Nghe các nhà Ngoại giao kể chuyện “vượt ải” trên đất khách

(Dân trí) - Khoảng thời gian 9 năm làm công tác ngoại giao tại Mỹ đã để lại cho cựu Đại sứ Lê Văn Bàng những kỷ niệm khó quên. Còn với nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đức Hùng, ông vẫn xúc động khi nhớ lại tình cảm của những người bạn Chi-lê dành cho Việt Nam sau 30 năm gần như hai nước "đóng băng" quan hệ.

Trang web đầu tiên quảng bá Việt Nam ra thế giới

Đối với nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ Lê Văn Bàng, việc chứng kiến toàn bộ quá trình đàm phán bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ và những nỗ lực ban đầu để thúc đẩy quan hệ hai nước là những kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp ngoại giao của ông.

Khi nghe Tổng thống Clinton đọc tuyên bố dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam vào ngày 3/2/1994 trên Tivi, ông đã mừng rơi nước mắt. Quá trình bình thường hóa được chuẩn bị từ lâu nhưng được mong mỏi nhất, ước vọng nhất chính là thời điểm bỏ cấm vận. Đó là lúc cả dân tộc mong muốn, cả đất nước mong muốn.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ Lê Văn Bàng
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ Lê Văn Bàng

Trong thời gian 9 năm tại Mỹ với các vai trò từ trưởng văn phòng liên lạc, Đại biện lâm thời tới Đại sứ, ông đã đi tới gần 40 bang, có bang ông đến cả mấy chục lần như California hay New York, để nói với người Mỹ rằng: Việt Nam không phải là chiến tranh, Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, ông Lê Văn Bàng kể lại với phóng viên Dân trí.

Năm  1996, khi Việt Nam chưa có Internet, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã mạnh dạn quyết định tự làm website vì các cơ quan của Mỹ đều đã có hết và họ cứ hỏi sao sứ quán không có để họ vào tra cứu thông tin về nước ta.

"Khi đó, chưa có cơ quan, ban ngành nào trong nước có trang web. Đến năm 1997, Việt Nam mới hòa vào mạng Internet toàn cầu. Tuy nhiên, sứ quán đã chủ động vận động một số nhà tài trợ và người Việt tại Mỹ giúp công để lập trang web. Sau đó, các thông tin về đổi mới của đất nước được cập nhật trên trang", ông Bàng nói.

Trang web đã trở thành kênh thông tin duy nhất quảng bá Việt Nam ra ngoài thế giới vào thời điểm đó. Đã có rất nhiều nhà doanh nghiệp từ châu Phi và châu Mỹ La Tinh tìm kiếm thông tin về Việt Nam tại đây. Họ còn viết thư đến sứ quán để xin phép in tài liệu trên trang. Một trường đào tạo công nghệ thông tin ở Singapore cũng tải thông tin về Việt Nam trên trang để phục vụ cho việc giảng dạy các sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường.

"Sau khi trang này đi vào hoạt động, Nhà nước mình có điện sang sứ quán hỏi ai làm trang web này, ai chịu trách nhiệm. Tôi trả lời, tôi làm tôi chịu trách nhiệm vì điều đó hoàn toàn cần thiết để giới thiệu về Việt Nam ra với bạn bè quốc tế, nhất là khi họ rất muốn biết về chúng ta", cựu Đại sứ Lê Văn Bàng kể lại.

Ngỡ ngàng trước ân tình Chi-lê sau 30 năm xa cách

Đến giờ, ông Nguyễn Đức Hùng, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore và Canada, vẫn rất nhớ tình cảm chân tình mà những người bạn Chi-lê dành cho Việt Nam khi ông tham gia tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm hữu nghị chính thức Chi-lê vào tháng 11/2002.

Việt Nam và Chi-lê lập quan hệ ngoại giao ngày 1/6/1972 dưới thời Tổng thống Xan-va-đo A-giên-đê. Ngay sau đó, chúng ta đã mở Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Phòng Thông tin, sau chuyển thành Đại sứ quán Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Xan-ti-a-gô.

Nguyên Trợ ý Bộ trưởng Ngoại giao, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore và Canada Nguyễn Đức Hùng
Nguyên Trợ ý Bộ trưởng Ngoại giao, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore và Canada Nguyễn Đức Hùng

Tháng 9/1973, sau đảo chính quân sự ta đình chỉ quan hệ và rút Cơ quan đại diện ngoại giao cho đến khi chế độ dân chủ được khôi phục tại Chi-lê, hai nước đã nối lại quan hệ ngoại giao vào đầu những năm 2000. Cuối năm 2003, ta đã mở lại Đại sứ quán tại Xan-ti-a-gô. Như vậy gần 30 năm từ 1973 đến 2002 hầu như không có sự trao đổi đáng kể nào giữa hai nước. Song cũng thật kỳ lạ, mối thiện cảm của nhân dân và lãnh đạo Chi-lê dành cho nhân dân Việt Nam dường như không thay đổi mà có phần thắm thiết hơn trước sau những năm tháng xa cách.

Ông Hùng kể lại, khi máy bay chuyên cơ chở Thủ tướng Phan Văn Khải hạ cánh ở sân bay Xan-ti-a-gô, đoàn Việt Nam đã gặp lại những bạn bè cũ và cả những người mới. "Những người bạn Chi-lê ôm lấy Thủ tướng và chúng tôi, nói nghẹn ngào: “Chúa ơi, sao lâu quá các bạn mới trở lại với chúng tôi".

Một ấn tượng khác với ông là hình ảnh của Đại uý cảnh vệ Ghi-giéc-mô Ga-ê-tê Gôn-xa-lết với thân hình của một võ sĩ quyền Anh và mái tóc húi cua, có nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận cho Thủ tướng. Khi trao đổi về việc bảo đảm an ninh cho Lãnh đạo ta, như đọc được sự băn khoăn của đồng nghiệp Việt Nam, Đại úy đã nói chắc như đinh đóng cột: “Các anh cứ yên tâm, chúng tôi nhận được chỉ thị trực tiếp của Tổng thống La-gốt bảo đảm an ninh tuyệt đối cho Ngài Thủ tướng Phan Văn Khải. Ngoài các biện pháp và phương tiện nghiệp vụ hiện có, chúng tôi còn bảo vệ Thủ tướng bằng tình cảm của chúng tôi đối với Việt Nam."

"Đại úy dừng lại một giây rồi nói tiếp, giọng trầm xuống nhưng thật rành rọt: “Vạn bất đắc dĩ có gì bất trắc xảy ra, chúng tôi sẵn sàng lấy tính mạng của mình bảo vệ Thủ tướng", nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đức Hùng nhớ lại.

Về sau, ông Hùng có một số dịp quay trở lại Chi-lê công tác, song ấn tượng sâu đậm của lần đầu tiên đó cứ theo ông mãi.

Nữ đại sứ trẻ và chuyện học hát "toát mồ hôi"

Sang thủ đô Colombo, Sri Lanka, chiều ngày 25/8/2014 để bắt đầu nhiệm vụ Đại sứ, bà Phan Kiều Thu có phần hơi lo lắng với cương vị mới của mình, đặc biệt khi bà là nữ Đại sứ trẻ nhất từng được bổ nhiệm, sang nhậm chức ở cơ quan đại diện toàn là nam giới tuổi U60.

Ông Nguyễn Đăng Tuấn, Tham tán Công sứ, nói với bà rằng sắp đến ngày 2/9, Hội đoàn kết Sri Lanka-Việt Nam, Đảng cộng sản, Đảng xã hội chủ nghĩa Sri Lanka, các Bộ trưởng cánh tả sẽ tổ chức mít tinh mừng Quốc Khánh Việt Nam. Vì Đại sứ mới sang nên chắc không kịp tổ chức tiệc nhưng cũng xem thế nào để chuẩn bị phát biểu tại các sự kiện này của phía Sri Lanka, ông Tuấn gợi ý.

Đại sứ Phan Kiều Thu trình Quốc thư lên Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa tại Colombo ngày 9/9/2014
Đại sứ Phan Kiều Thu trình Quốc thư lên Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa tại Colombo ngày 9/9/2014 (Ảnh: Facebook ĐSQ Việt Nam tại Sri Lanka)

Trước khi rời Hà Nội sang Colombo, bà cũng nghĩ rằng mình mới sang "chân ướt chân ráo", cần phải tạo ấn tượng với các lực lượng cánh tả ở đây cũng như người dân sở tại, lấy đó làm cơ sở để thúc đẩy quan hệ hai nước. Bởi vậy, khi còn ở Hà Nội, bà đã tự học một bài hát tiếng Sinhala để biểu diễn sau khi sang Sri Lanka.

Khi sang nhận nhiệm vụ, Đại sứ Thu đã gọi điện cho một người bạn Sri Lanka, trước đây học cùng Thạc sỹ ở Hàn Quốc với bà, để nhờ giới thiệu giúp một người đệm đàn. Tuy nhiên, sáng hôm sau, đến gặp bà tại Đại sứ quán không phải là một người đệm đàn organ bình thường mà là một giáo sư dạy thanh nhạc. Vị giáo sư cười thân mật hỏi Đại sứ có thể hát được bài gì.

Sau khi Đại sứ hát thử 2 câu, ông giáo sư khen bà hát hay nhưng gợi ý nên chọn một bài khác vì đây là một bài hát ru, sẽ không hợp lắm khi biểu diễn trước sự kiện sắp tới. Nữ Đại sứ trẻ tuổi có phần hơi hẫng hụt sau câu nói của vị giáo sư vì phải cố gắng lắm bà mới hát được bài hát này, trong khi đó, với thời gian hạn chế chỉ có vài ngày làm sao bà có tập được một bài hát mới của Sri Lanka.

Ông giáo sư động viên nếu cố gắng, chắc chắn bà sẽ hát được. "Và thế là ngày hôm sau, tôi tập một bài hát mới, sau 3 tiếng hát vo, tôi đã hát được bài này. Ngày hôm sau nữa là đến phần ghép nhạc. Sau 3 tiếng ghép nhạc tôi đã đủ tự tin để biểu diễn tại lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2014", Đại sứ Phan Kiều Thu chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Bài hát đã được hưởng ứng nhiệt liệt và phát sóng nhiều lần trên đài Truyền hình Quốc gia Sri Lanka. Khả năng hát bằng tiếng sở tại đã giúp bà rất nhiều trong công việc, nhất là trong việc tiếp xúc với Chính phủ Sri Lanka và người dân nói chung, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.

Nam Hằng