Phản đối Đài Loan xây dựng trái phép trên đảo Ba Bình

(Dân trí) - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, việc Đài Loan chiếm đóng và tiến hành các hoạt động trên đảo Ba Bình là hoàn toàn phi pháp và xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay (22/9), phóng viên Dân trí đã đặt câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Đài Loan xây dựng một số cơ sở trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm phục vụ mục đích quân sự.

Hình ảnh về những cơ sở mà Đài Loan đã xây trái phép trên đảo Ba Bình. (Ảnh: Google Earth)
Hình ảnh về những cơ sở mà Đài Loan đã xây trái phép trên đảo Ba Bình. (Ảnh: Google Earth)

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: "Các cơ quan chức năng của Việt Nam rất quan tâm và đang xác minh thông tin này. Việt Nam cũng đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của mình ở Quần đảo Trường Sa, vì vậy, việc Đài loan chiếm đóng và xây dựng các cơ sở ở khu vực này là hoàn toàn phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối".

Tờ South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong ngày 20/9 dẫn các hình ảnh thu thập được từ hệ thống Google Map cho thấy, có năm cấu trúc mới xuất hiện ở bờ biển phía tây đảo Ba Bình với chiều cao khoảng 3-4 tầng; trong đó, bốn cấu trúc hình chữ Y đã được xây xong và bao quanh một cấu trúc hình tròn ở giữa vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Tuy nhiên, chính quyền Đài Bắc hoàn toàn im lặng kể từ khi bắt đầu việc xây dựng trái phép. Phát biểu sau một cuộc họp ngày 20/9, người đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan Feng Shih-kuan đã từ chối bình luận về những cơ sở đang được xây dựng.

Trước đó, Đài Loan đã đưa nhiều cựu quan chức cấp cao và phóng viên ra đảo Ba Bình trái phép, đồng thời cũng phát hành tem có hình ảnh đảo Ba Bình và các quần đảo tại Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam.

Đảo Ba Bình là hòn đảo lớn nhất trong Quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Đài Loan chiếm đóng trái phép từ năm 1956. Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nam Hằng