“Lấy phiếu tín nhiệm: Tổ chức lobby cũng không ý nghĩa gì”
(Dân trí) - “Đánh giá tín nhiệm, quan trọng nhất là đại biểu Quốc hội lấy sự phục vụ nhân dân, hiệu quả hoạt động của lãnh đạo để đong đếm. Còn việc người được lấy phiếu tổ chức lobby (vận động hành lang) thì không mang ý nghĩa gì cả và cũng không nên làm thế” – uỷ viên Thường trực UB Kinh tế Đỗ Văn Sinh trao đổi sáng 22/10.
- Thưa ông, kỳ họp này Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm một lần duy nhất với nhiều chức danh chủ chốt của bộ máy nhà nước. Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị các đại biểu Quốc hội dành thời gian cho các nội dung của kỳ họp chứ không tập trung giao lưu tiệc tùng để đảm bảo chất lượng kỳ họp. Ông nghĩa gì về lưu ý này của Chủ tịch Quốc hội?
- Tôi cho rằng khi đánh giá tín nhiệm thì quan trọng nhất là đại biểu Quốc hội phải lấy thước đo phục vụ nhân dân, qua hiệu quả hoạt động của những vị được lấy phiếu mang lại tiến bộ gì so với giai đoạn trước, hoặc còn những hạn chế gì chưa giải quyết được gì. Đó là cơ sở quan trọng để “đong đếm”.
Còn việc tổ chức lobby (vận động hành lang bằng việc mời mọc giao lưu, liên hoan tiệc tùng) thì không mang ý nghĩa gì cả và theo tôi các cơ quan cũng không nên làm thế vì cử tri, nhân dân sẽ nhìn vào, đặt câu hỏi tại sao ông này được phiếu cao, phải chăng là do ông chịu khó đi mời mọc, lobby nhiều. Nhưng không phải, cái đại biểu đánh giá là trên cơ sở kết quả hoạt động của ông.
Lời nhắc của Chủ tịch Quốc hội, đương nhiên tôi rất tán thành.
- Nhưng dù không gặp gỡ trực tiếp thì vẫn có thể tác động đến kết quả lá phiếu bằng các hình thức khác?
- Hiện tại cá nhân tôi chưa nhìn thấy hiện tượng nào như thế.
- Trước khi Quốc hội khai mạc kỳ họp này thì cũng có một số vị đã từng được lấy phiếu ở nhiệm kỳ trước bày tỏ với báo chí là kết quả của họ không thực sự chính xác, một phần do thông tin đến với đại biểu chưa đầy đủ. Vậy lần này đại biểu được cung cấp thông tin thế nào, thưa ông?
- Rút kinh nghiệm của các lần trước, kỳ này, các cơ quan của Quốc hội đã rất thận trọng. Cách đây khoảng 2 tuần đã gửi đến toàn bộ các đại biểu Quốc hội báo cáo về hoạt động của các chức danh sẽ được lấy phiếu kỳ này.
Tuy nhiên đó cũng chỉ là một kênh thông tin thôi. Còn yếu tố khác rất quan trọng là đánh giá của các đại biểu Quốc hội trong quá trình giám sát, quá trình tổ chức thực hiện của các vị sẽ được Quốc hội đánh giá tín nhiệm kỳ này trong hơn 2 năm vừa qua.
- Diện chức danh được lấy phiếu rất rộng - 48 người nhưng đại biểu Quốc hội thì không phải ai cũng được tiếp xúc, nắm sâu thông tin về tất cả những người được lấy phiếu. Vậy để công tâm thì cần có nguyên tắc gì để cân đo mức độ tín nhiệm?
- Tôi cho rằng đánh giá tín nhiệm là trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và trách nhiệm này là ngang nhau với mỗi đại biểu, thể hiện bằng 1 lá phiếu. Vậy thì cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Anh phải nâng cao hơn nữa nhận thức, nắm bắt được toàn bộ hoạt động trong mọi lĩnh vực của đất nước, trong đó có lĩnh vực của các vị được lấy phiếu tín nhiệm.
- Trong thông tin đến với đại biểu, có một nội dung rất quan trọng là từ báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri. Ông đánh giá nguồn thông tin này thế nào?
- Tất cả các kỳ họp Quốc hội thì toàn bộ ý kiến của cử tri đều được tập hợp chi tiết và gửi tới mọi đại biểu Quốc hội, trong đó liên quan đến mọi lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế và của xã hội, lĩnh vực hoạt động của các vị sẽ được lấy phiếu tín nhiệm. Vậy thông qua ý kiến của cử tri và việc trả lời, giải quyết của các vị đó thì đại biểu Quốc hội sẽ có đủ cơ sở để đánh giá.
Tôi cho rằng thông tin từ kiến nghị của cử tri là 1 trong những kênh rất quan trọng vì những hoạt động của các vị đó sẽ được phản ánh trên thực tế cuộc sống của nhân dân cả nước. Giải quyết được những bức xúc của cử tri một cách nhanh chóng thì đó là công cụ để đánh giá tín nhiệm.
- 6 kỳ họp Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay luôn ghi nhận những bức xúc giống nhau của cử tri liên quan đến hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu thụ nông sản, giáo dục, y tế… nhưng quy trách nhiệm cá nhân từ đó thì không dễ?
- Để giải quyết một vấn đề trong xã hội không đơn thuần chỉ là trách nhiệm của các vị được lấy phiếu tín nhiệm mà đó là trách nhiệm của cả hệ thống, cả xã hội. Đánh giá năng lực của một cán bộ lãnh đạo phải thông qua việc người đó giải quyết được việc đó như thế nào, tiến bộ đạt được trong lĩnh vực quản lý của mình thế nào.
Ví dụ như chống tham nhũng, toàn đảng toàn dân phải vào cuộc nhưng sao nó vẫn diễn ra, vì đó là một vấn nạn mà ta phải tiếp tục nhưng quan trọng là việc đó có được đẩy lùi hay không. Hoặc vấn đề khác, như nông nghiệp cũng vậy, phải xem lĩnh vực đó có tiến bộ hay không, có mang lại kết quả tích cực cho nhân dân hay không.
Như vậy đánh giá tín nhiệm là xem xét xu thế để giải quyết chứ tồn tại của xã hội là luôn luôn có và sẽ có cách giải quyết được.
- Với nhóm các chức danh lãnh đạo thuộc Chính phủ, có ý kiến cho rằng Bộ trưởng là phải tập trung xây dựng thể chế chứ không phải chạy theo giải quyết sự vụ, nhưng cũng có người nói trong điều kiện hiện nay thì bộ trưởng vẫn phải xông pha. Vậy với ông, ông sẽ ưu tiên đánh giá phẩm chất nào với những người được lấy phiếu?
- Theo tôi thì cần nhìn vào kết quả cuối cùng của lĩnh vực mà Bộ trưởng phụ trách xem nó có tiến bộ không hay thụt lùi so với trước. Kết quả cuối cùng nó thể hiện một cách tổng quát, từ xây dựng thể chế tới tổ chức điều hành, tổ chức điều hành có thể là trên tầm vĩ mô, cũng có những việc rất cụ thể, ở tầm vi mô. Nhưng chốt lại, kết quả cuối cùng sẽ là thước đo hiệu quả hoạt động của vị Bộ trưởng đó.
P.Thảo