Quốc hội sẽ dành 11 ngày để quyết định về nhân sự cấp cao
(Dân trí) - Dự kiến kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 20/7 tới và diễn ra trong vòng 15-16 ngày. Trong đó, Quốc hội sẽ dành 11 ngày để xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của nhà nước: Bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao....
Chiều 25/4, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, dự kiến Quốc hội sẽ làm việc khoảng 15 ngày và 1 ngày dự phòng. Phiên khai mạc tiến hành vào sáng ngày 20/7/2016 và dự kiến phiên bế mạc vào ngày 9/8/2016.
Căn cứ các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các quy định của pháp luật và tình hình thực tế, dự kiến nội dung kỳ họp thứ nhất của Quốc hội sẽ bao gồm nhiều nội dung như: Nghe phát biểu của Tổng Bí thư; Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu.
Quốc hội sẽ dành 11 ngày để xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của nhà nước: Bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Tổng thư ký Quốc hội; Bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách các thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Ngoài ra, Quốc hội sẽ dành 5 ngày để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng như: Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016; xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017; báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 13 về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13 (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu); báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 về kết quả tổ chức giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu).
“Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cân nhắc để bố trí chương trình kỳ họp hợp lý, linh hoạt, điều chỉnh kịp thời theo diễn biến thực tế, nhất là về tổ chức và nhân sự để hạn chế thời gian trống. Sau khi Quốc hội bầu xong Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, đề nghị bố trí thời gian để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nhân sự thành viên Hội đồng dân tộc, các Ủy ban và thời gian chuẩn bị cho việc thực hiện nhiệm vụ thẩm tra theo quy định của pháp luật”- ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Nhân sự được bầu, phê chuẩn đáp ứng các yêu cầu
Cũng trong chiều 25/4, trình bày dự thảo Báo cáo Đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội đã dành một khoảng thời gian nửa kỳ họp để xem xét, quyết định nhân sự lãnh đạo cấp cao của Nhà nước nhằm tạo sự đồng bộ giữa công tác tổ chức cán bộ với việc kiện toàn bộ máy nhà nước, bảo đảm dân chủ, đúng chủ trương, định hướng của Đảng và quy định của pháp luật.
“Nhân sự được bầu hoặc phê chuẩn đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ; được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, trải qua các cương vị khác nhau, có kinh nghiệm, năng lực thực tiễn; đồng thời có số lượng và cơ cấu hợp lý, có sự tiếp nối, kế thừa kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của các khóa trước và phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước”- báo cáo của ông Phúc nêu rõ.
Báo cáo đánh giá, các vị đại biểu Quốc hội đã dành thời gian nghiên cứu, trao đổi dân chủ, thể hiện rõ chính kiến, sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng đảm nhận các công việc quan trọng. Kết quả bầu và phê chuẩn các chức danh cụ thể đạt tỷ lệ tán thành cao, được dư luận xã hội và cử tri quan tâm, ủng hộ.
Thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án TAND Tối cao tuyên thệ trước Quốc hội, thể hiện mạnh mẽ và khắc ghi trong tâm lời hứa tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
“Lời hứa tạo động lực cho người tuyên thệ, làm tăng trách nhiệm đối với người đảm nhận chức vụ và là cơ sở giám sát của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước. Nghi thức tuyên thệ trang trọng, xúc động, nội dung phù hợp, người tuyên thệ thể hiện được phong thái, sự quyết tâm của mình, tạo dấu ấn quan trọng trong lòng đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Quốc hội cùng toàn Đảng, toàn dân đặt niềm tin, kỳ vọng đối với các vị lãnh đạo mới được bầu, phê chuẩn sẽ có nhiều đột phá, quyết liệt trong lãnh đạo, đưa kinh tế đất nước tăng trưởng bền vững, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của đất nước, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”- ông Phúc nói.
Tuy vậy, Tổng Thư ký Quốc hội thừa nhận việc tổ chức kỳ họp thứ 11 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được rút kinh nghiệm. Đó là các báo cáo cần đánh giá sâu hơn vai trò quyết định của nhân dân trong việc đồng thuận, ủng hộ và thực hiện tốt các chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nhiệm kỳ vừa qua. Việc thảo luận về các nội dung kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020 có nội dung chưa sâu, chưa làm rõ được vấn đề và trách nhiệm của từng Bộ, ngành.
“Một số nội dung giải trình, tiếp thu chưa thỏa đáng. Việc xin ý kiến biểu quyết từng nội dung, điều khoản chưa khoa học, còn mang tính hình thức. Việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đôi khi còn chậm, chưa đầy đủ; một số tài liệu gửi đến các vị đại biểu Quốc hội chậm”- ông Phúc nhìn nhận.
Thế Kha