"Nhất quyết kiện Trung Quốc nhưng chưa phải lúc này"
(Dân trí) - Tại cuộc họp HĐND tỉnh Nghệ An vào chiều ngày 15/7, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương đã công bố các tư liệu khẳng định chủ quyền Việt Nam trên 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
PGS.TS Lê Văn Cương phát biểu tại Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVI.
Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an đã có buổi nói chuyện, trao đổi với các đại biểu tham dự kỳ họp về tình hình biển Đông. Tại buổi nói chuyện, PGS.TS Lê Văn Cương đã công bố các tài liệu về văn hóa, lịch sử cũng như pháp lý về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền một cách trái phép.
Trong các tài liệu thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau, PGS.TS Lê Văn Cương khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để chứng minh chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sà và Hoàng Sa. Trong khi đó, phía Trung Quốc không có cuốn sách nào khẳng định hai quần đảo này thuộc chủ quyền của họ. Mặc khác, trong tài liệu cổ Trung Quốc từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên cho đến các tài liệu của các triều đại sau này, kể các sách giáo khoa của Trung Quốc đều thể hiện nội dung, Trường Sa - Hoàng Sa thuộc về Việt Nam.
Đến đời nhà Minh, có tới gần 10 cuốn sách và 30 bản đồ nói Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam. Cuối thế kỷ 19, nhà Đại Thanh (Trung Quốc) đã vẽ bản đồ toàn thế giới thì Trung Quốc có 17 tỉnh và không có 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Trong sách giáo khoa Trung Quốc xuất bản vào năm 1906, điểm cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.
Trong nguồn tư liệu Phương Tây cũng có nhiều tư liệu khẳng định 2 quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam. Những cuốn hồi ký của các linh mục, giám mục sang Việt Nam truyền đạo từ giữa thế kỷ 16 có nói về việc các triều đình An Nam xác lập chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa. Hiện nay, giới nghiên cứu đã tìm được 8 cuốn hồi ký của các linh mục, giám mục có đề cập đến chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này.
Các đoàn thương gia phương Tây trong hành trình buôn bán khắp thế giới bằng đường biển từ thế kỷ 15 đã nhiều lần bị mắc cạn ở Trường Sa - Hoàng Sa. Theo nhật ký hải trình của một số thương gia phương Tây khi mắc cạn tại 2 quần đảo này đã được Chúa Nguyễn và triều đình nhà Nguyễn đưa thuyền, nước ngọt ra ứng cứu. Các học giả, các nhà hải dương học người Ý vào năm 1842 cũng đã xuất bản ở Milan một cuốc sách, trong đó có đoạn khẳng định VN lập đoàn thu phí ở Trường Sa. Điều đó khẳng định Việt Nam đã xác lập chủ quyền trên hai quần đảo này từ rất lâu.
PGS.TS Lê Văn Cương khẳng định: Về pháp lý, lịch sử, văn hóa, Trung Quốc đều không có tư liệu nào khẳng định chủ quyền về Trường Sa - Hoàng Sa.
“Chúng ta dứt khoát phải kiện Trung Quốc nhưng chưa nên kiện lúc này. Biện pháp tối ưu lúc này vẫn là tiếp tục đối thoại song phương hòa bình. Chúng ta không việc gì phải sợ. Mặc dù Trung Quốc giàu hơn ta, mạnh hơn ta nhưng về pháp lý họ không có, về đạo lý họ không có. Họ cũng không có sự ủng hộ của quốc tế. Trong khi đó Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về pháp lý, văn hóa và lịch sử để khẳng định chủ quyền trên 2 quần đảo này".
"90 triệu người đoàn kết một lòng xung quanh Đảng thì sẽ tạo thành một khối sức mạnh bất khả chiến bại. Sau lưng chúng ta còn có sự ủng hộ của dư luận thế giới. Chúng ta có đạo lý, có pháp lý, có bạn bè quốc tế ủng hộ thì không việc gì phải sợ. Trước tiên, mỗi người dân phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của từng người, phải đoàn kết trên dưới một lòng, phải bình tĩnh, không được mơ hồ, không được manh động. Ta phải ứng xử đặt lợi ích quốc gia lên trên hết”, PGS.TS Lê Văn Cương phát biểu tại cuộc nói chuyện.
Hoàng Lam