ĐBQH đánh giá về kỳ họp:
Quốc hội nên chất vấn các phó Thủ tướng
Ngay phiên họp kết thúc kỳ họp thứ 8; phóng viên đã ghi nhận những đánh giá của các ĐBQH về kết quả kỳ họp cũng như những điều còn băn khoăn.
Quốc hội lắng nghe tiếng nói cử tri
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: “Quốc hội đã lắng nghe được rất nhiều ý kiến của đại biểu, cử tri. Có những vấn đề nóng được Quốc hội bàn thảo, quyết định ngay tại kỳ họp”.
Bà Hải cho biết, sau các phiên thảo luận, ý kiến ĐBQH, việc tăng lương đã được đưa vào Nghị quyết chung. Tuy chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra ban đầu là tất cả công chức được tăng lương theo lộ trình, nhưng chúng ta đã tăng lương cho đối tượng có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, Nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông đã được thảo luận kỹ ở tổ, hội trường, phát thanh truyền hình trực tiếp trước khi được thông qua. Như vậy, đã có sự đổi mới phương pháp tổ chức thực hiện để cử tri theo dõi. Quốc hội đã lắng nghe được rất nhiều ý kiến của cử tri.
Bà Hải đặc biệt quan tâm đến vấn đề tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo vẫn đang có xu hướng gia tăng. Đó là chỉ tiêu duy nhất không hoàn thành so với yêu cầu Quốc hội giao. Vấn đề này cử tri cũng gửi gắm ĐBQH. Trên thực tế, hơn 100.000 cử nhân, kỹ sư cũng không có việc làm. Trong khi đó, tỷ lệ qua đào tạo ở nước ta lại thấp, đấy là một nghịch lý giữa nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu mong muốn đào tạo.
Lấy phiếu tín nhiệm không phải để loại ai
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ Trịnh Ngọc Thạch, kết quả lấy phiếu tín nhiệm phản ánh đúng tình trạng cá nhân bộ trưởng và bản thân ngành đó. Có nhiều ĐB băn khoăn vì không thay đổi được mức đánh giá. ĐB Thạch cho rằng tín nhiệm thấp, tín nhiệm cao là đánh giá, thăm dò chứ không phải để loại bỏ ai. Đây là bước đầu tiên đánh giá, chỉ khi nào quá mức thì mới chuyển sang bước bỏ phiếu. Đáng lưu ý, chất vấn vừa qua chúng ta có nêu vấn đề lạm phát cấp phó. Nhưng việc tinh giản cán bộ, bộ máy công chức chưa giải quyết được, làm rất chậm. Theo ĐB Thạch phải đổi mới từ bộ máy Chính phủ và phải mạnh tay. Vừa qua, Bộ Nội vụ đi trao đổi vấn đề này nhưng các bộ không giúp, Bộ Nội vụ gương mẫu nhưng các bộ không làm theo.
Muốn Quốc hội chất vấn các Phó Thủ tướng
Trả lời câu hỏi làm sao để kiểm soát được lời hứa của các bộ trưởng, ĐB Dương Trung Quốc nói: Lời hứa của bộ trưởng tại mỗi kỳ họp chỉ được kiểm soát tại kỳ họp sau đó 6 tháng. Thời gian đó chưa đủ thay đổi, cho nên sự thất vọng hay lạc quan cũng tương đối. Tôi vẫn muốn QH chất vấn vào những vấn đề nóng bỏng của đời sống. Những vấn đề đó liên quan đến nhiều bộ trưởng, nhiều ngành. Như thế, chúng ta chỉ nên chất vấn đối với các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng chỉ là người hỗ trợ, thì mới giải quyết được câu chuyện cuộc sống đặt ra. Nếu không sẽ vẫn chỉ là những lời hứa nửa vời, vì bộ trưởng không có toàn quyền. Ví dụ vấn đề của ngành Y tế rất nhiều gai góc: Đầu tư thế nào để nhanh chóng thoát tình trạng quá tải bệnh nhân, hay vấn đề người nhà vào khủng bố bác sỹ trong bệnh viện? Điều đó chắc không phụ thuộc vào mỗi bà bộ trưởng. QH nên chất vấn các Phó Thủ tướng, còn bộ trưởng nên điều trần giữa hai kỳ họp.
“Tôi thấy tính chuyên nghiệp của ĐB cao hơn. Nhưng những vấn đề dự án lớn dường như QH vẫn chưa thoát hình thức. Rõ nhất là vấn đề sân bay Long Thành. Bởi vì sân bay Long Thành là dự án nằm trong tổng thể quy hoạch, khi đưa ra QH thì không thể bác được. Đấy là dự án trong quy hoạch từ 10 năm nay rồi. Nhưng vì đưa ra QH thảo luận nên tạo ra cảm giác QH còn hình thức chứ chưa thực chất” ĐB Dương Trung Quốc nói.
Theo Nguyễn Tuấn - Hồng Phúc
Tiền phong