Nhiều lãnh đạo bị ung thư, điều trị đã khoẻ, vẫn tham gia công tác

(Dân trí) - Trưởng Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương Nguyễn Quốc Triệu cho biết, nhiều cán bộ đương chức khi ốm đau được chăm sóc tốt đã trở lại công tác. Nhiều cựu lãnh đạo là nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên trung ương bị ung thư đã điều trị kịp thời, sức khỏe vẫn tốt, vẫn tham gia các hội đồng...

Ông Nguyễn Quốc Triệu phát biểu tại Hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng đảng ngày 4/3 do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức.

Ông Triệu khẳng định, công tác bảo vệ sức khỏe cán bộ và cho biết đây là công việc luôn được quan tâm đặc biệt, kể cả những cán bộ, lãnh đạo đương chức và đã về hưu.

“Công tác bảo vệ sức khoẻ cán bộ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư quan tâm, chỉ đạo và đạt được kết quả đáng khích lệ trong những năm qua. Có nhiều đồng chí đương chức khi ốm đau đã được chăm sóc tốt và sớm trở lại công tác”- ông Triệu nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu, ông Triệu nêu nhiều con số thống kê, Ban Bảo vệ sức khỏe có hội đồng giáo sư, trên 40 giáo sư và phó giáo sư, từ các bệnh viện hàng đầu trong nước.

Theo ông Triệu, hoạt động của Ban là quản lý sức khỏe của các cán bộ, phát hiện sớm để điều trị có hiệu quả. Muốn vậy thì phải tăng cường quản lý sức khỏe. Những năm qua, Ban đã phát hiện rất nhiều trường hợp và trả lại sức khỏe cho người đương chức để tiếp tục công tác.

“Nhiều cán bộ nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Trung ương bị ung thư đã điều trị kịp thời và có đồng chí nay đã là năm thứ 16 rồi, sức khỏe vẫn tốt, vẫn tham gia các hội đồng. Có đồng chí trong nhiệm kỳ qua làm ở Quốc hội, ở cơ quan Nhà nước, do được phát hiện ung thư sớm để điều trị nên bây giờ đã khỏi, sức khỏe tốt” - ông Triệu thông tin.

Trưởng Ban bảo vệ sức khoẻ Trung ương trình bày, công tác cán bộ là một nội dung quan trọng của lĩnh vực xây dựng Đảng, trong đó, công tác cán bộ xoay quanh 4 vấn đề: đức, tài, tuổi và sức khỏe. Nếu đủ đức, tài mà sức khỏe không đạt thì cũng không thành công.

TS Nguyễn Quốc Triệu nói và kể lại thời điểm chuẩn bị cho Đại hội VIII thì có một vấn đề đáng quan tâm là ai sẽ làm Tổng Bí thư?

Ông Triệu kể: “Tôi là đại biểu sinh hoạt Hà Nội, có người hỏi đồng chí Đỗ Mười là anh đã một nhiệm kỳ làm Thủ tướng, một nhiệm kỳ Tổng Bí thư, vậy anh đã quy hoạch ai là người kế nhiệm để mọi người tham khảo? Đồng chí Đỗ Mười nói rằng, tôi quy hoạch đồng chí thứ nhất nhưng được hai năm thì đồng chí ấy ốm và mất. Đồng chí thứ hai cũng vì sức khỏe yếu. Đồng chí thứ ba thì cách đây không lâu bị tai biến… Chính vì hoàn cảnh như vậy mà thời điểm đó bác Đỗ Mười đã 79 tuổi vẫn phải tiếp tục đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư, hơn một năm sau mới bầu đồng chí Lê Khả Phiêu kế nhiệm”.

Trưởng ban bảo vệ sức khỏe Trung ương nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ cán bộ, khẳng định làm tốt việc này sẽ góp phần đồng thời với bảo vệ sức khỏe toàn dân, tạo điều kiện để đất nước phát triển bền vững.

Nghiên cứu nhất thể hoá chức danh Bí thư Tỉnh uỷ và Chủ tịch tỉnh


Nhiều Uỷ viên Bộ Chính trị, lãnh đạo cao nhất của Đảng tham gia Hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2017.

Nhiều Uỷ viên Bộ Chính trị, lãnh đạo cao nhất của Đảng tham gia Hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2017.

Phần phát biểu của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, ông Chính nói về hoạt động của bộ máy nhà nước với hai điểm yếu kém lớn đang tồn tại là bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc và hoạt động còn kém hiệu lực, hiệu quả.

“Nhân dân bức xúc về việc chi tiêu cho bộ máy, công chức lớn nhưng hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Rồi vấn đề tham nhũng tiêu cực chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, rồi cán bộ suy thoái”, ông Chính nói.

Theo ông Chính, Đảng đã nhận diện ra điều này nên trong nhiệm kỳ Đại hội XII này, Đảng đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có hai nhiệm vụ, một là tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn đảng, hai là xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đồng tình với nhận định trên, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình kiến nghị cần nghiên cứu thực hiện thí điểm việc nhất thể hóa một số chức danh cho phù hợp.

Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc bày tỏ nhiều băn khoăn về vấn đề này, nhất là cơ chế để kiểm soát quyền lực, cũng như liên quan đến việc điều hành giữa Đảng và cơ quan Nhà nước. Vì thế, khi hợp nhất thì cũng nên nghiên cứu thí điểm việc nhất thể hóa chức danh Bí thư kiểm Chủ tịch tỉnh ở một số địa phương.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng khẳng định, việc thực hiện nhất thể hóa mà tỉnh thực hiện trong thời gian vừa qua phát huy rất nhiều hiệu quả trong việc tinh giản bộ máy, cũng như hiệu quả, hiệu lực trong việc thực hiện nhiệm vụ. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục, rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, theo đúng quan điểm một chức năng, một nhiệm vụ trên một địa bàn thì chỉ một cơ quan thực hiện, để tập trung nguồn lực, sức sáng tạo, tránh rải mành mành.

P.Thảo