Những vết thương chiến tranh chưa thể nguôi ngoai
(Dân trí) - Trên giải đất hình chữ S của dân tộc Việt hơn 30 năm qua đã không còn tiếng bom cày đạn xới. Những thành phố, làng quê bị bom đạn của thực dân, đế quốc xâm lược làm cho tan hoang đã được "xây dựng lại hơn mười ngày xưa".
Xóm 3, 4A, 4B xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An những thập niên cuối thế kỷ trước có tên là xóm Mỹ Thanh, còn trước đó nữa là làng Ngọc Hốt. Làng Ngọc Hốt nằm ở khoảng giữa phía tây đường sắt Bắc - Nam đoạn từ ga Vinh đến ga Đồ Yên. Xưa kia nhân dân các nơi biết đến làng Ngọc Hốt bởi họ có nghề dệt vải chuông khổ hẹp và những làn điệu hát ru, hát phường vải nổi tiếng. Bây giờ người dân nơi đây chỉ sống bằng nghề trồng lúa.
Chúng tôi đến Ngọc Hốt vào một ngày nắng nóng của mùa hè 2012 khi những người nông dân đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng của việc thu hoạch vụ Đông - Xuân và hối hả gieo sạ vụ Hè - Thu. Chuyện trò với các cụ cao tuổi của làng được biết: người Ngọc Hốt không chỉ có truyền thống cần cù lao động mà còn có truyền thống yêu nước. Từ xa xưa người Ngọc Hốt đã một lòng một dạ cùng vị Thành hoàng làng Trung lang bộ lĩnh Đại vương Lý Thái, một danh tướng thời nhà Trần dẹp tan mọi thế lực nổi loạn. Đền làng Ngọc Hốt (nơi thờ danh tướng Lý Thái theo sắc của vua Huyền Tông niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 năm 1670) là nơi những đảng viên Cộng sản họp để đề ra chủ trương, nghị quyết lãnh đạo nhân dân trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Trong các cuộc kháng chiến cứu nước ở thời đại Hồ Chí Minh, làng Ngọc Hốt đóng góp đáng kể sức người và sức của. Cho đến nay làng Ngọc Hốt có chưa đầy 300 hộ gia đình, nhưng chỉ tính những người hiện đang có hộ khẩu tại làng các năm chiến tranh đã có 142 người hăng hái tòng quân cầm súng bảo vệ Tổ quốc.
Kết thúc chiến tranh, thống kê lại thấy trong số những người được dân làng đưa tiễn nhập ngũ có 29 người đã anh dũng hy sinh (bình quân 10 gia đình có một liệt sĩ); 113 cựu chiến binh, trong đó có 25 thương bệnh binh và 7 người bị nhiễm chất độc da cam.
Những nỗi đau chưa thể nguôi ngoai
Trong số 29 liệt sĩ của làng hiện mới có 12 gia đình tìm được mộ của con em mình, 17 liệt sĩ còn lại hiện vẫn nằm đâu đó trên mảnh đất quê hương mà không được người thân hương khói.
Chị Trần Thị Hiển, con thứ 4 của một gia đình có 9 người con, bùi ngùi kể: "Bố tôi là Trần Đình Huynh, mẹ là Lê Thị Ngoét, có 7 chị em gái và 2 cậu. Một cậu thì lâm bệnh qua đời khi chưa lập gia đình. Cậu Trần Đình Đệ vừa đến tuổi trưởng thành là nhập ngũ. Những tưởng hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc cậu về xây dựng gia đình và lo hương khói cho bố mẹ. Nay cậu Đệ có đi mà không có về. Dù có đến 7 chị em nhưng là phận gái đã lấy chồng ai cũng phải lo việc bên nội, phụng thờ bố mẹ đẻ dù cố giắng nhưng cũng chỉ mức độ nào đó, ngày giỗ tết thấy bàn thờ bố mẹ mình lạnh lẽo nghĩ mà tủi lắm".
Bà Bùi Thị Mân vợ Trung úy liệt sĩ Lê Minh Tân tiếp chúng tôi trong 2 gian nhà cấp 4 đã xuống cấp nghiêm trọng. Thấy chúng tôi ái ngại, bà nói luôn: "Các cấp đã có kế hoạch sửa sang lại nhà cho tôi nhưng vì năm nay là năm tuổi của mình nên tôi đề nghị chưa làm".
Rồi bà kể: "Ông ấy (ông Tân) là bộ đội pháo cao xạ được bố trí bảo vệ cầu Cấm ở huyện Nghi Lộc. Giữa tháng 5/1968 ông ấy được về nhà mấy ngày, hết ngày được nghỉ ông ấy trở về đơn vị. Bác không thể ngờ được đó là lần cuối cùng vợ chồng, cha con được gặp nhau. Ngày 29/5 trong một trận đánh trả máy bay giặc Mỹ ông ấy đã hy sinh". Khi đó ông Tân 27 tuổi, còn bà 26, con gái đầu lòng mới 7 tháng tuổi. Nhận được tin chồng hy sinh bà như phát điên, phải nhờ hàng xóm chăm sóc con gái...
Trầm ngâm một lát bà Mân nói tiếp: "Năm 1968, sau khi nhận tin chồng hy sinh mấy tháng, tôi lại nhận được tin em trai duy nhất hy sinh vào ngày 24/12/1968. Không gì có thể nói hết nỗi đau. Nhưng vì trách nhiệm với người đã khuất và trách nhiệm của một Đảng viên trẻ, tôi đã nuốt nước mắt vào trong để đứng dậy. Bây giờ con gái tôi đã là mẹ của 2 cháu nhỏ".