Phòng chống tham nhũng - những dấu ấn mang “thương hiệu” Trung ương 4 (tiếp)
Kinh nghiệm trong chống tham nhũng là phải làm toàn diện, đồng bộ, quyết tâm kiên trì, huy động rộng rãi các lực lượng, sức mạnh. Đặc biệt, không chỉ bằng hô hào, khuyên bảo, kêu gọi, không chỉ bằng xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm mà phải bằng cơ chế, luật pháp...
Công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo ngày càng quyết liệt, sức lan tỏa lớn Phòng chống tham nhũng - những dấu ấn mang “thương hiệu” Trung ương 4
3. Dấu ấn “không ai có thể ngoài cuộc”
Tới nay, với tinh thần lan toả của Nghị quyết Trung ương 4, công tác xây dựng Đảng được coi trọng hơn, ý thức toàn Đảng, toàn dân chăm lo xây dựng Đảng nhiều hơn, đặc biệt vai trò của người đứng đầu thấy được trách nhiệm của mình, trách nhiệm của cấp ủy Đảng. Tất cả điều này đã làm cho vai trò, vị trí, uy tín của Đảng được nâng lên rõ rệt, được thể hiện ở cả trong nước và trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, Đảng cũng có thêm kinh nghiệm để làm tốt hơn, đó là việc kết hợp giữa xây và chống, xây phải cơ bản, chống cũng phải quyết liệt.
Tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ trước thềm kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Đấu tranh chống “giặc nội xâm” rất phức tạp, đã làm từ lâu nhưng điểm mới hiện giờ là đã thành phong trào, thành xu thế và không ai có thể đứng ngoài cuộc. Cách làm phải chắc chắn, cẩn thận, từng bước chặt chẽ, tạo được sự tâm phục, khẩu phục. Không chỉ chống tham nhũng, mà chống lãng phí, tiêu cực cũng vô cùng quan trọng. Những công việc này càng làm càng chứng tỏ Đảng ta mạnh, nên phải làm để cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây là cuộc chiến phải làm kiên quyết, kiên trì, lâu dài, bền bỉ”.
Kết quả 5 đoàn kiểm tra của Ban Bí thư, kiểm tra 10 tỉnh và 5 cơ quan Trung ương về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho thấy: Các cấp ủy, tổ chức Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; kịp thời chỉ đạo các cấp ủy xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình kết hợp với kiểm tra, giám sát của Đảng đã nghiêm khắc xử lý kỷ luật đối với những tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước, có tác dụng cảnh báo, phòng ngừa sai phạm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng; đấu tranh ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo như tại tỉnh Trà Vinh, từ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đã cụ thể hóa thành hơn 80 biểu hiện và phổ biến để đảng viên biết và phòng tránh.
Nhiều nơi in công khai, làm sổ nhỏ bỏ túi 27 biểu hiện và đặt ở những nơi thường xuyên có người qua lại để ai cũng cảm thấy cần thiết, để tự soi tự sửa mình. Chúng ta tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng, sửa chữa những khuyết điểm và tập trung xử lý những sai phạm vi phạm pháp luật Nhà nước, cùng với việc giáo dục, xây dựng tư tưởng phòng ngừa giữa xây và chống. Không chỉ nặng xây mà không chống, cũng không phải đi chống mà không xây.
Qua kiểm tra, các sai phạm đã được thẳng thắn chỉ ra, được khắc phục, sửa chữa nhiều hơn và tác động vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội. Thực tế cho thấy, không phải như một số dư luận lo ngại rằng, nếu chỉ lo chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí mà ngược lại, chính làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy ưu điểm, chống thoái hóa biến chất đã thúc đẩy các nhiệm vụ kinh tê ë- xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại phát triển.
“Có ý kiến cho rằng phải làm cẩn thận kẻo nhụt chí không ai muốn làm, rõ ràng tư tưởng đó sai. Tôi đã nói, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm. Đây là kinh nghiệm lớn, thực tế vừa qua như vậy, mặt được là như vậy, bây giờ tạo phong trào toàn dân tham gia xây dựng Đảng, tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí, chống tiêu cực” - Tổng Bí thư nhấn mạnh tại phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN mới đây.
Kết quả đạt được là rất to lớn, tích cực song trên thực tế, người dân vẫn quan ngại tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tức ở Trung ương làm quyết liệt, trong khi nhiều địa phương vẫn thủng thẳng, vẫn nghe ngóng, nhiều vụ việc làm không rốt ráo, nghiêm minh. Nhiều vụ tham nhũng người dân vẫn khiếu kiện kéo dài, tư tưởng né tránh, ngại đụng chạm, xử lý kiểu bao che, dung túng vẫn “đeo đẳng” ở nhiều nơi.
Ngoài nguyên nhân khách quan đây là việc khó, phức tạp, liên quan đến con người, liên quan đến tổ chức thì vẫn còn nguyên nhân chủ quan, đó là sự chưa quyết liệt của người đứng đầu, tình trạng làm qua loa, đối phó, chưa cầu thị, nặng tư tưởng thành tích chủ nghĩa. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải làm kiên trì, quyết liệt và quyết tâm hơn nữa.
Điểm nữa, kể từ khi Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII), hành vi xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tung hỏa mù được các đối tượng thù địch, phản động tận dụng triệt để. Âm mưu của kẻ địch luôn mượn chuyện Đảng ta chống tham nhũng, chống suy thoái, từ việc khởi tố, bắt giam, điều tra, xử lý các vụ việc nổi cộmđể xoay ngược, phê phán, suy diễn kiểu quy chụp hòng gây chia rẽ nội bộ, gây hoài nghi trong nhân dân, cho rằng Đảng mượn cớ chống tham nhũng để đấu đá, thanh trừng nội bộ, xử lý phe phái lẫn nhau hay vu cáo nội bộ Đảng diệt tham nhũng để củng cố quyền lực…
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, hiện trong xã hội, kể cả trong Đảng có những biểu hiện thiếu niềm tin, chẳng hạn như cho rằng chống tham nhũng là quá khó, rồi cho rằng làm sao chống được, làm sao làm được...Trong khi đó, các thế lực thù địch đưa ra những luận điệu xằng bậy vì chúng không bao giờ ủng hộ những việc làm của ta. Mình làm kém, chúng móc ra chửi bới.
Nhưng làm kiên quyết, thẳng thắn, đến nơi, đến chốn thì chúng cũng tìm cách xuyên tạc. Bởi chúng chỉ tìm cách đả phá, bất kể ta làm được tốt hay chưa tốt. Do đó, ông khuyến nghị, người dân cần có sự thanh lọc thông tin, nhất là thông tin gây nhiễu trên mạng internet. Phải tỉnh táo để chọn lọc thông tin đúng, tránh các thông tin độc hại, sai lệch tiêm nhiễm.
4. Dấu ấn thể chế, chính sách
Kinh nghiệm trong chống tham nhũng là phải làm toàn diện, đồng bộ, quyết tâm kiên trì, huy động rộng rãi các lực lượng, sức mạnh. Đặc biệt, không chỉ bằng hô hào, khuyên bảo, kêu gọi, không chỉ bằng xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm mà phải bằng cơ chế, luật pháp.
Gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành một số quy định làm hành lang quản lý cán bộ, xử lý sai phạm: Quy định 90-QĐ/TW vềtiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Đặc biệt, Nghị quyết của Trung ương 7 khoá XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược được ban hành với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, có tính đột phá. Điểm nhấn của Nghị quyết lần này là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ; coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hoá quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm. Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền.
Kiên quyết huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Cụ thể hoá để thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp.
Chống tham nhũng, suy thoái theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 là công việc thường xuyên, lâu dài, kết quả đạt được trong thời gian qua mới chỉ là bước đầu. Trong công cuộc này, cùng sự quyết tâm của các cấp, các ngành thì lực lượng Công an giữ vai trò quan trọng.
Trả lời phỏng vấn Báo CAND, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ rõ: “Đây là Nghị quyết của Đảng đang được triển khai với tinh thần kiên quyết, triệt để. Đảng ta đã chỉ rõ “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất”.
Nhiệm vụ của Công an phải cùng với cơ quan chức năng tìm ra trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước “bộ phận không nhỏ” đó là ai, ở đâu, phải làm rõ để xử lý, làm trong sạch nội bộ. Cho nên, việc chúng ta kiên quyết làm rõ, xử lý nghiêm minh là nguyên tắc, là yêu cầu phải làm”.
Theo Bộ trưởng, Công an là “thanh bảo kiếm” của Đảng, là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống tội phạm, bảo vệ pháp luật. Muốn làm tốt nhiệm vụ đó đòi hỏi phải trong sạch, tự thân mình phải mạnh. Việc chấn chỉnh không phải là ý thích của một ai mà là Nghị quyết của Đảng, là nguyện vọng của quần chúng nhân dân, là yêu cầu tất yếu phải làm.
Theo Đăng Trường
Công an nhân dân