Phan Quang - Từ người chiến sĩ đến người cầm bút
(Dân trí) - Lòng yêu nước từ truyền thống gia đình và được giác ngộ cách mạng bởi Nguyễn Chí Thanh đã dẫn Phan Quang đến một con đường lớn: Con đường làm người chiến sĩ nguyện suốt đời hy sinh phấn đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân. Chính con đường lớn ấy khiến ông tìm thấy hạnh phúc và đi xa trong sự nghiệp của mình.
“Con yên tâm đi làm việc nước, từ nay đừng ghé nhà làm chi”
Phan Quang là nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa, nhà hoạt động chính trị có những cống hiến xuất sắc trong suốt hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc 30 năm và những thập niên quan trọng đầu của thời kỳ Đổi mới đất nước.
Trong số những nhà báo Việt Nam hiện đại sau năm 1945, Phan Quang là một trong số không nhiều những tên tuổi sáng giá bởi những tác phẩm của mình. Nhưng chỉ những tác phẩm chưa thể nói hết tầm vóc và ảnh hưởng to lớn của ông đối với sự nghiệp báo chí nước nhà.
Góp phần xây dựng nền tảng báo chí Việt Nam hiện đại, truyền ngọn lửa lý tưởng, lòng say nghề, nâng cao chất lượng tạp chí nghề nghiệp và nâng cao tính chuyên nghiệp của những người làm báo là một tâm huyết, một lĩnh vực biểu hiện năng lực và sự thành công của Phan Quang trong nhiều năm qua. Và đáng quý thay, điều đó thường trực và sôi nổi trong suốt cả cuộc đời.
Nhà báo Phan Quang tên khai sinh là Phan Quang Diêu. Ông sinh năm 1928 tại làng Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Họ Phan là một họ lớn, sinh sống trên nhiều vùng quê khác nhau và có nhiều danh nhân đóng góp lớn cho đất nước như Phan Huy Ích, Phan Huy Vịnh, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Đăng Lưu …
Trong cuộc Kháng chiến 9 năm, Bình Trị Thiên quê ông là một chiến trường ác liệt, được mệnh danh là “Bình Trị Thiên khói lửa”. Phan Quang thoát ly công tác ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công> Năm 1947, mặt trận Huế vỡ, quân Pháp từ Huế tràn ra Bắc, kết hợp với cánh quân từ Lào theo Đường 9 tràn về chiêm vùng đồng bằng tỉnh Quảng Trị, ông lên chiến khu môt thời gian rồi quay trở lại hoạt động tại vùng đồng bằng Triệu – Hải.
Năm 1948, ông trở về thăm làng sau trận càn của lính Pháp, riêng hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong gần bảy trăm người bị địch tàn sát trong một ngày.
“Tôi về vào lúc nửa đêm, trăng thượng tuần sắp lụn, chiếu ánh sang đỏ ỏng như lửa một đám cháy ở đâu xa hắt lại. Tôi không dám ngồi lâu, chỉ ghé thăm một lát rồi đi ngay. Đến bây giờ, tôi còn nhớ bàn tay cha tôi sờ đầu tôi trong bóng tối và tiếng cha tôi dặn: “Con yên tâm đi làm việc nước, từ nay đừng ghé nhà làm chi”. Rồi cha tôi thân dẫn tôi ra khỏi làng, đến tận con đường lên chiến khu. Từ nhà tôi đến con đường ấy phải qua một cánh rừng phi lao, ở đây địch hay phục kích bắt cán bộ. Cha tôi làm như sợ tôi không thuộc đường, mặc áo trắng đưa tôi đi. Mãi khi bước vào rừng nghe tiếng phi lao réo âm u, nhìn bóng trắng cha tôi nổi bật trong đêm, tôi mới nghĩ ra và giật mình: Cha tôi muốn tránh cho tôi khỏi rơi bất ngờ vào ổ địch nên đã mặc chiếc áo trắng đưa đường; nếu có địch rình, nhất định chúng sẽ ngắm bóng người mà bắn… Sau này, mỗi lần nhớ gia đình là tôi nghĩ tới cái đêm qua rừng phi lao ấy và không lần nào cầm được nước mắt; tấm lòng trời biển của cha tôi đã chuyển thêm sức mạnh cho tôi trong những ngày yếu đuối”…(PQ - Quê tôi ở miền Nam, NXB Văn nghệ, 1955).
Người cha ấy đã chờ con đằng đẵng 30 năm trời trong nỗi nhớ thương và trung trinh với cách mạng, cho đến một ngày kiệt sức, chết làm nắm đất giữa trảng cát quê hương!
Tình cảm quê hương vì thế không chỉ là những sợi dây vô hình, là ký ức về những điệu hò man mác mà còn là máu thịt, nợ nần của một đứa con xa biền biệt! Không ai ở mãi, không ai mang theo được quê hương; vì thế mà Tổ quốc và quê hương lại ở chính nơi trái tim người! Phan Quang viết nhiều và hầu như tất cả những bài báo của ông lúc nào cũng dào dạt tình người, đậm đà chất văn học, ngoài trải nghiệm và học vấn; căn cốt sâu xa là ở tình cảm đó.
Với cả dân tộc, Cách mạng Tháng Tám, cuộc cách mạng đã làm “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị” có một ý nghĩa đặc biệt, đưa nước ta từ một nước nô lệ thành một nước độc lập, xé toang vỏ áo phong kiến cũ kỹ, ngưng trệ nghìn năm (Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con - Tản Đà) để gia nhập vào thế giới hiện đại trong một trào lưu tiến bộ nhất. Với Phan Quang và lớp người thuộc thế hệ ông, Cách mạng Tháng Tám càng có một ý nghĩa đặc biệt. Họ vừa là những đứa con đẻ, vừa là những người đã trực tiếp làm nên cuộc cách mạng ấy.
Năm 17 tuổi, giác ngộ cách mạng, Phan Quang đã tham gia Việt Minh giành chính quyền ở huyện nhà Hải Lăng. Rồi say sưa hoạt động Đoàn Thanh niên, phong trào Bình dân học vụ…, bất cứ việc gì mà quần chúng cần, đoàn thể giao phó.
Sớm nhận thấy tương lai và năng lực hoạt động chính trị của người thanh niên trí thức yêu nước này, đồng chí Nguyễn Chí Thanh năm 1948 là Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên đã lựa chọn Phan Quang để đào tạo lâu dài.
Phan Quang đã đến với nghề báo như thế nào?
(Ảnh: Việt Hưng)
Nhưng lịch sử cũng như số phận con người, thường đi những bước bất ngờ. Từ địch hậu Bình Trị Thiên điều chuyển ra Thanh Nghệ Tĩnh vùng tự do Liên khu IV, ông “đỗ” lại báo Cứu quốc xuất bản hằng ngày ở Liên khu.
Nhớ lại thời kỳ đó, nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) viết: “Một buổi chiều năm 1948, tại tòa báo của chúng tôi đóng trong một làng nhỏ ở tỉnh Thanh Hóa, có một cậu thanh niên hiền lành và nước da tái mét vì sốt rét, đến trình giấy giới thiệu của Khu ủy. Hồi ấy cứ ai ở Khu ủy đến là chúng tôi tin cậy rồi. Huống nữa anh lại từ địch hậu, từ vùng bị chiếm ra, nên lập tức anh được sự quý trọng của anh em trong tòa soạn. Với tôi, anh lại là người của quê hương Bình Trị Thiên khói lửa, của quê mẹ nghèo kiết xác “chó ăn đá, gà ăn muối”, nên chả mấy chốc anh và tôi đã trở thành bạn.
Ấy thế nhưng tôi chưa bao giờ thấy Diêu (tên anh hồi ấy) sử dụng cái thế mạnh trên, kể cả cái thế rất mạnh là nằm trong mấy chục thanh niên mà anh Nguyễn Chí Thanh bứt từ cơ sở ra để đào tạo lâu dài. Diêu đến để xin học việc, và luôn luôn giữ tư thế một người học việc. Học gì? Ngay đêm đầu tiên anh đã viết bài. Và viết luôn cho đến tận hôm nay - bốn chục năm trời!…
Là lực lượng trẻ nhưng hình như anh là chủ chốt của tòa báo, báo cần gì, anh viết nấy, từ xã luận đến cái tin vặt vãnh, cần đi đâu, anh có mặt, lúc bấy giờ nơi cần là ở các chiến trường. Tôi biết bên cạnh làm báo, anh còn làm văn. Ngay những năm 50, anh đã dịch Simonov, đã viết truyện ngắn đăng báo đã in thành sách, anh cũng là hội viên Hội Nhà văn hàng chục năm nay, tính sách viết và sách dịch có mấy chục quyển, thế nhưng lúc nào đối với nhà văn, đối với nghề văn, anh vẫn xem như một cái gì ngoài tầm tay với của mình. Anh khiêm tốn giữ một khoảng cách khá trân trọng, dường như anh muốn nói: “Tôi chỉ là nhà báo thôi mà! Cái tôi viết không phải là văn học! Văn học à? Cái đó khó lắm!”.
Chao ôi, trong lúc ấy một số nhà văn chúng tôi chỉ mới đứng đầu hay đứng bét một giải, có trong tay đôi, ba, thậm chí nửa tập sách, được kết nạp hay sắp được kết nạp vào Hội Nhà văn, hoặc mới chỉ là học viên của Trường Nguyễn Du và viết nên những trang thơ, văn hay kịch độn đến 50% chất báo chí và là chất báo chí rẻ tiền, đã huênh hoang nghĩ mình là nhà văn thực thụ!
Thái độ nào đẻ ra cách làm việc ấy. Thái độ khiêm tốn đẻ ra cách làm việc thận trọng. Suốt mấy chục năm làm báo, anh Phan Quang chịu khó bỏ sức, bỏ công đến các hiện trường, chiến trường. Anh đã đi khắp mọi miền Tổ quốc. Và anh chịu đọc…”. (Chế Lan Viên viết thực hiện bài viết này ngày 19-11-1987 tại Viên Tĩnh Viên, TP Hồ Chí Minh một năm trước khi qua đời).
Từ một chiến sĩ cách mạng, Phan Quang đã đến với nghề báo như vậy. Với bút danh Hoàng Tùng, Phan Quang Diêu là cây bút chủ lực của báo Cứu quốc Liên khu IV thời ấy.
(Còn nữa)
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Đại