Quảng Nam kỷ niệm 110 năm khởi phát phong trào chống sưu, thuế
(Dân trí) - Sáng 9/3, tại Đình làng Phiếm Ái (xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đã tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm phong trào chống sưu, thuế ở Quảng Nam và miền Trung (1908-2018) và đón nhận bằng di tích lịch sử quốc gia địa điểm khởi phát phong trào.
Năm 2018 gợi nhắc câu chuyện đậm chất bi tráng của 110 năm trước với bao gương kiên trung, bất khuất của vùng đất và con người làm nên lịch sử: Phong trào kháng thuế cự sưu (1908). Khởi phát từ Đại Lộc, đã “châm ngòi” cho cuộc đấu tranh bất bạo động làm rung chuyển cả Trung kỳ.
Phong trào kháng thuế cự sưu của 110 năm trước đã đi vào lịch sử, được nhiều nhà nghiên cứu gọi là “cuộc dân biến” khi lực lượng nổi dậy chính là nông dân. Phong trào khởi nguồn từ bữa đám giỗ của họ Trương làng Phiếm Ái (Đại Nghĩa), cụ thể là tại nhà ông Nghè Nhiếp (Trương Nhiếp).
Tại đây, các ông Trương Kỳ, Trương Hoành, Trương Tốn, Trương Côn, Trương Đính và Lương Châu (lý trưởng làng Hà Tân), Hứa Tạo (lý trưởng làng Ái Nghĩa)… bàn nhau làm đơn lấy chữ ký của 35 lý trưởng các làng xã, trình tri huyện chuyển đạt lên tỉnh cùng Tòa sứ giảm nhẹ sưu và nhiều món thuế kẻo nặng quá dân không đóng nổi. Thế nhưng, lý trưởng làng La Đái sau khi ký đơn đã lén đi báo tri huyện Đại Lộc việc dân chúng chuẩn bị nổi loạn.
Trước tình thế bất lợi, tại đình làng Phiếm Ái, 34 vị lý trưởng các làng xã đã họp bàn kế hoạch tổ chức đoàn kéo lên huyện đường để nhờ quan xin xâu, giảm thuế cho dân. Từ vài trăm, đoàn người gia nhập lên tới cả nghìn người, rồi lan ra cả tỉnh, các tỉnh thành lân cận. Ngọn lửa đấu tranh lan khắp Trung kỳ khiến bọn thực dân, phong kiến hoảng loạn, điên cuồng đối phó…
Phong trào chống sưu, thuế ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung năm 1908 diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng bị đàn áp. Tuy nhiên, phong trào đã thể hiện tinh thần yêu nước, sức mạnh quật cường của các tầng lớp nhân dân miền Trung, nhất là nhân dân Quảng Nam trong cuộc đấu tranh chống sự áp bức của thực dân Pháp và tay sai vào những năm đầu thế kỷ XX.
Mặc dù thất bại, phong trào để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các cuộc đấu tranh giai đoạn tiếp theo, nhất là việc tập hợp, phát động giai cấp nông dân-một lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh sinh tử với thực dân Pháp để giành độc lập, tự do cũng như trong xây dựng đất nước thời kỳ hội nhập và phát triển ngày nay.
Năm nay, dịp tròn 110 năm lịch sử phong trào, huyện Đại Lộc bố trí kinh phí giải tỏa mặt bằng xây dựng Nhà bia tưởng niệm cạnh đình làng Phiếm Ái - cùng với nhà ông Nghè Nhiếp đình làng đã được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia ngay trong những ngày đầu năm 2018, nơi ghi dấu ấn cuộc dân biến.
Xứ sở tôn vinh những người con họ Trương. Bia tưởng niệm cụ Trương Nhiếp được lập trang nghiêm ở Đền tưởng niệm Trường An. Nhiều trường học Đại Lộc vinh dự đặt tên những người con yêu nước như Trường Tiểu học Trương Hoành, Trường Tiểu học Hứa Tạo…
Quảng Nam kỷ niệm 110 năm khởi phát phong trào chống sưu, thuế
Ông Phan Việt Cường (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ủy) phát biểu tại buổi lễ: “Địa điểm khởi phát phong trào chống sưu, thuế tại Quảng Nam và các tỉnh miền Trung (năm 1908) đã được Bộ VH-TT&DL công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia điều đó chính là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử, ghi nhận đóng góp của các bậc tiền nhân đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Do đó để tiếp tục phát huy giá trị của di tích, góp phần phát huy, tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử Đảng bộ huyện Đại Lộc cần nâng cao việc tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp quần chúng nhân dân, đặc biệt là các thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng tại địa phương. Xây dựng cảnh quan, môi trường, phát huy giá trị di tích, tạo điều kiện cho nhân dân và du khách đến tham quan”.
C.Bính - N.Linh