Phát triển sâm Ngọc Linh thành cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số
(Dân trí) - Ngày 20/8, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), Ủy ban Dân tộc phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, Cơ quan thường trú Liên Hợp quốc, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và các đối tác tổ chức Diễn đàn phát triển Dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2018 với chủ đề “Sâm Ngọc Linh - Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS”.
Tham dự diễn đàn có Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình; ông Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cùng gần 400 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học; các tổ chức quốc tế, tổ chức phát triển, đại sứ quán...
Theo báo cáo về Giảm nghèo và Thịnh vượng chung ở Việt Nam được công bố bởi Ngân hàng Thế giới (WB), trong giai đoạn vừa qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển KT-XH, 4 triệu việc làm mới được tạo ra từ năm 2014; 3,3 triệu người thoát nghèo trong giai đoạn 2014-2016; mỗi năm có 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu.
Đồng bào DTTS Việt Nam cũng có nhiều bước tiến lớn, cụ thể như tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 57% năm 2014 xuống 44% trong năm 2016; 90% đồng bào DTTS được tham gia bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ kể trên, đồng bào DTTS vẫn còn tụt hậu trên nhiều phương diện, điển hình như tỉ lệ chậm lớn ở nhóm đồng bào DTTS là 31%, cao gấp 2 lần so với đồng bào đa số; tỷ lệ nghèo DTTS hiện chiếm 73% tổng nghèo cả nước; tỉ lệ chi tiêu đầu người của nhóm DTTS thấp hơn 45% so với nhóm đa số.
Để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đồng bào DTTS và đồng bào đa số, trong giai đoạn tới cần có những chính sách, chương trình, định hướng tiếp cận mới. Một trong số đó là hướng tiếp cận sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung vào sản phẩm của đồng bào DTTS đặc biệt là nhóm các sản phẩm Lâm sản ngoài gỗ (LSNG).
LSNG là một bộ phận của hệ sinh thái rừng, chiếm khoảng 50% tổng sinh khối của rừng nhiệt đới. LSNG có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội và môi trường của cộng đồng dân cư, đặc biệt là cộng đồng DTTS. Trong số các LSNG, có rất nhiều các sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, giá trị dinh dưỡng dồi dào, giá trị dược liệu lớn.
Điển hình như cây Hà Thủ Ô, Tục Đoan ở vùng núi cao phía Bắc; cây Đinh Lăng, cây Ba Kích ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ; cây Hương Nhu trắng, sâm Ngọc Linh ở vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; cây Trinh nữ Hoàng Cung, Sa Nhân tím ở vùng Tây Nam Bộ.
Cây sâm Ngọc Linh là một trong những LSNG điển hình với giá trị kinh tế cao. Ngày 12/9/2015 Chính phủ đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam” đến năm 2030 với tổng mức đầu tư lên đến trên 9.000 tỷ đồng. Tháng 6/2017, sâm Ngọc Linh chính thức được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia. Có thể nói LSNG là một nguồn tài nguyên tái sinh vô cùng quý giá của cộng đồng DTTS nói riêng và của cả nước nói chung. LSNG tại Việt Nam đã bước đầu được quan tâm và chú trọng.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao Ủy ban Dân tộc cùng với UBND tỉnh Quảng Nam, WB, Cơ quan thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức sự kiện này.
Theo Phó Thủ tướng, đến nay tuy còn những tồn tại, hạn chế nhưng chúng ta cũng vui mừng với những kết quả đạt được, trong đó đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc và miền núi không ngừng được cải thiện với một diện mạo mới.
“Diễn đàn Phát triển Dân tộc thiểu số 2018 lựa chọn chủ đề “Sâm Ngọc Linh – Tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS” thể hiện quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi, phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh Quảng Nam cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp thu và cụ thể hóa trong các đề xuất, quản lý và triển khai thực hiện chính sách của mình trong thời gian tới.
Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chân thành cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của WB, Chương trình UN-REDD, cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ, doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và ngoài nước cho sự nghiệp phát triển đất nước nói chung và cho sự phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tại Việt Nam nói riêng.
C.Bính