Sao doanh nghiệp chỉ biếu ô tô, không xây tặng bệnh viện, trường học?
(Dân trí) - Tranh luận xung quanh quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản được cho, biếu, tặng, các đại biểu Quốc hội người thì cho rằng, pháp luật không cấm việc “nhận quà”, chỉ cần chống sự lợi dụng, người lại băn khoăn, tại sao các doanh nghiệp chỉ cho, biếu ô tô mà không tặng bệnh viện, trường học, nhà tình nghĩa…?
Sáng 4/4, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, trong báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự thảo luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) để các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận thêm, UB Tài chính – Ngân sách (cơ quan thẩm tra dự án luật) có nêu nội dung về quản lý, sử dụng tài sản cho, biếu, tặng.
Chủ nhiệm UB, ông Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến cho rằng, vừa qua dư luận xã hội đã phản ánh về việc một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng (ô tô) không đúng tiêu chuẩn, định mức được quy định. Điều này dẫn đến việc một số cơ quan, địa phương phải trả lại các phương tiện này cho các tổ chức, cá nhân cho/biếu/tặng, do đó, đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho/biếu/tặng ngay trong Luật.
Giải trình vấn đề này, UB Tài chính – Ngân sách viện dẫn quy định tại Quyết định 64 năm 2006, Nghị định 29 năm 2014 của Chính phủ về điều kiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước được nhận và không được nhận quà tặng; xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với quà tặng; xử lý quà tặng trong trường hợp việc tiếp nhận phù hợp về đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị chỉ được nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật. Đối với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng thì đại diện cơ quan, đơn vị phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và xử lý theo quy định của pháp luật.
Từ quan điểm này, dự thảo luật quy định việc giao tài sản công cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phải phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản (khoản 2 Điều 28, khoản 1 Điều 48), thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, đồng thời giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, trong đó có tài sản do các tổ chức, cá nhân cho, tặng các cơ quan, đơn vị của Nhà nước.
Báo cáo của cơ quan thẩm tra cũng khái quát nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp nhận các tài sản cho/biếu/tặng trong thời gian vừa qua không nhiều nhưng có một số trường hợp đã bị lợi dụng gây dư luận không tốt, việc thực hiện các quy định của Chính phủ chưa nghiêm. Do đó, các ý kiến này cho rằng cần bổ sung các quy định về điều kiện được tiếp nhận, xử lý đối với các loại tài sản cho/biếu/tặng tại văn bản dưới luật vào dự thảo luật.
Nguyên tắc hướng tới là nghiêm cấm tiếp nhận đối với tài sản là ô tô và phương tiện làm việc cho cá nhân dưới hình thức cho/biếu/tặng, chỉ cho phép tiếp nhận các loại tài sản trên để phục vụ cho hoạt động từ thiện, nhân đạo và các loại tài sản chuyên dùng như: xe chuyên dùng phục vụ cấp cứu, văn hóa xã hội, thể thao, nghiên cứu khoa học, phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai...
Góp ý về nội dung này trong phần thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, hiện pháp luật không cấm việc cho, biếu, tặng tài sản cho các cơ quan nhà nước. Vấn đề là việc nhận và sử dụng tài sản được cho, biếu, tặng này thế nào cho phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, uỷ viên thường trực UB Quốc phòng – An ninh phân tích: “Việc biếu, tặng nào mà để lợi dụng mặc cả, trao đổi lợi ích thì phải chặn thôi chứ không nên từ chối sự đóng góp để phát triển xã hội. Việc doanh nghiệp tặng địa phương ô tô như vừa qua chẳng hạn, vì xe được tặng có giá trị cao hơn so với định mức cán bộ được hưởng nên gây phản cảm cho xã hội thôi. Vậy chúng ta làm sao để khắc phục được vấn đề này là được”.
Ngược lại, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đặt câu hỏi, tại sao các doanh nghiệp chỉ cho, tặng, biếu ô tô mà không cho tặng biếu tài sản khác như bệnh viện, trường học, cầu đường, nhà tình nghĩa. Đó là những tài sản rất có ý nghĩa với cuộc sống của cộng đồng, của người dân. Nếu cho và nhận những “món quà” đó, ông Xuân cho rằng, dư luận không có gì phải bức xúc.
Ông Xuân nhấn mạnh, đó là hướng luật cần khuyến khích để doanh nghiệp hướng vào những lợi ích phục vụ cho nhu cầu của người dân, xã hội nói chung chứ không phải để phục vụ cán bộ, hỗ trợ chính quyền, gây nghi vấn trong dư luận.
P.Thảo