“Thật vô lý khi dân ta còn nghèo mà phải mua thuốc giá cao!”

(Dân trí) - “Thật là vô lý khi dân ta còn nghèo mà phải mua với giá thuốc cao như vậy! Tôi đề nghị phải rà soát như thế nào đó trong quy định để không có kẽ hở trong độc quyền nhập khẩu thuốc, dẫn đến khan hiếm thuốc và nâng giá thuốc”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.

Ngày 25/3, tại hội trường, Quốc hội thảo luận xây dựng Luật Dược sửa đổi. Các đại biểu tập trung cho ý kiến làm rõ những vấn đề liên quan đến giá thuốc phải trải qua nhiều tầng nấc trung gian khiến bệnh nhân đang phải mua đắt hơn nhiều lần giá thành.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận) cho rằng, trong luật không có quy định nào về sự hạn chế, độc quyền nhập khẩu thuốc nhưng trên thực tế lại có. Việc độc quyền nhập khẩu thuốc và để thuốc qua nhiều tầng nấc trung gian làm giá thuốc bị đẩy lên. Đại biểu đưa ra ví dụ như thuốc điều trị viêm gan C, giá nhập khẩu chỉ khoảng 4 triệu đồng/hộp, trong khi đó người dân đang phải mua với giá 14 triệu đồng/hộp.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phản ánh giá thuốc đang trải qua quá nhiều tầng nấc trung gian
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phản ánh giá thuốc đang trải qua quá nhiều tầng nấc trung gian

“Thật là vô lý khi dân ta còn nghèo mà phải mua với giá thuốc cao như vậy! Tôi đề nghị phải rà soát như thế nào đó trong quy định để không có kẽ hở trong độc quyền nhập khẩu thuốc dẫn đến khan hiếm thuốc và đẩy giá thuốc”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) nhận thấy cần phải bổ sung các biện pháp quản lý giá thuốc trên cơ sở phân tích nguyên nhân một số mặt hàng thuốc giá còn cao. Đó là độc quyền nâng giá, nhiều tầng lớp trung gian, tiêu cực trong kê đơn.

Theo đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh, ngành y tế cần hạn chế các tầng lớp trung gian, sắp xếp lại mạng lưới lưu thông phân phối thuốc đang quá dư thừa (gần 2.000 công ty).

“Một loại thuốc dù nhập khẩu hay sản xuất trong nước khi phải trải qua quá nhiều tầng lớp trung gian mới đến tay người tiêu dùng sẽ bị đội giá lên cao. Về phía bệnh viện, tôi đề nghị không chỉ áp dụng một phương thức đấu thầu thuốc mà cần mở hướng với khung giá thuốc mà Bộ Y tế hay bảo hiểm y tế đàm phán được”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan kiến nghị.

Về vấn đề cấp số đăng ký thuốc, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan hoan nghênh dự thảo luật đã rút ngắn thời gian cấp lại số đăng ký xuống còn 3 tháng (trước đây là 6 tháng). Thế nhưng, thủ tục cấp mới số đăng ký lại tăng thời hạn cấp từ 6 tháng theo bản dự thảo luật trước đây lên 18 tháng. Theo bà Lan thời gian đó chỉ nên dừng ở mức 12 tháng là phù hợp.

Ngoài ra, đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng, mốc thời gian cấp đăng ký tính từ lúc nhận hồ sơ, rất dễ xảy ra nhũng nhiễu. “Ở TP Hồ Chí Minh chúng tôi có một kỷ niệm buồn được truyền miệng, đó là có trường hợp một doanh nghiệp nộp hồ sơ lên, theo luật định trong 6 tháng nếu thấy đủ điều kiện thì phải cấp, không thì phải trả lời. Cuối cùng gần hết thời gian, doanh nghiệp này được mời lên, hồ sơ của họ đầy đủ hết, chỉ có một chi tiết đề nghị phải về bổ sung, làm lại. Đó là chi tiết thay “tinh bột bắp” là tá dược bằng “tinh bột ngô” cho đúng chuẩn, thế là doanh nghiệp mất toi luôn 6 tháng”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan còn rất nhiều thuốc đang tồn đọng hồ sơ hàng năm trời, khiến các doanh nghiệp thắc mắc. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị không giảm thời gian xuống thì ít ra cũng phải giữ nguyên 6 tháng và phải quy định rõ thế nào là nhận đủ hồ sơ và mốc thời gian từ lúc nhận hồ sơ đến khi xử lý thế nào phải để tránh câu chuyện nói trên.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (tỉnh Thái Bình) đánh giá tình trạng mua bán thuốc chưa được quản lý tốt. Cần phải có chế tài mạnh trong vấn đề này để chống độc quyền, làm giá thuốc. “Thuốc nhập khẩu vẫn chưa quản lý được, vẫn phải đi lòng vòng, dẫn đến bị đẩy giá lên cao. Giá thuốc, chất lượng thuốc cần phải ưu tiên hàng đầu”, đại biểu Đỗ Văn Vẻ nói.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Tiên (tỉnh Tiền Giang), dược liệu ở Việt Nam đa số nhập của nước ngoài, thế nhưng trình độ của chúng ta lại không có khả năng kiểm soát nguồn nguyên liệu này có tiêu chuẩn chất lượng đến đâu. Thế nên, dược liệu nhập chủ yếu là các loại dược liệu đã chiết xuất hoạt chất thành các chất dược liệu tốt bán ở nước bạn, sau đó chiết xuất lần 2, lần 3 để đưa sang Việt Nam với giá rất rẻ, chỉ bằng một phần dược liệu trong nước.

“Người bệnh cứ uống toàn thuốc bã thì làm sao khỏi được bệnh. Nếu cứ tiếp tục sử dụng nguồn dược liệu nhập này thì ngành y học cổ truyền của chúng ta sẽ dần dần bị triệt tiêu”, đại biểu đoàn Tiền Giang lo ngại.

Đại biểu nêu thực trạng ở các vùng trồng dược liệu, nhân dân và doanh nghiệp rất sẵn sàng. Thế nhưng dược liệu đấu thầu giá rẻ nên trong nước không cạnh tranh được, bán không ai mua.

“Vì vậy, tôi đề nghị nên chỉ định thầu, như thế có lợi cho người dân, cho doanh nghiệp và lợi cho cả người bệnh trong nước”, đại biểu Tiên kiến nghị.

Quang Phong