Thế hệ cử tri đầu tiên bồi hồi nhớ ngày bầu cử 70 năm trước

(Dân trí) - Tròn 70 năm trôi qua, nhưng những cảm xúc, sự bồi hồi, thiêng liêng về giây phút cầm lá phiếu đi bầu cử để chọn những người đủ đức, đủ tài lãnh đạo đất nước vẫn như mới đây trong tâm trí của lớp thế hệ cử tri đầu tiên.

Chỉ còn vài ngày nữa, cử tri cả nước bước vào ngày bầu cử Quốc hội khóa XIV để lựa chọn những người đủ đức, đủ tài lãnh đạo đất nước.

Cử tri nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa I vào ngày 6/1/1946. Ảnh tư liệu
Cử tri nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa I vào ngày 6/1/1946. Ảnh tư liệu

Chúng tôi đã tìm gặp những cụ lão, bà lão, là lớp thế hệ cử tri của cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, để nghe các cụ kể lại cái thời khắc thiêng liêng lần đầu tiên được cầm lá phiếu. Đa phần các cụ đã ngoài 90 tuổi, nhưng mỗi khi nhắc lại thời khắc thiêng liêng cầm lá phiếu đi bầu cử, chọn người tài, đức lãnh đạo đất nước, trong họ những cảm xúc ấy vẫn còn vẹn nguyên.

Cụ Nguyễn Trọng Đạn ở xã Đức Giang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh năm nay đã tròn 100 tuổi, chia sẻ: “Ngày ấy, tôi vừa tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào về. Tôi đi bỏ phiếu ở tổ bầu cử Cửa Sót, xã Thạch Kim bây giờ. Ngày ấy, vật chất rất thiếu thốn, băng rôn, khẩu hiệu đều được tận dụng các vật dụng như mẹt, nong và các phên nứa, tre đan… rồi lấy phấn hoặc nhọ nồi để viết. Thế nhưng, ở ngả đường nào cũng có khẩu hiệu với các dòng chữ như: Việt Nam độc lập muôn năm, hoan nghênh cuộc bầu cử Quốc hội khóa I...”.


Cụ Nguyễn Trọng Đạn năm nay đã tròn 100 tuổi nhưng vẫn nhớ như in thời khắc lần đầu tiên cầm lá phiếu đi bầu cử Quốc hội vào năm 1946.

Cụ Nguyễn Trọng Đạn năm nay đã tròn 100 tuổi nhưng vẫn nhớ như in thời khắc lần đầu tiên cầm lá phiếu đi bầu cử Quốc hội vào năm 1946.

“Lúc ấy, ai cũng hân hoan, vinh dự và tự hào lắm vì nước ta đã thoát khỏi chế độ phong kiến cường bạo, được độc lập, được tự do, lần đầu được bỏ lá phiếu để chọn người có đức, có tài để gánh vác, lãnh đạo đất nước”, cụ Đạn bồi hồi nhớ lại.

Cụ Nguyễn Thị Niêm ở xã Đức Giang, huyện Vũ Quang, năm nay 92 tuổi, cũng là lớp thế hệ cử tri đầu tiên trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa I. Cụ kể lại, thời điểm đó, cụ cùng với một số chị em được phân công làm nhiệm vụ trang trí các băng rôn, khẩu hiệu.

“Lúc đó, tôi cũng chưa thực sự hiểu đi bầu cử là gì, sau đó được các cán bộ tuyên truyền, giải thích về bầu cử, quyền và nghĩa vụ nên chúng tôi vinh dự và tự hào lắm. Tôi lại được phân công thêm phần băng rôn, khẩu hiệu nên hết sức hào hứng”, cụ Niên nhớ lại.

Cũng vinh dự là lớp thế hệ cử tri của cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên, cụ Nguyễn Phúc Việt (SN 1921, ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) - người được giao nhiệm vụ tuyên truyền cho cuộc bầu cử tại địa bàn xã Cẩm Bình thời đó nhớ lại: “Đúng ngày 6/1/1946, cử tri cả nước đi bỏ phiếu. Đó là lần đầu tiên người dân được đi bỏ phiếu nên ai cũng hơi lạ lẫm. Tôi là một trong những người được phân công làm cán bộ tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ về cuộc bầu cử, quyền cũng như nghĩa vụ của mình. Ai cũng xem đây như một cột mốc lịch sử, đánh dấu một trang sử mới, nên tất cả mọi khâu đều được chuẩn bị hết sức chu đáo”

Cụ Nguyễn Phúc Việt (SN 1921, ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên), người được giao nhiệm vụ tuyên truyền cho cuộc bầu cử tại địa bàn xã Cẩm Bình thời đó.
Cụ Nguyễn Phúc Việt (SN 1921, ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên), người được giao nhiệm vụ tuyên truyền cho cuộc bầu cử tại địa bàn xã Cẩm Bình thời đó.

“Lúc đó, dân họ (cử tri) chọn sẵn những người mình muốn bầu rồi viết lên lá phiếu. Với những người không biết chữ, Ủy ban bỏ phiếu cử một số người khác viết hộ. Cử tri muốn bỏ phiếu cho ai thì nói tên người đó, khi viết xong, họ đọc lại cho người bỏ phiếu nghe, đồng ý mới bỏ vào hòm phiếu”, cụ Việt nhớ lại.

Nói về cuộc bầu cử toàn quốc diễn ra ngày mai 22/5, cụ Đạn, cụ Việt đều mong muốn những người được chọn làm cán bộ, làm đại biểu của nhân dân hãy sâu sát, biết lắng nghe, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Bên cạnh đó phải luôn rèn luyện tư tưởng, kiên quyết chống tham nhũng, phải làm cho dân tin, dân phục, dân phấn khởi thì đất nước mới thanh bình.

Đó cũng là mong mỏi, những gửi gắm của cử tri cả nước dành cho các cán bộ, đại biểu được dân tín nhiệm bầu cử.

Xuân Sinh