Nêu đích danh sai phạm về đất đai trong quá trình cổ phần hóa
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp - yêu cầu đích danh, xử lý các hiện tượng sai phạm về đất đai trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp diễn ra ngày 25/6, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng các cơ chế, chính sách ban hành đối với công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước 6 tháng đầu năm 2015 đang phát huy tác dụng, đi đúng hướng, bảo toàn và phát huy giá trị đồng vốn của Nhà nước.
“Tuy nhiên, nhìn chung cổ phần hóa vẫn bị chậm khi mới đạt 21,1% kế hoạch”- Phó Thủ tướng nói và nêu rõ việc chậm trễ là do khi bổ sung cơ chế thì liên quan tới quy trình xây dựng văn bản. Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp nhà nước cần cổ phần hóa trong 6 tháng tới còn nhiều, 228 doanh nghiệp.
“Nếu không quyết liệt, tháo gỡ khó khăn cụ thể thì có khả năng không hoàn thành nhiệm vụ”- Phó Thủ tướng cảnh báo.
Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân của tình trạng này, về khách quan là thực tiễn ở mỗi doanh nghiệp nhà nước rất phong phú, cần phải xử lý rất cụ thể; nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là trách nhiệm của người đứng đầu khi chưa thực sự quan tâm, “xắn tay” vào tháo gỡ khó khăn.
“Trong cái khó chung, nhiều nơi vẫn làm tốt nhưng có nơi làm chưa tốt, chưa nghiêm. Tôi chưa nghe bộ nào kỷ luật, xử lý ai không thực hiện nhiệm vụ trên giao về cổ phần hóa. Sắp tới phải báo cáo việc này vì thực tiễn là có” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Đốc thúc các bộ phải kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh rằng “nếu không làm được thì day dứt lắm”. Các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp nhà nước phải định kỳ hàng tháng báo cáo tiến độ thực hiện về Ban Chỉ đạo, trong đó nêu cụ thể tình hình, nguyên nhân của việc làm tốt, chưa tốt và chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai.
Đa số lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước đều khẳng định từ nay tới cuối năm 2015 sẽ hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành để tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước cũng nêu những khó khăn trong quá trình thực hiện liên quan tới việc xử lý lao động dôi dư sau khi sắp xếp, tái cơ cấu; việc thực hiện nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất khi thoái vốn tại công ty liên doanh cũng như trách nhiệm của việc thoái vốn dưới mệnh giá...
Thế Kha