dựng Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hà Lan tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai Thỏa thuận Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực; ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.Trao đổi với Hoàng hậu Hà Lan Maxima, Thủ tướng Chính phủ mong muốn Hoàng hậu chia sẻ kinh nghiệm về phát triển tài chính bao trùm, thúc đẩy các đối tác hỗ trợ Việt Nam xây dựng chương trình tín dụng cho người nghèo, phụ nữ, dân tộc thiểu số…

Hội kiến với Tổng thống Thuỵ Sỹ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc hai nước đã tổ chức hiệu quả các hoạt độngthiết thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó có sự kiện Ngày Việt Nam tại Thụy Sỹ. Thủ tướng đánh giá cao Chính phủ Thuỵ Sỹ đã cam kết viện trợ 90 triệu USD cho Việt Nam giai đoạn 2017-2020 và đề nghị Thuỵ Sỹ hỗ trợ Việt Nam phát triển giáo dục chất lượng cao.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Sri Lanka, Thủ tướng Chính phủ đề nghị hai bên phối hợp triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, xem xét thành lập Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng để thúc đẩy hợp tác; đề ra các biện pháp cụ thể tăng kim ngạch thương mại hai chiều, thúc đẩy hợp tác du lịch, nông nghiệp, đầu tư giữa hai nước.

Trong cuộc tiếp các tập đoàn hàng đầu thế giới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn tập đoàn Prudential (Anh) mở rộng kinh doanh ở Việt Nam, có nhiều chương trình và dự án thiết thực, hiệu quả, góp phần tích cực nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành bảo hiểm, dịch vụ tài chính ở Việt Nam; khẳng định ủng hộ tập đoàn Alphabet - Google (Mỹ) mở văn phòng ở Việt Nam; nhấn mạnh Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển công nghệ thông tin và đề nghị Google bảo đảm đưa tin chính xác, thúc đẩy hợp tác khởi nghiệp, đào tạo nhân lực; mời tập đoàn Google tham gia ABAC và Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC 2017.

Tại buổi tiếp các tập đoàn Carlylevà tập đoàn Qualcomm (Mỹ), tập đoàn SwissRe (Thuỵ Sỹ), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Việt Nam đang thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp cải thiện môi trường đầu tư để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển kinh doanh ở Việt Nam; có nhiều tiềm năng lớn trong phát triển ngành công nghệ thông tin; đề nghị tập đoàn Qualcomm tiếp tục mở rộng sản xuất điện thoại thông minh/vệ tinh, ứng dụng mạng 4G và 5G ở Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao tập đoàn Swiss Re đã tích cực hoạt động tại Việt Nam trong thời gian qua, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống bảo hiểm Việt Nam và đề nghị Swiss Re chia sẻ kinh nghiệm và triển khai thêm các chương trình, dự án hợp tác thiết thực với Việt Nam trong lĩnh vực này, nhất là bảo hiểm nông nghiệp, nông dân.

P.T