Phó Thủ tướng: Xung đột dẫn đến chiến tranh là đi ngược lại xu thế của thời đại
(Dân trí) - Trước những căng thẳng ở Biển Đông gần đây, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay, các nước cần kiềm chế, không để có những va chạm dẫn đến xung đột. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc xung đột dẫn đến chiến tranh là đi ngược lại xu thế của thời đại hiện nay.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 18/8 đã có cuộc trao đổi với báo chí về những vấn đề nóng của thế giới, ngành ngoại giao Việt Nam và vấn đề Biển Đông trước Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 và Hội nghị Ngoại vụ 18 sắp diễn ra tại Hà Nội.
Bảo vệ chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế
- Phóng viên: Biển Đông là một vấn đề nóng trong thời gian qua và được dự báo còn nóng lên trong thời gian tới. Người dân kỳ vọng Đảng và Nhà nước có những động thái mạnh mẽ hơn trước những đe dọa đối với chủ quyền, an ninh của Việt Nam. Ngành Ngoại giao Việt Nam có chiến lược và sách lược gì để giữ vững chủ quyền biển đảo nói riêng và độc lập chủ quyền đất nước nói chung?
- Phó Thủ tướng: Biển Đông là một trong những vấn đề tác động đến môi trường an ninh của Việt Nam và chúng ta khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Đối với Trường Sa, đây là khu vực có tranh chấp liên quan tới 5 nước, 6 bên đối với các đảo đá ở Trường Sa. Quan điểm của chúng ta là phải đảm bảo chủ quyền của chúng ta tại các đảo hiện đang quản lý đúng theo luật pháp quốc tế. Chúng ta phải đảm bảo chủ quyền của 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế theo luật pháp quốc tế.
Video: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo
Chúng ta bảo vệ chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đại hội Đảng 12 đã nêu rõ là phải kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình, giải quyết tranh chấp trên cơ sở thương lượng, đàm phán. Những vấn đề liên quan tới tranh chấp giữa hai nước thì đàm phán giữa hai nước, những vấn đề liên quan tới nhiều bên thì nhiều bên tham gia giải quyết.
Tôi xin nhấn mạnh là chúng ta bảo vệ chủ quyền trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và yêu cầu các nước cũng phải tôn trọng luật pháp quốc tế vì đây là thế mạnh của các nước. Các nước nhỏ và vừa phải dựa trên luật pháp quốc tế để bảo vệ chính mình và yêu cầu tất cả các nước cũng phải tôn trọng và tuân thủ luật luật pháp quốc tế. Đó là chủ trương của Việt Nam. Và đương nhiên khi vấn đề gì xâm phạm lợi ích của chúng ta thì chúng ta phải kiên quyết đấu tranh để chống lại cũng bằng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền.
- Ông đánh giá đánh giá thế nào về tác động về phán quyết của tòa trọng tài trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc đến tranh chấp Biển Đông? Việt Nam sẽ làm gì tiếp theo để đảm bảo lợi ích của mình?
- Việt Nam đã ra tuyên bố hoan nghênh việc ra phán quyết của tòa trọng tài và sẽ nghiên cứu để đưa ra tuyên bố về nội dung pháp lý. Trước đó, ngay từ tháng 12/2014, Việt Nam đã có tuyên bố gửi tới tòa trọng tài nêu rõ quan điểm bác bỏ “đường lưỡi bò” không có cơ sở pháp lý, bảo vệ quyền lợi của chúng ta ở chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là quan điểm rõ ràng, nhất quán của Việt Nam từ trước tới nay.
Tòa trọng tài không giải quyết vấn đề tranh chấp mà là giải thích rõ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982, giải thích cái gì đúng với công ước, cái gì sai với công ước. Đó cũng là điều chúng ta cần nhằm làm rõ luật pháp quốc tế như thế nào.
Tuy nhiên, trong phán quyết còn có nhiều yếu tố pháp lý, có những yếu tố pháp lý liên quan tới lợi ích của chúng ta thì chúng ta phải nghiên cứu xem xét rõ để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình theo Công ước Luật Biển một cách đúng nhất. Quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông là không sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế Công ước Luật Biển 1982.
Video: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói về phán quyết của trọng tài
Vấn đề đặt ra sau phán quyết là các bên phải hết sức kiềm chế trên thực địa ở Biển Đông để không ảnh hưởng tới môi trường hòa bình ổn định và cùng nhau tìm biện pháp giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Phán quyết của tòa trọng tài đã đặt ra một điều kiện mới thôi thúc tất cả các nước cùng nhau tìm biện pháp để giải quyết tranh chấp. Có thể nhận thấy một tiến triển mới tích cực sau phát quyết là ASEAN và Trung Quốc quan tâm hơn tới việc sớm mong muốn sớm đạt được COC.
- Có lo ngại rằng Philippines và Trung Quốc có thể “đi đêm” sau phán quyết của tòa trọng tài về Biển Đông. Ông có bình luận gì về lo ngại này?
- Như tôi đã nói là nếu tranh chấp liên quan giữa hai nước thì giải quyết song phương, nếu liên quan tới các bên thì giải quyết chung. Mà Trường Sa liên quan tới 5 nước 6 bên, việc giải quyết các vấn đề ở đó phải có sự tham gia của tất cả các nước. Không có gì phải lo ngại đối với các đàm phán nếu dẫn tới giải quyết hòa bình các tranh chấp, đồng thời không ảnh hưởng, vi phạm tới các nước khác nếu có liên quan.
Các nước càng lớn càng cần phải có trách nhiệm lớn
- Ông đánh giá như thế nào về khả năng Trung Quốc leo thang ở Biển Đông nếu các bên không có các động thái đủ mạnh mẽ? Nhiều người lo ngại về khả năng xung đột trên Biển Đông dẫn đến một cuộc chiến tranh lớn với sự tham chiến của nhiều nước. Ông suy nghĩ gì về nhận định đó?
- Biển Đông là vấn đề không chỉ của riêng các nước trong khu vực. Biển Đông là tuyến đường hàng hải hết sức quan trọng trên thế giới và vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải là nhu cầu chung không chỉ của các nước trong khu vực mà còn các quốc gia khắp thế giới. Do đó tất cả các nước đều có trách nhiệm đóng góp vào việc đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Bởi vì bất cứ vấn đề gì xảy ra ở Biển Đông sẽ làm chặn toàn bộ đường hàng hải huyết mạch vận chuyển hàng hóa của các nước trên thế giới.
Biển Đông đúng là có sự tranh chấp giữa các nước trong khu vực về một số đảo đá. Việc giải quyết phải có sự tham gia của các bên liên quan. Đó cũng là yêu cầu của các nước vì các nước không thể giải quyết vấn đề chủ quyền song phương mà phải giải quyết cùng nhau thông qua đàm phán, thương lượng. Còn việc để xảy ra tình trạng leo thang là trách nhiệm của các nước trực tiếp gây ra. Việc xung đột dẫn đến chiến tranh là đi ngược lại xu thế của thời đại hiện nay.
Xu thế chung là ngăn chặn chiến tranh, kiểm soát xung đột bằng các biện pháp kiềm chế, tự kiềm chế, và kiềm chế trong các khuôn khổ. Tình hình hiện nay là các nước đang yêu cầu kêu gọi các bên kiềm chế. Điều đó thể hiện sự quan tâm của các nước. Trong ASEAN cũng vậy, khi nói khối bày tỏ lo ngại sâu sắc là lo ngại về việc tình hình không được kiểm soát.
Xu thế chung là các nước đều yêu cầu kiềm chế, kiểm soát các hành động, không để có những va chạm dẫn đến xung đột trong khu vực và các xung đột đó sẽ không thể lường trước được. Hậu quả của tất cả các cuộc chiến tranh là không có kẻ nào chiến thắng.
Tất cả các nước đều phải đánh giá, xem xét và hiện nay các biện pháp đang được tiến hành, đó là ASEAN và Trung Quốc đang thực thi Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trong các phiên họp mới đây giữa ASEAN và Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã nói là cố gắng hoàn thành COC giữa ASEAN và Trung Quốc vào 2017. Đó là những tín hiệu hết sức tích cực để chúng ta hy vọng là các nước phải có trách nhiệm, các nước càng lớn càng cần phải có trách nhiệm lớn trong việc đảm bảo duy trì hòa bình. Còn khi xung đột xảy ra, cộng đồng quốc tế sẽ lên tiếng để phản đối các cuộc xung đột, chiến tranh. Vấn đề là cần kiểm soát chặt chẽ tình hình hiện nay.
"Mẫu số chung" của ASEAN
- Ông bình luận như thế nào về việc gần đây một số nước trong ASEAN có quan điểm khác về phán quyết của tòa trọng tài với vụ kiện Philippines-Trung Quốc ở Biển Đông?
Sau khi tòa trọng tài đưa ra phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông, các nước đã đưa ra quan điểm đối với vụ kiện này. Có nước nói hoan nghênh, có nước nói ghi nhận, có nước không nói ghi nhận thì nói về các vấn đề liên quan, đó là phải tôn trọng luật pháp quốc tế, công ước Luật Biển 1982, có nước nhân vụ việc này nói về lập trường chung là phải giải quyết các tranh chấp hòa bình các tranh chấp. Một số ít quốc gia nói là không tán thành vụ kiện. Đó là quan điểm của từng quốc gia.
Hội nghị ASEAN tại Lào mới đây không đề cập trực tiếp tới vụ kiện trên nhưng có thảo luận vì có nước trong khối tham gia vụ kiện, thông báo những tình hình liên quan. Nhưng Hội nghị ASEAN lần này có một điểm mới trong tuyên bố chung của các Ngoại trưởng ASEAN, đó là nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982, mà trong đó ngoài nhắc lại việc tôn trọng giải quyết tranh chấp bằng hòa bình còn nhấn mạnh việc tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý. Đây là điểm mới trong tuyên bố chung của các Ngoại trưởng ASEAN. Trong bối cảnh vụ kiện thì có thể hiểu rằng tất cả các biện pháp hòa bình là biện pháp ngoại giao, pháp lý, và các biện pháp đều được tôn trọng trên cơ sở tôn trong luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982.
Trong ASEAN duy trì quan điểm là vấn đề nào song phương thì giải quyết song phương, đa phương thì giải quyết đa phương. Nhưng tiếng nói chung nhất của ASEAN là phải duy trì môi trường hòa bình, kiềm chế không sử dụng vũ lực, giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Đó là mẫu số chung của ASEAN và tất cả các nước đều đề cập.
- Tại hội nghị mới đây ở Trung Quốc, ASEAN và Trung Quốc đã đặt mục tiêu đạt được COC trong năm 2017. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng này?
- Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký DOC và trong DOC có điều khoản là mong muốn các nước tiến tới xây dựng COC. Có nghĩa là COC có tính chất ràng buộc hơn so với DOC, bởi DOC là một tuyên bố chính trị. DOC nói lên mong muốn của các bên, trong đó việc duy trì nguyên trạng ở Biển Đông, giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế không sử dụng vũ lực. Khi xây dựng COC, các nước đặt ra mục đích là làm sao để xây dựng một văn kiện pháp lý giữa ASEAN và Trung Quốc để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Việc thảo luận về COC đã có từ lâu. Trong thời gian qua, quá trình này diễn ra quá chậm so với mong muốn của các nước, ASEAN và Việt Nam. Việt Nam luôn là nước tích cực trong việc thúc đẩy sớm hoàn thiện COC. Nếu COC đặt được những nội dung quan trọng, có tính chất ràng buộc thì nó sẽ là cơ sở pháp lý nữa để kiềm chế, kiểm soát tình hình Biển Đông và giúp giải quyết tranh chấp. Đó là mong muốn của chúng ta, vì vậy chúng ta luôn nghị sớm đi đến ký kết COC.
Trên thực tế, khi Việt Nam là điều phối viên của ASEAN-Trung Quốc, chúng ta đã đưa ra những thành tố của COC và cũng đã đạt được với các nước trong ASEAN với nhau về những thành tố quan trọng của COC. Nhưng thời gian qua tiến trình đó đã bị chậm lại do các yếu tố, do tình hình Biển Đông phức tạp lên và do một vài nước chưa thúc đẩy được việc này. Chúng ta hy vọng về tuyên bố của Trung Quốc tại hội nghị ASEAN nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình COC, và trên thực tế trong 1-2 tháng qua đã có những cuộc họp có nội dung liên quan đến COC. Nếu đạt được COC trong năm 2017 thì đó sẽ là văn kiện pháp lý quan trọng ở Biển Đông.
An Bình (ghi)
Ảnh, video: Mạnh Thắng