Phát triển Đảng trong doanh nghiệp tư nhân: Nhiều doanh nghiệp vẫn “né”

(Dân trí) - Để phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân thì việc thay đổi, nâng cao nhận thức, ý thức chính trị của chủ doanh nghiệp được xác định là vấn đề then chốt. Kiên trì thuyết phục, đổi mới phương thức vận động, tích cực bám cơ sở là chìa khóa để thực hiện tốt hơn mục tiêu Đề án 5155 mà tỉnh Nghệ An đề ra.

Chủ doanh nghiệp chưa mặn mà

Thực tế quá trình triển khai Đề án 5155 tại Nghệ An đã chỉ rõ, một trong những “rào cản” của phát triển tổ chức Đảng và đảng viên ở các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là từ chính người đứng đầu doanh nghiệp.

Phát triển Đảng trong doanh nghiệp tư nhân: Nhiều doanh nghiệp vẫn “né” - Ảnh 1.

Khi người chủ doanh nghiệp là đảng viên hoặc có cảm tình với Đảng, quan tâm đến tổ chức Đảng thì quyền lợi của người lao động sẽ được đảm bảo hơn.

Sau 4 năm, toàn tỉnh Nghệ An mới chỉ có 13 chủ doanh nghiệp thuộc phạm vi Đề án được kết nạp vào Đảng. Đơn vị điểm là TP Vinh chỉ kết nạp được 3/20 chỉ tiêu; huyện Quỳ Hợp kết nạp được 2/20 chỉ tiêu kế hoạch về phát triển đảng là chủ doanh nghiệp. Riêng tại TP Vinh có doanh nghiệp đã đủ từ 3 đảng viên, trong đó có 1 đảng viên là chủ doanh nghiệp nhưng vẫn chưa thành lập được chi bộ Đảng.

Bà Phan Thị Hoan – Phó Bí thư Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Trong 4 năm thực hiện Đề án, Đảng bộ Khối chỉ vận động được duy nhất một chủ doanh nghiệp vào Đảng. Để đạt được kết quả đó, chúng tôi phải kiên trì vận động, thuyết phục, làm công tác tư tưởng cho vị giám đốc này suốt 3 năm.

Việc tiếp cận các chủ doanh nghiệp hết sức khó khăn. Bên cạnh thời gian hoạt động của các doanh nghiệp khép kín, theo ca kíp thì nhiều chủ doanh nghiệp còn “né” khi chúng tôi tiếp cận, vận động. Thậm chí, một số người còn cho rằng việc thành lập chi bộ Đảng cũng như các tổ chức xã hội khác là mất thời gian, cản trở hoạt động của đơn vị”.

Phát triển Đảng trong doanh nghiệp tư nhân: Nhiều doanh nghiệp vẫn “né” - Ảnh 2.

Công bố Quyết định thành lập Chi bộ Công ty phần dược liệu Pù Mát (Con Cuông). Ông Phan Xuân Diện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty giữ chức vụ Bí thư chi bộ. Đây là Chi bộ Đảng thứ 2 của huyện Con Cuông được thành lập theo Đề án 5155. Ảnh: Nghean.gov.

Công ty TNHH H.N (có 2 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng tại huyện Nghi Lộc và Tân Kỳ) hiện có tới 200 lao động, trong đó 50 lao động dài hạn nhưng vẫn chưa có tổ chức Đảng, chưa thành lập được tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên… Cái lý mà chủ doanh nghiệp này đưa ra là những khó khăn về trình độ lao động, người lao động ít gắn bó (chủ yếu là lao động thời vụ), cơ sở sản xuất phân tán ở nhiều địa phương, không có thời gian… khiến việc thành lập, phát triển tổ chức cơ sở Đảng, các tổ chức đoàn thể gặp khó khăn.

“Là doanh nghiệp tư nhân, toàn bộ bộ máy hành chính chỉ vỏn vẹn 6 người, quán xuyến hết công việc cũng đã rất khó. Với lại, nói thật, trong thời buổi sản xuất kinh doanh khó khăn, cạnh tranh khốc liệt, thị trường vật liệu xây dựng rơi xuống đáy thì lo lắng lớn nhất và duy nhất của chúng tôi là duy trì sản xuất, kinh doanh, đảm bảo công việc để anh em công nhân lao động có thu nhập”, lãnh đạo của công ty này nói.

So bó đũa, chọn cột cờ

Trong 4 năm, chỉ có 13 chủ doanh nghiệp tư nhân thuộc đề án được kết nạp Đảng, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu ban đầu của Đề án là mỗi huyện, thành, thị ủy mỗi năm kết nạp được từ 3-5 chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng. 13 đảng viên mới này phần lớn thuộc các công ty cổ phần nhà nước chuyển sang doanh nghiệp tư nhân.

“Hướng dẫn 17-HD/BTCTW ngày 30/1/2013 của Ban tổ chức Trung ương về “thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng” đưa ra nhiều tiêu chí cao hơn, yêu cầu phải xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi cấp ủy có thẩm quyền ra quyết định nên thời gian dài hơn, gây tâm lý không tốt cho người được đề nghị kết nạp”, bà Phan Thị Hoan – Phó Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh Nghệ An chỉ rõ vướng mắc trong phát triển đảng viên là chủ doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay.

Về vai trò của chủ doanh nghiệp đối với việc phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân, ông Hồ Phúc Hợp – Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An đánh giá: “Khi người đứng đầu doanh nghiệp không phải là đảng viên thì sự chăm lo cho phát triển Đảng ở trong doanh nghiệp khó. Mấu chốt là phải định hướng, bồi dưỡng, đào tạo để kết nạp đội ngũ này vào Đảng. Phát triển đảng đối với các chủ ở doanh nghiệp thực sự là khó và vì khó mới có Đề án 5155.

Phát triển Đảng trong doanh nghiệp tư nhân: Nhiều doanh nghiệp vẫn “né” - Ảnh 3.

Công bố Quyết định thành lập Chi bộ Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm (huyện Nghĩa Đàn). Ảnh: Minh Thái

Trên thực tế, chủ doanh nghiệp vào Đảng thì đội ngũ cán bộ, công nhân lao động trong doanh nghiệp mới có nhiều cơ hội để phấn đấu vào Đảng. Nếu ông chủ quan tâm đến tổ chức Đảng, quan tâm đến việc phát triển doanh nghiệp theo hướng tích cực thì sẽ dành thời gian thích đáng để cho tổ chức Đảng, tổ chức đoàn thể, công đoàn… sinh hoạt. Từ đó mới có thể lựa chọn những nhân tố điển hình, bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng”.

Tại Công ty TNHH sản xuất tôn và sắt thép Định Nhàn (TP Vinh, Nghệ An), sự quan tâm, tạo điều kiện của chủ doanh nghiệp đối với tổ chức Đảng và đảng viên được thể hiện rõ nét bằng những việc làm cụ thể. Đặc thù của công nhân trong doanh nghiệp là thu nhập theo sản phẩm nên việc sinh hoạt Đảng hàng tháng, học Nghị quyết… sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Chính vì vậy, bên cạnh đổi mới hình thức sinh hoạt Đảng, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động, ông Nguyễn Tiến Định – Giám đốc công ty đã trích doanh thu của công ty để hỗ trợ từ 70-100 nghìn đồng cho đảng viên, tổ trưởng các tổ Đảng trong thời gian họ tham gia buổi sinh hoạt Chi bộ hàng tháng. Người làm công tác Đảng của công ty cũng được hỗ trợ mỗi tháng 1 triệu đồng.

“Số tiền không phải là nhiều nhưng giúp đảng viên – người lao động bù đắp được thời gian không thể tham gia sản xuất, đảm bảo chất lượng các buổi sinh hoạt Đảng, khiến mỗi cán bộ, đảng viên đều phấn chấn, yên tâm làm việc, gắn bó với Chi bộ và công ty”, bà Trần Thị Như – Phó Bí thư Chi bộ Công ty TNHH sản xuất tôn và sắt thép Định Nhàn cho biết.

“Không chỉ ở các doanh nghiệp tư nhân mà ở doanh nghiệp nước ngoài, khi người chủ nhận thức đúng về Đảng, có cảm tình với Đảng thì sẽ hết sức tạo điều kiện cho tổ chức Đảng hoạt động. Như Nhà máy đường Tate & Lyle Nghệ An là một ví dụ điển hình. Doanh nghiệp này do người nước ngoài làm chủ nhưng tổ chức Đảng phát triển mạnh, kết nạp được nhiều đảng viên mới.

Phát triển Đảng trong doanh nghiệp tư nhân: Nhiều doanh nghiệp vẫn “né” - Ảnh 4.

Cùng với lãnh đạo công ty và tổ chức công đoàn, Chi bộ Đảng Công ty TNHH sản xuất tôn và sắt thép Định Nhàn chăm lo cho người lao động, góp phần nâng cao thu nhập, mức sống của cán bộ, công nhân viên. Trong ảnh là công nhân lao động được trang bị bình nước giữ nhiệt, đảm bảo nguồn nước uống hợp vệ sinh.

Tổ chức Đảng ở đây đã phát huy được vai trò của mình, cùng với ông chủ hoạch định, đưa ra đường lối phát triển nhà máy, cùng làm công tác cán bộ, cùng chăm lo cho người lao động… Từ đó chúng ta thấy rằng, khi người chủ thấy được tổ chức Đảng không cản trở sự phát triển của doanh nghiệp mà có vai trò làm cho doanh nghiệp phát triển theo hướng tích cực hơn, tốt hơn thì họ tạo điều kiện cho tổ chức Đảng phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, không nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân nhận thức được đầy đủ về vấn đề này”, ông Hồ Phúc Hợp cho biết thêm.

Phát triển Đảng là để tăng cường sức mạnh của tổ chức Đảng, cả về chất lẫn về lượng. Tuy nhiên không vì thế mà phát triển đảng viên bằng mọi giá. Do vậy phát triển Đảng là chủ doanh nghiệp tư nhân thực sự phải “so bó đũa, chọn cột cờ”, phải tìm những người đủ đức, đủ tài, tâm huyết với tổ chức Đảng, nhìn nhận rõ vai trò của tổ chức Đảng đối với sự phát triển của doanh nghiệp để bồi dưỡng, kết nạp họ vào Đảng.

Hoàng Lam

(còn nữa)