“Loạn” liên ngành nên hội họp nhiều, thiếu lãnh đạo đi họp
(Dân trí) - Đây là một nhận định khái quát được đoàn giám sát của Quốc hội đưa ra trong dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016…
Việc giám sát được tiến hành đối với giai đoạn 2011 – 2016, là giai đoạn có sự chuyển tiếp giữa 3 nhiệm kỳ Chính phủ (2007 - 2011, 2011 - 2016 và 2016 - 2021.
Theo đó, báo cáo nhấn mạnh những kết quả nổi bật đã đạt được trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Trước hết, theo đánh giá của Đoàn giám sát, qua các thời kỳ, bộ máy đã phân định rõ thẩm quyền của từng cơ quan, khắc phục những vấn đề còn chồng chéo, giao thoa hoặc bỏ trống.
Cơ cấu tổ chức của Chính phủ tiếp tục được giữ ổn định, không tăng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được sắp xếp, kiện toàn theo nghị định của Chính phủ trong từng giai đoạn.
UBND các cấp và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện được sắp xếp, kiện toàn, bước đầu đã tính đến đặc điểm của đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị, hải đảo.
Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, ngành, địa phương đã từng bước được sắp xếp giảm dần đầu mối và bước đầu triển khai thực hiện có kết quả cơ chế tự chủ trên một số lĩnh vực.
Tuy nhiên, việc sắp xếp bộ máy cũng vẫn bộc lộ những bất cập, hạn chế.
Dù Chính phủ được tổ chức theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực nhưng vẫn chậm đổi mới, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn nữa. Việc xác định phạm vi ngành, lĩnh vực phụ trách của Bộ còn có điểm chưa hợp lý, nhiều lĩnh vực còn giao thoa, có ý kiến khác nhau; còn nhiều trường hợp một lĩnh vực được giao cho từ 2 đến 3 Bộ phụ trách.
“Chính cơ chế “chủ trì, phối hợp” đã dẫn đến hình thành nhiều tổ chức phối hợp liên ngành và tình trạng chưa rõ trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các cơ quan, hội họp nhiều, thiếu lãnh đạo đi họp...” – dự thảo báo cáo giám sát nêu rõ.
Số Bộ giữ nguyên nhưng số Cục, vụ lại tăng cồng kềnh
Tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ, theo cơ quan giám sát, còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, số đầu mối đơn vị hành chính tăng lên.
Cụ thể, báo cáo giám sát chỉ ra, cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn phổ biến theo mô hình truyền thống gồm tổng cục, cục, vụ, văn phòng, thanh tra, đơn vị sự nghiệp công lập. Số đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng trong Bộ là rất lớn, gồm 198 đơn vị/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ (bao gồm tổng cục, cục và văn phòng).
Xu hướng nâng cấp vụ lên cục diễn ra nhanh ở nhiều Bộ; vẫn duy trì nhiều phòng trong các vụ chuyên môn thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Từ đó, cơ cấu tổ chức nhân sự còn mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý và số công chức tham mưu. Một số đơn vị là tổ chức hành chính, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nhưng lại áp dụng cơ chế tài chính như đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi phí hoạt động,...
Đoàn giám sát cũng nhận xét bộ máy chưa phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và lựa chọn mô hình tổ chức hợp lý đối với cơ quan thuộc Chính phủ. Các cơ quan thuộc Chính phủ đều là đơn vị sự nghiệp công lập, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng vẫn có cơ quan được Luật giao nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam).
Một số cơ quan do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập, nhưng chưa được xác định rõ ràng về địa vị pháp lý, như Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia TPHCM…
Tương tự, tại địa phương, số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh tăng, cơ cấu tổ chức bên trong còn nhiều đầu mối, trung bình một cơ quan có 8,1 phòng và tương đương trực thuộc…
Việc sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập để thu gọn đầu mối còn chậm. Tổng số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ máy hành chính nhà nước tăng lên và chưa có xu hướng giảm. Việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới đơn vị sự nghiệp theo ngành, lĩnh vực hầu như chưa được các Bộ, ngành, địa phương thực hiện. Sau cùng, tuy đã thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp trên một số lĩnh vực như khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo nhưng kết quả còn khiêm tốn,...
Về việc quản lý và tinh giản biên chế cũng bộc lộ hạn chế khi biên chế công chức được quản lý chặt chẽ, tiết giảm nhưng số lượng biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, địa phương lại tăng nhanh.
Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất, không theo đúng quy định và chưa đạt mục tiêu đề ra. Tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế trong 02 năm thực hiện Nghị quyết 39 (2015 và 2016) là 17.694 người, trong đó các cơ quan của Đảng, đoàn thể là 731 người; các cơ quan hành chính là 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế (đạt 0,83%); các đơn vị sự nghiệp công lập là 11.206 người/tổng số 2.093.313 biên chế (đạt 0,54%).
P.Thảo