Quảng Bình:
Mừng Tết Độc lập trên quê hương Đại tướng
(Dân trí) - Hòa chung không khí vui tươi mừng ngày Quốc khánh 2/9 trên khắp cả nước, ngày Tết độc lập ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) mang một đặc trưng riêng của vùng quê sông nước, thể hiện truyền thống văn hóa có từ lâu đời.
Những ngày này, có mặt ở Lệ Thủy, chúng ta sẽ cảm nhận được không khí nhộn nhịp, náo nức của người dân địa phương đón mừng ngày Tết Độc lập. Khắp các tuyến đường, ngõ phố, đâu cũng thấy cờ hoa, biểu ngữ, băng rôn đỏ rực Chào mừng kỷ niệm 68 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 – 2/9/2013). Bên cạnh đó, các hoạt động vui chơi, múa hát, chuẩn bị cho Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang… mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương, và càng tôn thêm vẻ trang trọng của ngày lễ truyền thống.
Có thể nói rằng, ngày Tết Độc lập đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân sinh ra trên vùng quê sông nước Lệ Thủy; vùng đất anh hùng với bề dày truyền thống lâu đời. Nơi đây đã sinh ra và nuôi dưỡng những con người kiệt xuất. Trong số đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng Tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, người được nhân dân cả nước và bạn bè thế giới vô cùng ngưỡng mộ.
Người dân Lệ Thủy dù đi làm ăn xa cũng nhớ về ngày Tết Độc lập trên quê hương mình. Đây là dịp để gia đình đoàn tụ, dâng lên bàn thờ ông bà, tổ tiên những sản vật do mình làm được, báo cáo về công việc của mình ở phương xa. Đây cũng là cơ hội để mọi người giao lưu, gặp gỡ bạn bè, chơi những trò chơi dân gian truyền thống.
Đặc biệt hơn, người ta về Lệ Thủy để xem Lễ hội đua thuyền, xem các thanh niên trai tráng, chị em phụ nữ đua tài bơi lội. Hầu khắp các xã như: Sen Thủy, Tân Thủy, Dương Thủy, Mỹ Thủy, An Thủy…đâu cũng diễn ra hội đua thuyền. Đó không chỉ là nét văn hóa đặc trưng của vùng quê sông nước mà còn mang tính chất cầu cho một vụ mùa tốt tươi, nhân dân no ấm.
Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay, Lễ hội đua thuyền còn được gắn liền với ý nghĩa mừng ngày Tết Độc lập và được tổ chức thường niên vào dịp Quốc khánh 2/9. Đây là lễ hội văn hóa lớn nhất ở Lệ Thủy và được công nhận là lễ hội văn hoá cấp tỉnh. Không chỉ có người dân Lệ Thủy, mà du khách các nơi cũng nô nức về đây để xem các đội tranh tài.
Ngay từ những ngày đầu tháng 8, người dân các địa phương trong huyện đã bắt đầu chỉnh trang lại thuyền để sẵn sàng cho Lễ hội bơi. Vào ngày 1/9, những đội bơi bắt đầu làm lễ cầu mong cho thuyền của mình được về nhất. Rồi trong đêm hôm đó họ quây quần bên nhau cho đến rạng sáng hôm sau để bàn về chiến thuật, đánh giá thuyền của đội bơi khác, làm lễ hạ thuyền,... ai cũng háo hức giành phần thắng về cho địa phương mình.