Phó Thủ tướng: “Quan hệ Việt Nam - Campuchia là tài sản vô giá”
(Dân trí) - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử và những biến cố của thời đại, mối quan hệ Việt Nam - Campuchia ngày càng trở nên khăng khít, bền chặt, đã trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967-24/6/2017), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có những chia sẻ về ý nghĩa lịch sử và thành tựu nổi bật của quan hệ hai nước.
Lịch sử 50 năm ngoại giao
Ngày 24/6/1967, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đã đi vào lịch sử hai nước như một sự kiện trọng đại, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước, gắn bó vận mệnh của hai dân tộc láng giềng.
Năm 2017 là năm hai nước chọn là “Năm hữu nghị Việt Nam-Campuchia”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi và có mối quan hệ truyền thống gắn bó từ lâu đời.
“Vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử và những biến cố của thời đại, mối quan hệ này ngày càng trở nên khăng khít, bền chặt, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, được tôi luyện trong thực tế bằng công sức, xương máu và sự hy sinh của biết bao anh hùng liệt sĩ cũng như sự phấn đấu của nhiều thế hệ người Việt Nam và Campuchia, đã trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
"Với sự gìn giữ, vun đắp của nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ, ngày nay, quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.
Với phương châm này, tôi tin tưởng quan hệ Việt Nam - Campuchia sẽ tiếp tục phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước, đồng thời góp phần vào sự phát triển, hòa bình và ổn định trong khu vực. Đây là mong muốn chung của cả hai nước" - Phó Thủ tướng nói.
Những thành tựu nổi bật
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, những thành tựu mà Việt Nam và Campuchia cùng đạt được trong suốt 50 năm qua, không chỉ là thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn biểu hiện ở sự phát triển quan hệ trên tất cả các lĩnh vực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ nhất, quan hệ chính trị hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp. Các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, các địa phương của hai bên diễn ra thường xuyên. Các cơ chế hợp tác quan trọng như Ủy ban Hỗn hợp, Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới tiếp tục được duy trì và ngày càng phát huy hiệu quả; bên cạnh đó còn rất nhiều cơ chế hợp tác giữa các Bộ, ngành và địa phương; giao lưu giữa các tổ chức, tầng lớp nhân dân ngày càng nhộn nhịp với các hình thức ngày càng phong phú.
Trên cơ sở các Hiệp ước, Hiệp định và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân địa phương biên giới hai bên đang phối hợp tích cực triển khai công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền.
Đến nay, hai bên đã hoàn thành hơn 84% khối lượng công tác phân giới, cắm mốc và quyết tâm sớm hoàn thành công tác này nhằm đưa biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng đã nhất trí tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước sinh sống trên lãnh thổ của nhau, phù hợp với luật pháp mỗi nước.
Thứ hai, hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước cũng không ngừng được thúc đẩy, tạo nền tảng quan trọng trong việc củng cố và phát triển quan hệ hai nước.
Đến nay, Việt Nam có 190 dự án đầu tư sang Campuchia, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,89 tỷ USD tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Đầu tư của Campuchia vào Việt Nam cũng tăng lên, đến nay đã có 18 dự án với tổng vốn đầu tư là 58,125 triệu USD.
Các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia được lãnh đạo và người dân Campuchia đánh giá rất cao, đã đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và sự phát triển thịnh vượng của Vương quốc Campuchia.
Kim ngạch thương mại hai nước đạt trung bình khoảng 3 tỷ USD/năm trong những năm gần đây và đạt 1,686 tỷ USD trong 05 tháng đầu năm 2017. Hai bên đang phấn đấu để nâng kim ngạch song phương lên 5 tỷ USD trong những năm tới.
Thứ ba, hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, văn hóa, y tế, viễn thông, giao lưu nhân dân... được đẩy mạnh.
Hàng năm, Việt Nam cấp hàng trăm suất học bổng dài hạn cho sinh viên Campuchia sang học tại Việt Nam và Campuchia cũng giúp đào tạo sinh viên Việt Nam theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương Việt Nam với mong muốn “những chủ nhân tương lai của đất nước” này sẽ là những cây cầu kết nối tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Việt Nam và Campuchia thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân, nhất là ở các địa phương giáp biên giới.
Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức các đoàn bác sỹ tình nguyện sang khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân Campuchia; các bệnh nhân Campuchia khi sang khám và điều trị bệnh tại Việt Nam được hưởng mức lệ phí khám chữa bệnh như người Việt Nam.
Hệ thống mạng di động Viettel có thể kết nối với mạng Metfone tại Campuchia cũng hoạt động rất hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai nước trong giao tiếp, trao đổi thông tin và sát lại gần nhau hơn.
Thứ tư, trong quá trình thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, hai nước cũng đã phối hợp chặt chẽ với nhau tại một số cơ chế hợp tác khu vực như Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), Hợp tác bốn nước Campuchia - Lào - Mianma - Việt Nam (CLMV), Chiến lược Hợp tác kinh tế ba dòng sông A-da-oa-đi - Chao-phay-a - Mê Công (ACMECS)...
Châu Như Quỳnh (ghi)