Huế:
Phát huy vai trò các tôn giáo trong ứng phó biến đổi khí hậu
(Dân trí) - Ngày 2/12 tại TP Huế, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA) tổ chức khai mạc Hội nghị toàn quốc “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH)”.
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc; Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Phạm Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành TƯ, tỉnh Thừa Thiên - Huế; Tổng Thư lý toàn cầu của NCA Anne - Marie Helland; lãnh đạo Đại sứ quá Na uy tại Việt Nam và gần 450 đại biểu đại diện các đơn vị từ thiện xã hội, mô hình của 14 tổ chức tôn giáo cùng các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị: “Vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường, hậu quả của BĐKH đã ảnh hưởng đến an ninh lương thực, nguồn nước, cuộc sống của nhân dân các nước trên thế giới, trở thành vấn đề của khu vực và toàn cầu mà không một quốc gia riêng lẻ nào đủ sức giải quyết, cần sự tham gia của cả cộng đồng.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách đúng đắn và nhân dân tích cực triển khai các chính sách này thu được kết quả ban đầu về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, song chúng ta đang đối mặt trực tiếp với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, đặc biệt ở khu vực thành thị, nông thôn, khu vực công nghiệp, ven biển, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức.
Theo cảnh báo của một số chuyên gia môi trường, trong 10 năm tới, tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam có thể tăng gấp đôi nhưng nếu không quan tâm đúng mức đến bảo vệ môi trường, hậu quả môi trường bị tàn phá trong quá trình phát triển thì trung bình tổng sản phẩm nội địa tăng 1% nhưng thiệt hại do môi trường bị tàn phá gây ra mà chúng ta không tính trực tiếp trong báo cáo hàng năm có thể lên đến 3% tổng sản phẩm xã hội. Chính vì vậy chúng ta vừa tập trung phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường, coi môi trường là mục tiêu cơ bản phát triển bền vững”.
Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm, Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về môi trường ở Paris (Pháp) đang diễn ra nhằm hai mục tiêu cụ thể: phấn đấu cuối thế kỷ này nhiệt độ trái đất tăng lên không quá 2 độ so với 200 năm trước; Huy động nguồn vốn quốc tế khoảng 100 tỷ USD để tổ chức nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tiên tiến góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH tàn phá môi trường.
Hiện các tôn giáo trên thế giới và Việt Nam đều lấy con người là trung tâm, các tôn chỉ hoạt động, giáo lý, giáo luật đều thể hiện mở rộng tình thương yêu, sống vị tha, bác ái, bao dung, hòa hợp, đoàn kết, tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường, hài hòa sinh thái, vươn tới cái Chân - Thiện - Mỹ. Tháng 5 năm nay, Đức Giáo hoàng Francis đã ban hành thông điệp về chăm sóc ngôi nhà chung. Cộng đồng Hồi giáo thế giới có tuyên ngôn của đạo Hồi về BĐKH và trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH toàn cầu lần thứ 21 tại Paris, nhiều lãnh đạo Phật giáo các nước đã thống nhất cần ban hành thông điệp Phật giáo về BĐKH.
Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, những năm qua, các tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, chia sẻ trách nhiệm với xã hội và đất nước, tích cực hưởng ứng tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.
Trên căn bản của những giáo lý, giá trị yêu thương, với truyền thống tốt đời đẹp đạo, những năm qua, 14 tôn giáo ở Việt Nam với hơn 22 triệu chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, triển khai nhiều hoạt động nhân đạo từ thiện, an sinh xã hội có vai trò quan trọng đóng góp nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.
Từ những kết quả hoạt động thực tế của các cộng đồng tôn giáo, hội nghị lần này nhằm cung cấp thông tin về những vấn đề cấp bách của tình trạng ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường và BĐKH trên thế giới và Việt Nam hiện nay; phổ biến và thông tin về các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH ở nước ta; đồng thời là dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và cam kết tăng cường sự phối hợp của các tôn giáo cùng Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam để đẩy mạnh chương trình bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH trong những năm tới, nhất là các mô hình do đồng bào tôn giáo thực hiện.
Hội nghị diễn ra trong hai ngày 3 và 4-11, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp thu các ý kiến đề xuất về phương thức liên kết, phối hợp phù hợp để xây dựng và hình thành phong trào “Toàn dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” trên toàn quốc; đồng thời thảo luận và ký kết Chương trình phối hợp hành động về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH giai đoạn 2015-2020 giữa Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo 14 tổ chức tôn giáo trong nước.
Việt Nam là một trong năm nước đang và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về BĐKH và nước biển dâng với trung bình mỗi năm có 457 người bị thương vong và thiệt hại bình quân hàng năm là 1,9 tỷ USD, tương đương 1.3% GDP của cả nước. Vì vậy, nếu không quan tâm đúng mức công tác bảo vệ môi trường thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm suy thoái môi trường. Để làm được việc này cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng trong đó vai trò của các tổ chức tôn giáo trong hoạt động truyền thông tuyên truyền về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là không thể thiếu.
Đại Dương