Người sỹ quan tác chiến và khát khao Bắc - Nam sum họp một nhà
(Dân trí) - “Những kỷ niệm về một thời đã qua sao mà quên được, đó là một phần của cuộc đời… Ngày đó, khát khao nhất của thế hệ trẻ chúng tôi là được vào miền Nam chiến đấu, đánh đuổi giặc Mỹ, mong nước nhà sớm thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà…”.
Hàng năm, cứ đến những ngày tháng Tư lịch sử, cựu chiến binh Đỗ Chi - nguyên cán bộ tác chiến Sư đoàn 7, cán bộ tuyên huấn Quân đoàn 1, ở phường Tào Xuyên, thành phố Thanh Hóa lại rạo rực nhớ về những ngày tháng hào hùng, oanh liệt của ông và đồng đội cách đây 40 năm.
Ông bảo: “Chuyện về đời binh nghiệp của tôi thì dài lắm! Những kỷ niệm máu thịt về một thời đã qua sao mà quên được, đó là một phần của cuộc đời. Đâu phải chỉ mình tôi, nhiều người từng tham gia chiến đấu như tôi, cũng vậy cả. Ngày đó, khát khao cháy bỏng nhất của thế hệ trẻ chúng tôi là được vào miền Nam chiến đấu, đánh đuổi giặc Mỹ mong sao nước nhà sớm thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà…”.
Vừa pha trà mời khách, ông Chi giới thiệu cho tôi đôi nét về bản thân, mà theo cách ví von của ông là bản “lý lịch trích ngang” của đời mình. Từng có 18 năm làm công tác tuyên huấn nên cách nói chuyện của ông hết sức khúc triết, mạch lạc từng câu chữ. Cả đời binh nghiệp gắn với thông tin, tuyên truyền nên khi nhắc lại kỷ niệm xưa ông nhớ rõ từng chi tiết.
Ông Chi vốn là người rất ham học lại sinh ra và lớn lên ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), một vùng đất địa linh nhân kiệt. Thời còn là học sinh ông vinh dự được theo học tại trường cấp 3 Lam Sơn (nay là THPT Chuyên Lam Sơn). Tốt nghiệp hết cấp, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc ông lên đường nhập ngũ. Khi vào đơn vị, vì là người có trình độ nên ông đã được đơn vị cử đi học đại học sư phạm. Chưa hết khóa học, ông đã phải trở về đơn vị để vào Miền nam tham gia chiến đấu thuộc đơn vị Trung Đoàn 33, Sư Đoàn 325B.
Trận đánh đầu tiên mà ông Chi cùng đơn vị tham chiến là trận Plây-me (Gia Lai). Trong trận này, đơn vị của ông, cùng Trung đoàn 320, và sau này có thêm Trung đoàn 66 tham gia đã trực tiếp “chạm trán” với Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 (Kỵ binh bay số 1) của quân đội Mỹ. Đây là Sư đoàn thiện chiến nhất, được trang bị hiện đại nhất, là niềm kiêu hãnh của quân đội Mỹ.
Ông Chi kể với đầy vẻ tự hào: “Lúc đó tôi là Tiểu đội trưởng chỉ huy tiểu đội pháo cao xạ 12 ly 7. Trận đánh vào đúng dịp ngày giỗ đầu của anh hùng, liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi. Các đơn vị xuất quân với khí thế hừng hực quyết chiến, quyết thắng lập thành tích tưởng nhớ người anh hùng của miền Nam, Thành đồng Tổ quốc. Trận đánh kéo dài ròng rã suốt 30 ngày đêm, chiến sự diễn ra hết sức ác liệt. Trước nguy cơ lực lượng đồn trú biệt kích Ngụy ở Plây-me bị tiêu diệt, Bộ chỉ huy chiến trường của Mỹ ở miền Nam Việt Nam lập tức điều Sư đoàn kỵ binh số 1 lên ứng cứu. Về phía ta do có nhiều phương án tác chiến, nhiều cách đánh, có sự phối hợp hết sức chặt chẽ, phán đoán đúng địch đúng ta, dự báo đúng tình hình nên đã lừa quân Mỹ vào thung lũng Ya-đrăng. Lập tức các đơn vị chớp thời cơ, Trung đoàn 66 nổ súng đánh chặn, bao vây, vu hồi làm cho đội hình quân địch bị rối loạn hoàn toàn”.
“Tôi đã tận mắt trông thấy tại thung lũng Ya-đrăng, xác lính Mỹ chết ngổn ngang ở mọi thư thế, chồng chất lên nhau, súng đạn vứt bừa bãi vương vãi khắp nơi. Theo lời thú nhận của phía Mỹ, trong trận này đã có hơn 200 quân Mỹ bị tiêu diệt. Đây là một trận thua thảm hại đối với Sư đoàn Kỵ binh bay của quân đội Mỹ”, ông Chi kể tiếp.
Cũng theo lời ông Chi, qua trận Plây-me, Bộ chỉ huy của ta ở mặt trận Tây Nguyên đã rút ra nhiều bài học và kinh nghiệm đánh Mỹ vô cùng bổ ích. Trận Plây-me đã được Bác Hồ đưa vào thơ chúc Tết của Người nhân dịp mừng Xuân năm 1966…
Năm 1972, ông Chi được giao nhiệm vụ là sỹ quan tác chiến tại phòng Tham mưu của Sư đoàn 7 (Công trường 7- sau này thuộc Quân đoàn 4). Hằng ngày, ông tổng hợp tình hình chiến sự của Sư đoàn để báo cáo về Cục tác chiến của Bộ chỉ huy Miền (R). Bộ chỉ huy miền sẽ kịp thời truyền tin về Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, để Đài phát thanh và báo chí ở Hà Nội thông báo tin chiến thắng tới mọi miền của Tổ quốc vào buổi sáng hôm sau, nhằm động viên, cổ vũ kịp thời tinh thần chiến đấu của quân và dân ta.
“Được nghe tin chiến thắng từ Đài tiếng nói Việt Nam là món ăn tinh thần không thể thiếu được đối với mỗi người lính. Bởi lẽ, trong tình cảm sâu thẳm, mỗi chiến công đều có một phần đóng góp của chúng tôi. Đơn vị tôi vỏn vẹn chỉ có một chiếc đài bán dẫn. Nhiều khi hết pin, anh em trong đơn vị phải cùng nhau gom góp từng cục pin để tiếp tục được nghe đài, lắng nghe tin chiến thắng. Và như thường lệ, cứ đến 21h hằng ngày, chúng tôi lại quây quần bên chiếc đài để thưởng thức giọng đọc của phát thanh viên Đào Lộc Bình qua tiết mục “Sổ tay chiến sự”, truyền tin chiến thắng từ khắp các chiến trường”, ông Chi nhớ lại.
Cuối năm 1974, Quân đoàn 4 được thành lập gồm 3 Sư đoàn danh tiếng ở miền Đông Nam Bộ. Đó là: Sư đoàn 5, Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 và nhiều Lữ đoàn, Trung đoàn, Tiểu đoàn thiện chiến khác. Đầu tháng 3 năm 1975, Sư đoàn 7 của ông Chi được giao nhiệm vụ đánh chiếm thị xã Lâm Đồng, tiếp đó là nhổ chốt Định Quán (Đồng Nai). Thời điểm này, nhiệm vụ khó khăn nhất của Quân đoàn 4 là phải tiêu diệt Sư đoàn 18 Ngụy ở Xuân Lộc, cánh cửa thép ở phía Bắc do tên Chuẩn tướng rất hiếu chiến Lê Minh Đảo chỉ huy tạo điều kiện cho đại quân tiến về Sài Gòn.
Mặc dù trận chiến đấu chỉ kéo dài hơn 10 ngày nhưng chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt. Vì lẽ, mất Xuân Lộc là chế độ Ngụy quyền Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ nên Sư đoàn 18 Ngụy chống trả hết sức quyết liệt. Tuy nhiên, Sư đoàn 7 do đồng chí Lê Nam Phong chỉ huy (sau này là Trung tướng) cùng anh em chiến sỹ đã chiến đấu ngoan cường nên Sư đoàn 18 đã bị đánh quỵ hoàn toàn, mở toang cánh cửa cho đại quân tiến vào Sài Gòn.
Ngước mắt nhìn xa xăm, giọng ông Chi trầm hẳn xuống: “Thế mà đã qua 40 năm, bây giờ nghĩ lại mới thấy lứa tuổi chúng tôi đã sống những ngày tuy gian lao vất vả nhưng cũng vô cùng hạnh phúc. Chúng tôi đã được chứng kiến những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, đã từng chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng và Bác Hồ Kính yêu”.
“Rất tiếc, thời điểm đó Sư đoàn chúng tôi không phải thực hiện những trận đánh đoạn từ Xuân Lộc xuống Biên Hòa vào giải phóng Sài Gòn, nếu không Sư đoàn chúng tôi sẽ là đơn vị được phất cao cờ chiến thắng trên Dinh Độc lập. Nhưng lịch sử vẫn là lịch sử, dù đơn vị nào vào trước người chiến sỹ nào đã cắm lá cờ trên Dinh độc lập thì thời khắc lịch sử đó vẫn mãi là niềm tự hào bất tận của quân đội ta, là truyền thống “bách chiến bách thắng” được Đảng và Bác Hồ dày công vun đắp…”, ông Chi bộc bạch.
Thái Bá