Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc:

"Phải kiểm soát được mặt trái của tập trung quyền lực"

(Dân trí) - Bí thư Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cho rằng, tập trung quyền lực dễ dẫn đến tình trạng độc đoán, chuyên quyền, lạm quyền… vì thế khi thực hiện nhất thể hóa, tỉnh Quảng Ninh phải triển khai nhiều giải pháp để ngăn ngừa tối đa những tiêu cực do tập trung quyền lực.

Xin ông cho biết những cái được từ nhất thể hóa theo những đánh giá mới nhất của tỉnh Quảng Ninh?

Nhất thể hóa là một trong những chủ trương lớn, nhất quán của Đảng ta từ Hội nghị Trung ương 4, Trung ương 7 (khóa XI) và Nghị quyết Đại hội XII. Quảng Ninh đã bám sát, vận dụng để phát huy hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức bộ máy. Đặc biệt trước yêu cầu của sự phát triển mạnh mẽ, giải phóng các nguồn lực trong xã hội để phục vụ sự phát triển của tỉnh, phục vụ nhân dân.

bithunguyenvandoc-1463319166910

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh - Ông Nguyễn Văn Đọc trả lời phỏng vấn phóng viên báo Dân trí.

Nhất thể hóa xét về góc độ điều hành đó là tập trung quyền lực và sự lãnh đạo. Điều này sẽ luôn tồn tại hai mặt tích cực và tiêu cực. Cái được sẽ là tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp uỷ với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của Ủy ban nhân dân. Các nhiệm vụ trọng tâm và các nhu cầu của nhân dân sẽ được giải quyết nhanh hơn, không phải qua các bước trung gian. Bên cạnh đó, giảm các chi phí hành chính phục vụ, tiết kiệm được ngân sách… Mặt khác trước yêu cầu công việc, cán bộ kiêm nhiệm buộc phải nâng cao trình độ, năng lực công tác, tinh thần tập thể, trách nhiệm và uy tín được nâng lên. Song tập trung quyền lực cũng dễ dẫn đến tình trạng độc đoán, chuyên quyền, lạm quyền.

Đối với Quảng Ninh, trong quá trình triển khai Đề án, chúng tôi thực hiện mô hình này rất thận trọng, từ khâu lựa chọn cán bộ xem xét điều kiện địa phương, đội ngũ cán bộ tham mưu giúp việc… đến nay, chúng tôi thực hiện thí điểm 2/14 địa phương (cấp huyện) nhất thể hóa Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND, sau bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp dự kiến thêm 1- 2 địa phương; Đối với cấp xã, Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND ở 63/186 xã (33,87%), đồng thời chuẩn bị để thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch UBND ở khoảng 50% đơn vị cấp xã; Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, bản, khu phố và Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận ở 499 (31,83%) thôn, bản, khu phố.

Chúng tôi còn thực hiện nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng như: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra ở 07 địa phương (50%;); Trưởng Ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ ở 05 địa phương (35,71%); Trưởng (phó) Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị ở 11 địa phương (78,57%); Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ ở 10 địa phương (71,42%), theo đó đã thí điểm thành lập cơ quan tham mưu giúp việc chung cho khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể 8/14 địa phương; thực hiện kiêm nhiệm 50% cán bộ ở ba chức danh thôn, bản, khu phố. Nhất thể hóa các chức danh này là bước đi quan trọng để tổng hợp thực tiễn, nghiên cứu, đề xuất mô hình hợp nhất các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ tương đồng; tập trung sự chỉ đạo điều hành, giảm bớt các khâu trung gian không cần thiết, giúp cho bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu quả hơn. Đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương thí điểm mô hình này, đến hiện nay các nhiệm vụ triển khai đang tốt lên.

Vậy việc kiểm soát quyền lực được Quảng Ninh thực hiện như thế nào khi mà nhất thể hóa khiến quyền lực tập trung quá nhiều vào một người dễ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, thưa ông?

Như đã nói ở trên, sự tập trung quyền lực có hai mặt của nó. Kiểm soát quyền lực hay nói đúng hơn là phải kiểm soát được mặt trái của tập trung quyền lực và phát huy được mặt tích cực để làm cho mô hình đi đúng hướng, hiệu quả.

Thứ nhất, kiểm soát quyền lực được duy trì thông qua thể chế pháp lý về kiểm soát quyền lực. Cái này ở tầm vĩ mô, đó là tổng thể các quy định trong Hiến pháp, Điều lệ Đảng, các văn bản quy pháp pháp luật (nhất là các quy định về tổ chức và hoạt động của bộ máy), các quy chế… được quyết định bởi Đảng và Nhà nước. Kiểm soát thì phải bằng tổ chức, bằng hệ thống, đó là những yếu tố chi phối có tính áp đặt, ràng buộc từ bên ngoài đảm bảo quyền lực được thực hiện một cách đúng mục đích, có hiệu lực và hiệu quả. Ở đây nhất thể hóa chức danh phải được hiểu theo nghĩa đồng thời. Điều đó có nghĩa là ở chức danh nào thì vẫn phải thực hiện quy định, quy chế của tổ chức, bộ máy đó.

Ngoài ra, kiểm soát quyền lực còn được thực hiện bằng cơ chế kiểm tra, giám sát của Đảng, giám sát của Hội đồng nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội của xã hội và của nhân dân. Tuy nhiên trong thực tế đòi hỏi cần phải hoàn thiện hơn nữa các quy định, quy chế, phương pháp kiểm tra, giám sát để ràng buộc hành vi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi được giao quyền.

Ở cấp độ địa phương, để ngăn ngừa tối đa những tiêu cực do tập trung quyền lực, chúng tôi cố gắng phân định thẩm quyền giữa các cấp theo hướng tăng cường phân cấp; yêu cầu xây dựng quy chế mới trong đó quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu ở từng chức danh, phân cấp một số quyền của người đứng đầu cho cấp phó; đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của cấp trên đối với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp dưới, tăng cường giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

Song về lâu dài cũng cần có những điều chỉnh về thể chế, quy tắc, quy định đảm bảo đồng bộ, hệ thống. Chúng tôi đang và sẽ tiếp tục nghiên cứu để từ thực tiễn góp phần xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực.

Khi gộp các chức danh lại tức là “bớt ghế”, làm những người liên quan không mong muốn và điều này có thể làm nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí gia tăng sự “đấu đá” trong nội bộ, thưa ông?

Chúng tôi thực hiện nhất thể hóa với cách làm bài bản, thận trọng, từng bước với lộ trình cụ thể và được đặt trong giải pháp tổng thể, thống nhất hướng tới mục tiêu đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đổi mới tổ chức, cơ chế vận hành của cả hệ thống chính trị. Trong đó có gắn nhất thể hóa với tinh giản biên chế và bộ máy.

Trước tiên chúng tôi phải chuyển hóa mục tiêu thành quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, để từ đó có được sự đồng thuận và nhất trí của các tầng lớp nhân dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Sau đó, là có các chính sách tinh giản hợp lý, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương khi thực hiện tinh giản biên chế, tỉnh cũng có những chính sách riêng như: Hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với cán bộ, công chức cấp xã thuộc đối tượng tinh giản biên chế hoặc không đủ tuổi tái cử và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Chính sách hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức hiện đang làm việc trong các cơ quan Đảng, đoàn thể, cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và đơn vị sự nghiệp công lập do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ viên chức. Khi có một ví trí nghỉ chế độ hoặc có quy hoạch, đủ điều kiện sắp xếp, luân chuyển ở vị trí khác chúng tôi không bố trí người mới mà thực hiện kiêm nhiệm. Như vậy sẽ không làm ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, công chức, không có một sự xáo trộn lớn có ảnh hưởng tiêu cực đến bộ máy. Ngược lại mỗi vị trí lại có động lực để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình. Những vị trí kiêm nhiệm cũng được tính toán kỹ về con người, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đồng thời, để giải quyết sức ép từ việc làm, biên chế, Quảng Ninh tập trung vào giải pháp tạo ra nhiều việc làm ở các khu vực ngoài cơ quan hành chính nhà nước. Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, xã hội hóa cung ứng các dịch vụ công cũng chính là muốn tạo ra thị trường lao động phong phú mà ở đó người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn thay vì nhất định phải vào “biên chế” như cách lâu nay chúng ta vẫn hay nói.

Khi nhất thể chức danh, đặc biệt là chức danh Bí thư cấp uỷ với chức danh người đứng đầu Ủy ban nhân dân các cấp, đòi hỏi người đứng đầu phải có năng lực bao quát cả hai lĩnh vực: Lãnh đạo của Đảng và điều hành chính quyền. Vì vậy phải rất cẩn trọng trong việc chọn cán bộ. Cái này rất khó. Nhưng không phải đến giờ khó chúng tôi mới làm, khó chúng tôi mới tập trung vào bồi dưỡng, đào tạo. Từ rất nhiều năm, nhất là 5 năm gần đây chúng tôi đã dành nguồn lực đáng kể cho bồi dưỡng, đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ngoài ra các chủ trương về luân chuyển đào tạo, thi tuyển lãnh đạo quản lý chúng tôi đã làm tốt. Đây là nguồn cán bộ hết sức rộng để chúng tôi lựa chọn, bố trí để cụ thể hóa những ý tưởng lớn, khó nhưng đúng chủ trương của Đảng và cần thiết phải làm.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường - Tuấn Hợp - Hải Sâm