Nghệ An: Đau đầu bài toán giải cứu nông sản
(Dân trí) - Dự báo tốt thị trường, sản xuất sạch, xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý, đẩy mạnh liên kết “4 nhà”… là những giải pháp được người đứng đầu ngành NN&PTNT Nghệ An đưa ra nhằm giải bài toán “giải cứu nông sản” đang tồn tại suốt thời gian qua.
Dù đã có nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững nhưng trên thực tế nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh Nghệ An vẫn gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra cho nông sản. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Nghệ An có ưu thế về chất lượng nhưng vẫn rơi vào tình trạng “được mùa – mất giá”.
Tại Nghệ An trong thời gian qua, nhiều nông sản được giải cứu bằng cách vận động các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân thu mua cho nông dân với giá cao hơn thị trường như hành tăm, thịt lợn, vịt…
Người nông dân vẫn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ rủi ro, thua lỗ do thị trường thiếu ổn định hay bị ép giá. Chất vấn Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An tại kì họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII chiều 12/7, các đại biểu đều “xoáy” vào trách nhiệm của ngành trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An thừa nhận: Việc tiêu thụ nông sản, kể cả đặc sản khó khăn là vấn đề của toàn quốc chứ không phải riêng Nghệ An. Hiện, ngành nông nghiệp đang nỗ lực tìm giải pháp để giải quyết để người dân không bị thua lỗ, ảnh hưởng đến tâm lý cũng như việc đầu tư tái sản xuất.
Ông Hiếu cũng chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng các sản phẩm nông nghiệp liên tục phải giải cứu là do phát triển quá nóng, phát triển ồ ạt mà không dự báo được thị trường. Thời điểm này, Sở vẫn đang tiếp tục vận động tiêu thụ thịt lợn cho người chăn nuôi. Bên cạnh đề nghị các cơ sở cung cấp thức ăn giảm giá để gỡ khó cho người chăn nuôi, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho biết đang kiến nghị công bố và niêm yết giá để làm mức “trần” trong thu mua nông sản, tránh để tình trạnh ép giá khi được mua.
Theo ông Hiếu nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp, tránh tình trạng được mùa mất giá cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, xây dựng mối liên kết “bốn nhà” nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp. Hiện một số nông sản đặc sản của Nghệ An chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có chỉ dẫn địa lý và chưa hình thành chuỗi trồng - chế biến - tiêu thụ dẫn đến bị ép giá hoặc lâm vào cảnh được mùa – mất giá.
7 tháng đầu năm 2017 tình hình kinh tế biển của Nghệ An được đánh giá là rất “sáng”. Hiện tỉnh này có hơn 4.000 tàu ra khơi, trong đó có 1.362 tàu trên 90CV, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, tăng sản lượng và giá trị kinh tế nhờ chuyển đổi mô hình đánh bắt phù hợp. Nghệ An có 8 tàu vỏ thép theo Nghị định 67 đang hoạt động tốt. Ngành nông nghiệp chưa nhận được phản ánh nào về chất lượng các tàu 67 này.
Không chỉ phải giải cứu các nông sản do người dân nuôi, trồng tự phát không theo quy hoạch mà ngay cả cây chanh leo – một trong những cây thuộc đề án giảm nghèo ở Tri Lễ (Quế Phong), tỉnh Nghệ An cũng phải “can thiệp” để giải cứu cho người trồng. Vào đầu vụ, giá chanh leo xuống mức 4.000 đồng/kg, bằng 1 nửa năm 2016.
Nguyên nhân được đơn vị bao tiêu sản phẩm đưa ra là giá chanh leo thế giới giảm. Tuy nhiên, sau khi tỉnh Nghệ An làm việc với đơn vị này thì giá chanh leo thu mua tăng lên 8.000 đồng, người dân không bị thua lỗ.
“Phải chấp nhận quy luật thị trường, có lên xuống nhưng phải làm sao để biên độ lên xuống không nhiều, không xuống quá thấp để người dân bị thua lỗ”, ông Hiếu cho hay.
Để tránh tình trạng được mua mất giá hay tình trạng ép giá thu mua nông sản, theo ông Hoàng Nghĩa Hiếu giải pháp căn cơ nhất là quy hoạch cụ thể cây, con gắn với thế mạnh địa phương và dự báo tốt thị trường tiêu thụ.
Vùng đất đỏ Phủ Quỳ là nơi mà có tới 10 cây, 7 con chủ lực của ngành nông nghiệp Nghệ An. Sau khi nghiên cứu thị trường tiêu thụ, Sở NN&PTNT Nghệ An đã có bước đi cụ thể cho từng loại cây, con chủ lực. “Giá cà phê giảm, giá cao su chững lại, sắn đã đáp ứng đủ nhu cầu của nhà máy chế biến thì sẽ hạn chế diện tích. Hiện nguyên liệu mía cho các nhà máy đường trong tỉnh đang thiếu hay như cây cam có giá trị kinh tế cao, sẽ được quy hoạch phát triển. Tuy nhiên, không quy hoạch phát triển nóng mà phát triển một cách vững chắc nếu không vài năm tới sẽ phải giải cứu cam, giải cứu mía.
Phát triển gắn với chất lượng, phát triển sản phẩm sạch, tìm thị trường tiêu thụ ổn định, xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý… để nâng cao giá trị nông sản và có đầu ra ổn định”, giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An đưa ra giải pháp.
Hoàng Lam