Đại biểu Dương Trung Quốc:
"Ông Tập nói rất hay nhưng niềm tin phải đến từ hành động"
(Dân trí) - “Lời lẽ của ông Tập Cận Bình rất hay nhưng điều quan trọng hơn cả phải là việc làm… Câu chuyện trên Biển Đông như thế, người dân làm sao có thể tin cậy ngay được” – đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhận xét về phần phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc trước Quốc hội sáng nay.
Trước phần phát biểu của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có đề nghị các đại biểu đón tiếp ông Tập với tinh thần hiếu khách, dù có thể còn bất đồng. Việc Trung Quốc leo thang trên Biển Đông thời gian qua cũng làm “nóng” nhiều kỳ họp gần đây của Quốc hội. Là một đại biểu từng lên tiếng nhiều về vấn đề này, ông đánh giá thế nào về việc ông Tập phát biểu trước cơ quan quyền lực cao nhất của Việt Nam?
10 năm trước, tôi có may mắn chứng kiến cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phát biểu trước Quốc hội nước ta. Trong tập quán quốc tế việc này không có gì bất thường, thể hiện sự trọng thị trong mối quan hệ giữa hai nước, thậm chí nếu mối quan hệ giữa hai nước tốt đẹp thì đó là điều tích cực. Nhưng động thái này xảy ra trong bối cảnh không bình thường nên chúng ta phải lưu tâm hơn.
Dự kiến chỉ phát biểu 10 phút nhưng thực tế ông Tập Cận Bình đã phát biểu gấp đôi thời lượng đó nhưng không hề đề cập đến vấn đề Biển Đông, bất đồng trên biển. Nội dung nào trong bài phát biểu khiến ông chú ý nhất?
Lời lẽ của ông Tập Cận Bình thể hiện trong bài phát biểu thì rất hay nhưng theo tôi, điều quan trọng hơn cả phải là việc làm. Cam kết cần làm rõ giữa các nhà lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp cao. Và tăng cường sự tin cậy giữa các nhà lãnh đạo cấp cao là yêu cầu cần thiết nhưng quan trọng nữa là làm sao để người dân tin tưởng được. Đó là điều chúng ta phải quan tâm nếu muốn phát huy kết quả chuyến thăm này của ông Tập.
Dù 2 bên đều né tránh việc rất cụ thể, nhưng nói câu chuyện bồi đắp, xây đảo mới, xu hướng quân sự hóa trên Biển Đông thì đã rõ như thế, người dân làm sao có thể tin cậy ngay được.
Cho nên tôi muốn nói là, nói với Quốc hội Việt Nam là nói với nhân dân Việt Nam, và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là phải trả lời nhân dân cụ thể làm thế nào để biến những thông điệp ấy thành hành động được.
Ông nói đến chuyện lời nói chưa tạo dựng được niềm tin. Dù quả quyết “chữ tín là nền tảng để làm bạn”, “huynh đệ tương đồng”, phát biểu của ông Tập vẫn làm ông băn khoăn?
Dẫu sao đi nữa, sự kiện này (Chủ tịch Trung Quốc phát biểu trước Quốc hội Việt Nam – PV) cũng để lại một dấu ấn mà để dấu ấn đó tích cực thì cần làm cho người dân hiểu được. Nhưng sau nữa là phải hết sức cảnh giác. Bởi, nếu dùng mệnh đề “cùng chung vận mệnh” như trong phát biểu của ông Tập, tôi thấy hơi chông chênh. Nói nhân loại cùng chung vận mệnh thì có thể đúng nhưng mỗi quốc gia có lợi ích riêng của mình chứ.
Nói chung, tôi cho là trong lời lẽ ông Tập sử dụng nhẹ nhàng, chứa đựng trong đó nhiều điều mà chúng ta hết sức phải tỉnh táo. Cá nhân tôi thấy nguyên tắc quan trọng nhất cần bám theo là tăng cường hữu nghị, tạo lập môi trường hòa bình để 2 nước cùng phát triển bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Nghe chữ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau có vẻ rất đơn giản nhưng giữ được sự tinh thần như thế giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc vốn đã có nhiều vấn đề lịch sử thì cần nỗ lực của cả hai phía.
Dưới góc nhìn của một người làm sử, ông đánh giá thế nào về những dẫn chứng rất tích cực, ôn hòa Chủ tịch Trung Quốc đưa ra và thực tế diễn biến trong quan hệ Việt - Trung?
Ngẫu nhiên thôi, bài phát biểu của ông Tập diễn ra giữa lúc chúng tôi nhận được báo cáo về các công trình quan trọng ở miền Trung, ngẫu nhiên thôi, báo cáo nêu thông tin các đối tác Trung Quốc bỏ cuộc. Việc này cũng như câu chuyện xảy ra giữa Hà Nội, liên quan đến dự án đường sắt trên cao – một công trình Trung Quốc thực hiện ở Việt Nam, đang đầy rẫy các vấn đề. Người dân có suy nghĩ rất cụ thể từ những vấn đề cụ thể nhìn thấy hàng ngày. Mọi người đặt câu hỏi, tại sao đối tác Trung Quốc lại như vậy? Vậy thì sau cùng, mối quan hệ cần đi vào thực chất. Qua những việc thực tế, chúng ta dễ nhận ra hơn là qua lời nói.
Với người làm sử như tôi, do yếu tố nhạy cảm nghề nghiệp chăng, mà khi nói mối quan hệ hai nước với những mặt tích cực, từ cổ xưa… tôi lại thấy, thực tế từ thời cổ xưa đó đến nay đã có rất nhiều cuộc chiến tranh xâm lược rồi. Và ngay cả thời kỳ cận đại, có giai đoạn Chính phủ, nhân dân Trung Quốc ủng hộ Việt Nam rất lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc… Điều đó là sự thực. Song cũng đừng quên là những cuộc chiến tranh, xung đột cũng đã có nhiều máu và nước mắt.
Cho nên, giữa lời nói và việc làm cần phải đi đôi với nhau. Đành rằng, ở tình huống này, lời nói mang tính chất ngoại giao nhưng để người dân tin được thì chúng ta cần nhìn vào việc làm thực tế. Với những phát biểu của ông Tập, tôi hy vọng phía Trung Quốc sẽ làm đúng như lời họ nói. Điều đó sẽ mang lại xu thế tích cực trong quan hệ hai nước.
Nhìn một cách lạc quan, khi một nguyên thủ Trung Quốc nói trước Quốc hội, tức là nói trước nhân dân Việt Nam như thế, chúng ta có thể hy vọng về những hành động tích cực hơn trong tương lai?
Tôi nghĩ chúng ta tôn trọng họ nhưng phải tự định đoạt vận mệnh của mình. Chúng ta cũng phấn đấu cho mục tiêu làm sao cho 2 nước hợp tác hữu nghị với nhau. Ông Tập nói về dân tộc Trung Hoa, mình lắng nghe thôi, và tự kiểm chứng bằng chính những trải nghiệm của mình. Còn những lời nói, thông điệp mang tính chất ngoại giao thì đương nhiên phải tích cực, ôn hòa, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Chuyện “tiểu cục” không nhỏ chút nào với Việt Nam
Bên hành lang Quốc hội chiều 6/11, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho biết, nghe bài phát biểu hơn 20 phút của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước Quốc hội Việt Nam, có một số nội dung mà ông rất chú ý.
Bài phát biểu có nhấn mạnh đến quan hệ Việt Nam - Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, như ông Tập nói, mối quan hệ là thành quả của nhân dân hai nước, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông lập nên.
“Thực ra, chúng tôi rất hy vọng và nghe những lời nói rất chân tình, thể hiện tình cảm, tình đồng chí giữa những người cộng sản, những người láng giềng, anh em có mối quan hệ lâu năm. Mối quan hệ này không bao giờ bỏ được, đó là điều chắc chắn. Tuy nhiên, cá nhân tôi cảm thấy hơi tiếc”- ông Sơn nói.
“Hơi tiếc”, theo ông Sơn là bởi đó vẫn là những lời cũ, vẫn là chủ trương 16 chữ vàng, 4 tốt (đồng chí tốt, đối tác tốt, láng giềng tốt, bạn bè tốt) mà chưa phân tích rõ ràng thêm những nội dung đã được theo dõi lâu nay ở các cuộc gặp gỡ giữa hai bên.
“Chủ tịch Tập Cận Bình cũng rất rất nhiều lần nói là Trung Quốc nguyện cùng Việt Nam làm việc này, làm việc kia, nói việc quan tâm đại cục, bỏ qua tiểu tiết, khi giải quyết được đại cục thì những tiểu cục tự nhiên sẽ chuyển. Nhưng những chuyện họ nói là nhỏ, với dân tộc Việt Nam thì không nhỏ chút nào cả. Những hòn đảo rất nhỏ nhưng vô cùng thiêng liêng đối với người dân Việt Nam. Đấy là những điều chúng ta rất băn khoăn”- ông Sơn bày tỏ.
Ông Sơn nhận xét, bài phát biểu đậm tính chất ngoại giao, không khí đón tiếp của Quốc hội, vì thế, cũng rất ngoại giao. Mong mỏi tại diễn đàn Quốc hội là những lời nói đó phải biến thành các hoạt động, việc làm thực tế của phía bạn.
Ông Sơn cho biết, trước khi ông Tập đăng đàn, nhiều đại biểu Quốc hội đã hỏi nhau rằng, vấn đề Biển Đông sẽ được nhắc tới như thế nào trong bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc. “Thế nhưng, chúng tôi “hơi tiếc” bài phát biểu chỉ nói những điều rất xa xôi chứ không đề cập đến những việc cụ thể mà chúng ta quan tâm, chờ đợi”- ông Sơn nói.
Thế Kha
P.Thảo (ghi)