Người dân thử nghiệm tàu ngầm, chính quyền đòi trình… bằng lái!
(Dân trí) - Nói về một một biểu hiện của việc luật không theo kịp cuộc sống, xa rời cuộc sống, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn việc "cha đẻ" tàu ngầm Trường Sa tại Thái Bình muốn tự chạy thử nghiệm sản phẩm của mình cũng không được vì chính quyền đòi trình... bằng lái tàu ngầm, chứng nhận đăng kiểm…
Ngày 12/7, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Luật Biểu tình hoãn vô thời hạn
Tờ trình của UB Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Minh Thông trình bày nêu việc Luật Biểu tình vẫn chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội vào chương trình 2017.
Cụ thể, ông Thông trình bày, dự án Luật Biểu tình đã được đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 13 để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, do đây là dự án luật phức tạp, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nên đã lùi thời gian trình dự án luật này.
Đến nay, Chính phủ đề nghị đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá 14, nhưng qua quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án vẫn còn có ý kiến khác nhau, hồ sơ của dự án chưa đầy đủ.
Do đó, ông Thông khái quát, chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội đưa dự án này vào chương trình.
Đã rất nhiều lần trong suốt khoá Quốc hội XIII, Luật Biểu tình phải lùi, hoãn lại. Và đến giờ, khi Quốc hội chuẩn bị bước vào khoá mới cũng chưa biết khi nào luật này được đưa vào chương trình làm luật, pháp lệnh.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã phải lùi hiệu lực thi hành vô thời hạn do phát hiện nhiều sai sót), được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Trụng giải thích là cần thời gian chuẩn bị, rà soát lỗi nên chưa trình Quốc hội khoá XIV ngay tại kỳ họp đầu tiên cuối tháng này. Luật này sẽ được trình tại kỳ họp thứ 2, theo thông lệ sẽ được tổ chức cuối năm nay.
Ai đào tạo, cấp bằng lái… tàu ngầm hệ dân sự?
Khái quát về quy trình xây dựng luật hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lấy dẫn chứng từ luật chuyển giao công nghệ. Luật này đang được đề nghị sửa theo quy trình thông qua tại 1 kỳ họp vì phạm vi sửa đổi, bổ sung ít, vấn đề sửa đổi, bổ sung đã rõ ràng nhưng UB Thường vụ Quốc hội không đồng ý, yêu cầu chuẩn bị kỹ, cần mở rộng phạm vi sửa đổi cho đồng bộ để thành đạo luật Chuyển giao công nghệ mới thay thế hẳn luật hiện tại.
Bà Tòng Thị Phóng ví dụ chuyện người chủ tàu ngầm Trường Sa tại Thái Bình xin được thử nghiệm con tàu trên sông, rồi trên biển vừa qua. Cơ quan quản lý nhà nước không hỗ trợ được nhiều cho người dân mà khi chủ tàu báo cáo, đăng ký chạy thử nghiệm còn đòi trình… bằng lái tàu ngầm, chứng nhận đăng kiểm phương tiện.
“Đó là làm khó người dân. Đang thử nghiệm mà đòi chứng nhận đăng kiểm, ai đăng kiểm cho con tàu của người dân làm? Ai đào tạo, cấp bằng lái tàu ngầm cho hệ dân sự? Riêng việc người ta tự mình xuống tàu để thử nghiệm là đã mạo hiểm tính mạng của mình, là sự dũng cảm, cống hiến tối đa cho khoa học rồi mà ta vẫn không có hành lang pháp lý cho họ” – Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng luật vẫn “chậm tiến”, vẫn xa rời so với cuộc sống thực tế là thế.
Với dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, UB Thường vụ Quốc hội cho biết đã nhận được đề nghị 51 dự án luật cụ thể. Số lượng này được cho là rất lớn so với khả năng thực hiện.
Quan điểm của UB Thường vụ Quốc hội là chỉ đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 những dự án có đầy đủ hồ sơ theo quy định, thuyết minh rõ ràng về mục đích, sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các nội dung cơ bản theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
P.Thảo