Nghệ An: Đã chọn được 26 trí thức trẻ là phó chủ tịch xã
(Dân trí) - Thực hiện dự án đưa các trí thức trẻ có trình độ đại học, Sở Nội vụ Nghệ An phối hợp với 3 huyện Quế Phong, Kỳ Sơn và Tương Dương đã tuyển chọn được 26 người làm phó chủ tịch UBND các xã với thời gian công tác tối thiểu là 5 năm.
Hội đồng tuyển chọn dự án thí điểm tăng cường tri thức trẻ có trình độ đại học về làm phó chủ tịch UBND xã các huyện nghèo tỉnh Nghệ An vừa công bố điểm, danh sách 26 ứng cử viên trúng tuyển qua vòng phỏng vấn.
Theo đó, huyện Kỳ Sơn có 8 người tăng cường về 8 xã; huyện Tương Dương có 13 người tăng cường về 13 xã; huyện Quế Phong có 5 người tăng cường về 5 xã.
Theo đó, huyện Kỳ Sơn có 8 người tăng cường về 8 xã; huyện Tương Dương có 13 người tăng cường về 13 xã; huyện Quế Phong có 5 người tăng cường về 5 xã.
Vùng đất nghèo Huồi Tụ (huyện biên giới Kỳ Sơn) chủ yếu là dân tộc Mông nay đã có chức phó chủ tịch.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, người có số điểm cao nhất của vòng phỏng vấn là anh Hà Minh Tuấn (SN 1982, trú tại xã Châu Kim) đạt 94.4/100 điểm. Được biết, anh Tuấn tốt nghiệp đại học chính quy ngành nông học, là đảng viên, cán bộ thuộc diện thu hút theo Quyết định 26 của UBND tỉnh.
Bắt đầu từ ngày 22/11/2011, các tri thức trẻ được tuyển chọn sẽ tham gia lớp tập huấn 3 tháng dành cho những người trúng tuyển thuộc khu vực Bắc Trung bộ tại Quảng Bình trước khi về đảm nhận công tác tại cơ sở.
Một trong những huyện khó khăn, xa xôi nhất của tỉnh Nghệ An là huyện biên giới Kỳ Sơn thời gian qua đã có 48 sinh viên về công tác và làm rất tốt cương vị đảm nhiệm. Đội ngũ này đã phát huy được khả năng và kiến thức chuyên môn của mình trong hướng dẫn người dân xóa đói giảm nghèo, tăng gia sản xuất. Tuy nhiên, vùng đất Kỳ Sơn có đặc thù đó là trong 8 xã được tuyển chọn phó chủ tịch xã theo dự án thì có 3 xã là đồng bào Mông, 2 xã là đồng bào Khơ Mú, 3 xã vừa có đồng bào Thái vừa có đồng bào Khơ Mú.
Bên cạnh tuyển chọn được những sinh viên có trình độ chuyên môn, khả năng giao tiếp thì còn phải quan tâm đến việc tuyển chọn đúng người dân tộc đó để khi về xã các tri thức trẻ này hiểu được tiếng nói, phong tục, tập quán, quan niệm... để từ đó phát huy trình độ chuyên môn và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Việc đưa trí thức trẻ về các xã khó khăn không những tăng cường nguồn lực giúp cấp ủy, chính quyền xã thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Đồng thời tham gia lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số...
Nguyễn Duy