Thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2

Ngày 19/10, Lễ công bố Quyết định thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011-2015 đã được tổ chức trang trọng tại Trụ sở Trung ương Đảng.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang; đại diện các cơ quan tham mưu, quản lý, nghiên cứu khoa học và nhiều nhà nghiên cứu lý luận, các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2006-2010 và nhiệm kỳ 2011-2015 đã dự buổi lễ.
 
Thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2 - 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng hoa chúc mừng ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011- 2015. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Văn Minh đã công bố Quyết định số 34-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011-2015 và Quyết định số 35-QĐ/TW của Ban Bí thư về thành phần Hội đồng.

Theo đó, Hội đồng Lý luận Trung ương do Tiến sỹ Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm Chủ tịch; có 5 Phó Chủ tịch, 1 Tổng thư ký và 32 Ủy viên.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đinh Thế Huynh nêu rõ quyết định thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định Hội đồng là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị, làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chính sách của Đảng, về những chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước về lý luận chính trị, phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo của Đảng.

 

Sự ra đời, tồn tại và phát triển của Hội đồng Lý luận Trung ương là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác lý luận trong tình hình mới. Hội đồng phải tư vấn kịp thời, đầy đủ, sâu sắc cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận một cách thiết thực để có những đóng góp mới về mặt lý luận chính trị, phục vụ kịp thời, có hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng trong mỗi thời kỳ.

Hướng nghiên cứu giai đoạn 2011-2015 của Hội đồng là tập trung vào tổng kết những vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới; góp phần cụ thể hóa và triển khai thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, Báo cáo chính trị tại Đại hội XI của Đảng; cung cấp cơ sở lý luận - thực tiễn phục vụ soạn thảo các văn kiện trình các hội nghị Trung ương khóa XI, trình Đại hội XII của Đảng; tiếp tục góp phần làm sáng tỏ những vấn đề về đảng cầm quyền; về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về phát triển văn hóa, xã hội, con người; về chiến lược bảo vệ Tổ quốc...

Để hoàn thành tốt những nhiệm vụ trên, Hội đồng sẽ tập trung xây dựng chương trình hành động và đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng, hoàn thiện Chương trình nghiên cứu lý luận chính trị.

Theo đó, Hội đồng sẽ phát huy những thành tựu và kinh nghiệm từ các khóa trước, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, tập trung thực hiện tốt bốn nội dung: tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nhằm nâng cao chất lượng tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phát huy sự chủ động, nỗ lực của các thành viên Hội đồng, các tiểu ban, phát huy thế mạnh trí tuệ và sáng tạo tập thể, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động; thật sự dân chủ, tăng cường tranh luận, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu lý luận; tăng cường và mở rộng hơn nữa quan hệ với các cơ quan nghiên cứu lý luận của các đảng cộng sản, đảng cầm quyền và các đảng khác trên thế giới.

Cùng ngày, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tiến hành Kỳ họp thứ nhất.

Phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tầm quan trọng, vai trò của lý luận, công tác lý luận và của Hội đồng Lý luận Trung ương. Tổng Bí thư nêu rõ Tổng kết lý luận - thực tiễn 20 năm đổi mới tại Đại hội X và tổng kết 25 năm đổi mới, trong đó có 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tại Đại hội XI, thực sự là những tổng kết lớn, quan trọng, đánh dấu những bước trưởng thành về năng lực tư duy lý luận của Đảng.

Giới lý luận và đội ngũ trí thức khoa học đã có những đóng góp thực sự quý báu vào công tác tư tưởng - lý luận của Đảng, vào quá trình hình thành và phát triển lý luận đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những điều kiện và hoàn cảnh lịch sử đặc thù của Việt Nam.

Hội đồng Lý luận Trung ương, kể từ khi thành lập, đã đóng vai trò nòng cốt, là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, là nơi thu hút, tập hợp, tổ chức các chuyên gia, các nhà khoa học nghiên cứu các vấn đề lý luận chính trị liên quan trực tiếp đến việc hoạch định đường lối và các quyết sách của Đảng và Nhà nước ở tầm cương lĩnh, chiến lược.

Tổng Bí thư đã phân tích bối cảnh tình hình, xu thế phát triển trên toàn thế giới và những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho công tác lý luận; đồng thời nhấn mạnh, cần phải bám sát và phân tích sâu sắc thực tiễn để tìm lời giải sáng rõ về lý luận cho những vấn đề của thực tiễn.

Để thành công trong hội nhập, giữ vững được độc lập chủ quyền dân tộc, giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, đảm bảo phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi rất nhiều năng lực sáng tạo, bản lĩnh; phải ra sức nghiên cứu lý luận từ thực tiễn sinh động chứ không thể giáo điều, chủ quan, tư biện; không thể tự bằng lòng với những kiến thức và kinh nghiệm đã có. Nếu không có những đột phá về lý luận sẽ không thể tạo ra được tiền đề khoa học cho sự phát triển thực tiễn, cho chất lượng và hiệu quả hoạt động của Đảng và Nhà nước.

Hơn lúc nào hết, nhu cầu vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận trong thực tiễn, vượt qua tình trạng lạc hậu của lý luận và sự chậm trễ của khoa học xã hội - nhân văn so với đà phát triển mau lẹ của thực tiễn trở nên vô cùng bức thiết.

Trên cơ sở tư vấn của giới lý luận, các nhà khoa học, đội ngũ trí thức, Đảng, Nhà nước sẽ trân trọng cân nhắc, lựa chọn các phương án, tính toán các điều kiện, nhất là các nguồn lực để sớm có những đổi mới chính sách và cơ chế nhằm tạo động lực cho sự phát triển lý luận, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo - hai lĩnh vực được coi là chìa khóa của phát triển, tạo ra nguồn vốn quý giá nhất là nhân lực, nhân tài.

Trải qua hơn 1/4 thế kỷ thực hiện công cuộc đổi mới, thực tiễn cách mạng Việt Nam đặt ra nhiều câu hỏi cần phải có câu trả lời đúng đắn về lý luận. Giới lý luận và đội ngũ trí thức khoa học Việt Nam, đặc biệt là Hội đồng Lý luận Trung ương, cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, kết hợp đồng bộ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, coi trọng tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận, tiến tới tổng kết 30 năm đổi mới đất nước, chuẩn bị cơ sở khoa học cho những quyết định đường lối, chính sách của Đảng tại Đại hội XII.

 

Chương trình nghiên cứu lý luận chính trị cần bám sát những tinh thần cơ bản của Văn kiện Đại hội XI và chương trình toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương để xác định hệ thống các đề tài nghiên cứu cho phù hợp, thiết thực, đi thẳng vào những vấn đề mà xu hướng phát triển của thế giới, thời đại và thực tiễn phát triển của đất nước đang đặt ra, đang cần trả lời về mặt lý luận.

Tổng Bí thư đã gợi ý 5 hướng nghiên cứu quan trọng, cả cơ bản lâu dài lẫn cấp bách trước mắt. Thứ nhất, cần chú trọng nghiên cứu sâu vào bản chất, đặc điểm, xu thế biến đổi của thế giới đương đại; về chủ nghĩa tư bản hiện đại - những biến đổi và những điều chỉnh chiến lược cũng như chính sách; về chủ nghĩa xã hội trong tiến trình cải cách, đổi mới và hội nhập; trọng trách lịch sử của Đảng Cộng sản, phát triển lý luận về Đảng Cộng sản cầm quyền, vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng... giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều, chỉnh thể và hệ thống về thế giới, cung cấp các cứ liệu cho việc dự báo, xác định đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại.

Thứ hai, nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết thực tiễn quá trình đổi mới của Việt Nam để tiếp tục làm rõ vấn đề định hướng xã hội chủ nghĩa và định hình chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; Chủ nghĩa xã hội là gì? và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như thế nào? Chính trên vấn đề này, giới lý luận sẽ tiếp tục đi sâu nghiên cứu các di sản kinh điển từ chủ nghĩa Mác-Lênin đến tư tưởng Hồ Chí Minh.

 

Vấn đề là ở chỗ, phải vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm và phương pháp mác-xít cùng với sự nắm bắt kịp thời những kiến thức mới, những thành quả nghiên cứu mới của thế giới để nghiên cứu những giá trị bền vững, sức sống và ý nghĩa của chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm tòi phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện lịch sử mới, nghiên cứu một cách khách quan, khoa học, trên quan điểm đổi mới và phát triển. Về tư tưởng Hồ Chí Minh, cần nghiên cứu sâu và hệ thống trên cả hai bình diện lịch sử và lý luận, cần có những chuyên khảo lớn thể hiện chân thực tư tưởng, phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, triết lý phát triển Hồ Chí Minh, văn hóa, đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh...

Thứ ba, tập trung nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về phát triển bền vững, về đổi mới mô hình tăng trưởng, về thể chế và chính sách, chú trọng nhiều hơn tới các vấn đề văn hóa, xã hội, an sinh xã hội, các vấn đề về con người.

Thứ tư, nghiên cứu về mối quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện tốt nhất yêu cầu về phát triển tiềm lực an ninh, quốc phòng, giữ vững môi trường hòa bình cho phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ năm, nghiên cứu những vấn đề về Đảng cầm quyền, nhà nước pháp quyền, đổi mới chính trị và hệ thống chính trị, đặc biệt là nâng cao chất lượng công tác tổ chức, cán bộ, khoa học hóa và dân chủ hóa, bảo đảm có những chuyển biến tích cực về chất lượng công tác tổ chức, cán bộ ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ; cần tập trung nghiên cứu và tổng kết, đầu tư trí tuệ, sức lực và trách nhiệm để có những tư vấn sắc sảo, kịp thời cho Trung ương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, tác dụng của xây dựng Đảng trong tình hình mới.

Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý Hội đồng Lý luận Trung ương cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn về phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng tư vấn bằng cách tổ chức hoạt động nghiên cứu các đề tài ở các cơ quan khoa học, tổ chức tốt các kỳ họp của Hội đồng, đảm bảo chất lượng các khuyến nghị tư vấn, phát huy cao độ nhiệt tình, trách nhiệm, tinh thần dân chủ, thực sự cầu thị trong thảo luận, tranh luận khoa học để cùng nhau tìm tòi chân lý trên cơ sở giữ vững nguyên tắc Đảng, thực hiện nghiêm túc các yêu cầu đặt ra trong nghiên cứu và tư vấn lý luận chính trị.

 

Trên tinh thần dân chủ, phát huy mọi khả năng sáng tạo, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, khiêm tốn học hỏi lẫn nhau giữa các thế hệ khoa học, Hội đồng và cơ quan Hội đồng phải phấn đấu trở thành một cộng đồng khoa học kiểu mẫu cả về tư tưởng, học thuật, đạo đức, văn hóa và phong cách, có tác dụng khích lệ, cổ vũ các năng lực sáng tạo trong giới lý luận, trong đội ngũ trí thức khoa học, nhất là đối với các nhà khoa học trẻ.


Tại Kỳ họp, các thành viên Hội đồng nghe quyết định thành lập các Tiểu ban của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011-2015 gồm Tiểu ban Chính trị, Tiểu ban Kinh tế, Tiểu ban Văn hóa-Xã hội và Con người; Tiểu ban Quốc phòng- An ninh- Đối ngoại.

Với tinh thần trách nhiệm cao, các thành viên Hội đồng đã thảo luận thực sự dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn và có chất lượng về những vấn đề liên quan đến ba đề án trọng tâm là đề án những nội dung công tác chủ yếu của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011-2015; Đề án tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội đồng nhiệm kỳ 2011-2015 và Chương trình làm việc của Hội đồng cả nhiệm kỳ; Đề án tổ chức học tập, nghiên cứu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ khóa XI.

Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ chỉ đạo nghiêm túc, kịp thời việc tiếp thu các ý kiến của các thành viên Hội đồng, tiếp tục hoàn thiện các đề án, sớm trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chính thức ban hành; đồng thời sẽ chỉ đạo một cách sát sao việc tổ chức thực hiện những kế hoạch, nội dung cụ thể gắn với từng đề án. Ngay sau Kỳ họp thứ nhất, các thành viên Hội đồng cần chủ động, phối hợp chặt chẽ, triển khai các công tác trọng tâm đã được xác định.

Trước mắt, tổ chức thật tốt cuộc trao đổi lý luận lần thứ tư giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Nhật Bản (cuối tháng 10/2011); Hội thảo lý luận lần thứ bảy giữa Đảng ta với Đảng Cộng sản Trung Quốc (luân phiên) tại Trung Quốc vào cuối tháng 11/2011, hai hội thảo khoa học lớn tại Kỳ họp thứ 2 của Hội đồng để tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung quan trọng, phục vụ chuẩn bị Hội nghị Trung ương 4 và Hội nghị Trung ương 5 khóa XI.

 

Thường trực Hội đồng đề nghị các thành viên cần chủ động, bám sát vào nội dung của từng đề án sẽ được ban hành, đặc biệt là Chương trình làm việc của Hội đồng để triển khai các kế hoạch, các công việc cụ thể, bảo đảm chất lượng cao nhất nhiệm vụ tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề lý luận chính trị./.

 

Theo Nguyễn Thị Sự - Hương Thủy

TTXVN/Vietnam+