Bình Định:
Rất khó để chấm dứt tình trạng phá rừng(!)
(Dân trí) - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng trả lời như thế trước chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Khóa XII, nhiệm kỳ 2016-2021.
Ngày 14/7, ngày họp thứ 3, kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Bình Định, Khóa XII, nhiệm kỳ 2016-2021 bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Phiên chất vấn với nhiều nội dung được đại biểu quan tâm như xung quanh vấn đề tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ tại Bình Định bị hư hỏng; khai thác khoáng sản (đất, cát, ti tan…); vấn đề ô nhiễm môi trường… Các đại biểu cũng rất quan tâm về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại các địa phương.
Theo báo cáo đánh giá 6 tháng đầu năm 2017, tình hình phá rừng có giảm. Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng phá rừng trong những năm qua chưa kiên quyết. Trong đó, nhiều vụ có dấu hiệu hình sự nhưng chậm xử lý và chưa có biện pháp mạnh để xử lý.
Trả lời các đại biểu về vấn đề trên, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thừa nhận tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại địa phương này là rất bức xúc. Tuy nhiên, Bình Định có diện tích rừng quá lớn, trong khi lực lượng bảo vệ rừng quá mỏng nên vấn đề quản lý, bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Dũng, chỉ từ đầu năm đến tháng 9/2016 đã xảy ra 213 vụ phá rừng, chiếm 262 ha đất rừng. Thế nhưng, từ khi UBND tỉnh ra chỉ thị về siết chặt việc quản lý, bảo vệ rừng đến nay chỉ xảy ra 41 vụ, bị phá 26 ha rừng, giảm mạnh 80-90%.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, không thể nào chấm dứt được tình trạng phá rừng và lấn chiếm rừng vì diện tích rừng của tỉnh rất lớn.
Chủ tịch huyện nào để xảy ra tình trạng phá rừng người đó sẽ bị xử lý trách nhiệm
“Tỉnh Bình Định có trên 150 ngàn ha rừng, trong khi đó tổng số cán bộ quản lý rừng phòng hộ chỉ có 44 người. Chủ yếu các diện tích rừng được giao cho cán bộ lâm nghiệp xã không chuyên trách quản lý. Nếu đúng chỉ tiêu, tỉnh phải có ít nhất khoảng 200 cán bộ quản lý rừng. Vì vậy, việc bảo vệ rừng chỉ nhờ vào các cấp, các ngành ở địa phương tăng cường công tác tuyền truyền, vận động, giáo dục người dân gắn với quyền xử lý”- ông Dũng nói.
Tuy nhiên, nói lại vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, nguyên nhân phá rừng chủ yếu là chủ quan nên hoàn toàn có thể ngăn chặn được.
“Thủ tướng chỉ đạo rồi, tỉnh nào mà để xảy ra tình trạng phá rừng thì Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm, ở huyện thì Chủ tịch huyện đó phải chịu trách nhiệm. Tôi đề nghị Chủ tịch UBND các huyện phải chỉ đạo kiên quyết, chấm dứt tình trạng phá rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép”- Bí thư Tùng khẳng định.
Doãn Công