Nơi đón đoàn tù chính trị Côn Đảo về đất liền sau Cách mạng tháng Tám
(Dân trí) - Từ nhiều năm nay, khu vực trường Tiểu học-THCS-THPT Ischool Sóc Trăng (trước đây là trường Taberd) là nơi được nhiều du khách ghé thăm khi tới Sóc Trăng. Đây chính là nơi cách đây 73 năm đã đón tiếp đoàn tù chính trị từ Côn Đảo về đất liền ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.
Theo dòng lịch sử, trường Tiểu học-THCS-THPT Ischool Sóc Trăng (trước đây là trường La San, trường Taberd) được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, có diện tích khoảng trên 10.000m2.
Trong khuôn viên trường hiện có một ngôi nhà khá lớn, mái lợp ngói có diện tích khoảng trên 200 m2, được dùng làm Nhà trưng bày Khu di tích lịch sử đón đoàn tù chính trị Côn Đảo về Sóc Trăng ngày 23/9/1945. Bên trong có 2 gian, gian chính là phần trưng bày các sơ đồ, hình ảnh về nhà tù Côn Đảo, cảnh ghi lại hình ảnh đón tiếp đoàn tù chính trị, cảnh sinh hoạt của tù chính trị trong sân trường, mô hình chiếc ca nô do Bác Tôn Đức Thắng lái cùng 12 chiến sĩ từ nhà tù trở về đất liền.
Ngoài ra, còn có một số hiện vật như 4 bát sứ tráng men, 1 chậu sành miệng loe (do nhân dân Sóc Trăng quyên góp, dùng để rửa vết thương cho các chiến sĩ Côn Đảo); 1 chảo sắt (dùng nấu ăn cho đoàn)...
Một gian nhỏ hơn để trưng bày một một số hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Tượng bán thân của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đặt trong khu di tích.
Theo tài liệu lịch sử ghi lại, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng và Chính phủ, Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ nhanh chóng chỉ đạo việc tổ chức đưa tù chính trị ở Côn Đảo trở về đất liền.
Tối 25/8/1945, tại cuộc họp đánh giá tình hình chung của việc tổ chức phong trào đấu tranh của quần chúng giành thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám tại Sài Gòn - Chợ Lớn, Xứ ủy Nam bộ dành riêng thời gian nghe 2 đồng chí Đào Duy Kỳ và Nguyễn Công Trung (là 2 trong số 6 tù chính trị cộng sản từ Côn Đảo vừa về đến Sài Gòn vào chiều ngày 25/8/1945) báo cáo tình hình ở Côn Đảo.
Sau đó, hội nghị quyết định triển khai kế hoạch tổ chức rước tù chính trị Côn Đảo, thành lập Uỷ ban ủng hộ chính trị phạm do đồng chí Đào Duy Kỳ làm trưởng ban.
Sáng sớm ngày 16/9/1945, tàu Phú Quốc và 32 ghe với khoảng 200 thủy thủ xuất phát từ cửa Trần Đề (Sóc Trăng) thẳng hướng về Côn Đảo. Đến khoảng 10h sáng, đoàn ghe bị cơn giông lớn kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ làm lạc mất 7 chiếc, còn lại tàu Phú Quốc và 25 chiếc ghe lần lượt đến Côn Đảo vào tối ngày 16/9/1945.
Đoàn đã nhờ Đội phòng thủ Côn Đảo và chiếc xà lúp của đồng chí Tôn Đức Thắng sang hướng dẫn về cầu tàu trung tâm của đảo. Chiều ngày 17/9, một cuộc mít-tinh lớn chào mừng phái đoàn được tổ chức tại trung tâm đảo.
Từ ngày 18 đến 22/9/1945, Đảo uỷ nhà tù nhanh chóng triển khai nhiều công tác như tổ chức vận động Tuần lễ vàng; viếng thăm mộ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Côn Đảo như Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong,... Một bộ phận cán bộ lãnh đạo Đảo ủy và các chi bộ khẩn trương thực hiện công tác tập hợp và lập danh sách số tù chính trị, bố trí số lượng người cụ thể xuống tàu Phú Quốc và các ghe, xà lúp.
Với quan điểm cách mạng, ngoài số tù chính trị cộng sản, Đảo uỷ còn bố trí số tù chính trị thuộc các đảng phái và xu hướng khác nhau, nhưng không gây hại đến phong trào cách mạng, có trong danh sách trở về đất liền, như số tù chính trị Quốc dân Đảng có xu hướng tiến bộ, các tù chính trị người Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan, kể cả một số tù thường phạm và số công chức được giác ngộ hoặc không có gây tội ác với nhân dân...
Khuya 22, rạng sáng ngày 23/9/1945, tàu Phú Quốc và đoàn ghe 25 chiếc chở gần 2.000 tù chính trị rời Côn Đảo. Cùng theo đoàn tàu, ghe này còn có chiếc xà lúp chở 13 người tù chính trị. Chiếc xà lúp do Bác Tôn Đức Thắng hướng dẫn cùng với 2 thợ máy làm tài công là Nguyễn Hùng Minh và Nguyễn Hùng Phước.
Trên đường về, cả đoàn ghe cùng chiếc xà lúp lại gặp gió mạnh rồi mưa giông, sóng lớn. Riêng chiếc xà lúp bị sóng đánh, nước tràn cả vào bên trong. Thật may mắn khi Bác Tôn Đức Thắng còn giữ được chiếc la bàn nhỏ gắn trong cây bút máy để ở túi áo, nên xà lúp vẫn được định hướng chạy về phía đất liền, nhưng lại đi lạc vào cửa Mỹ Thanh (thuộc làng Lạc Hòa) và được chính quyền cách mạng, nhân dân địa phương đón tiếp chu đáo.
Đến chiều tối cùng ngày, đoàn được hướng dẫn đi ngay về Sóc Trăng theo tuyến sông Mỹ Thanh vào Cổ Cò, Bãi Xàu. Riêng đồng chí Phạm Hùng cũng đi ngay ra Đại Ngãi để đón đoàn tàu Phú Quốc và các ghe về ghé địa điểm này.
Chiều tối 23/9/1945, tàu Phú Quốc và 23 ghe lần lượt cập bến Đại Ngãi. Một số tù chính trị được chuyển về Sóc Trăng bằng đường bộ và đường thủy. Một số thì được bố trí nghỉ qua đêm tại chùa Quan Âm (Đại Ngãi) và hôm sau được đưa về điểm đón tiếp tập trung tại trường Taberd (Sóc Trăng).
Tối 23/9/1945, nhóm đi tàu Phú Quốc về đến cầu tàu gần chợ Sóc Trăng. Tại đây, đông đảo cán bộ, chiến sĩ và đông đảo nhân dân thị xã đón mừng đoàn với rừng cờ, biểu ngữ và những lời hoan hô vang đội. Từ bến tàu, các chiến sĩ được đưa về nghỉ tại trường Taberd. Tại đây, công tác chuẩn bị tiếp đón đoàn được tổ chức chặt chẽ với các bộ phận hậu cần, cứu thương, trật tự, vệ sinh… để lo nơi ăn, nghỉ thật chu đáo cho anh em. Nhân dân tỉnh, huyện nô nức, tấp nập tiếp tế thực phẩm, quần áo, thuốc men chở đến điểm đoàn tập trung.
Sáng ngày 24/9/1945, một cuộc mít-tinh lớn chào mừng đoàn được tổ chức tại sân trường Taberd, trở thành một cuộc biểu dương lực lượng ủng hộ chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, kiên quyết đánh Pháp để giữ vững đất nước độc lập. Từ đó đến ngày 30/9/1945, sân trường Taberd lúc nào cũng nhộn nhịp người đi thăm anh em tù chính trị. Ngày 30/9/1945, đoàn chiến sĩ Côn Đảo lên đường về Cần Thơ để nhận nhiệm vụ mới.
Đoàn tù chính trị từ Côn Đảo trở về sau biết bao gian lao và vất vả, đã theo lời kêu gọi của Đảng tỏa đi tham gia kháng chiến chống Pháp ở khắp mọi miền đất nước. Nhiều chiến sĩ đã trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Phan Trọng Tuệ,...
Với ý nghĩa to lớn của việc đón rước, chăm sóc chu đáo đoàn tù chính trị Côn Đảo của Đảng bộ và quân dân tỉnh Sóc Trăng, góp phần bảo vệ tốt sức khỏe cho số cán bộ lãnh đạo nòng cốt cho Trung ương và các tỉnh, đáp ứng nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng và bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2, ngày 11/6/1992, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ban hành Quyết định số 734/QĐ-BVHTT công nhận di tích trường Taberd tỉnh Sóc Trăng là Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia.
Cao Xuân Lương