Lãnh đạo Việt Nam và Myanmar ra tuyên bố chung
TTXVN xin trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa liên bang Myanmar nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới nước Cộng hòa liên bang Myanmar của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ ngày 29/11 đến ngày 1/12/2012.
1. Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa liên bang Myanmar U Thein Sein và Phu nhân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa liên bang Myanmar từ ngày 29 tháng 11 đến ngày 1 tháng 12 năm 2012.
2. Trong thời gian ở thăm Myanmar, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm với Tổng thống Thein Sein; tiếp Chủ tịch Hạ viện Thura Swe Mann và Chủ tịch Thượng viện Khin Aung Myint; dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Myanmar và thăm một số cơ sở kinh tế văn hóa ở cố đô Yangon. Hội đàm song phương giữa Tổng thống Myanmar Thein Sein và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang diễn ra sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Tổng thống ngày 29/11/2012 tại thủ đô Nay Pi Taw.
Tổng thống Myanmar Thein Sein và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại lễ ký các văn kiện giữa hai nước. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN) |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh những nỗ lực trong cải cách chính trị, kinh tế và xã hội ở Myanmar và chúc mừng những kết quả tích cực của Myanmar trong tiến trình cải cách; bày tỏ tin tưởng Myanmar sẽ phát triển ổn định và phồn vinh, có vai trò và vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
4. Hai nhà lãnh đạo đánh giá quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong 12 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, cây công nghiệp, thủy sản, tài chính-ngân hàng, hàng không, viễn thông, dầu khí, khai khoáng, sản xuất thiết bị điện, chế tạo và lắp ráp ôtô, xây dựng và hợp tác thương mại- đầu tư đã được Lãnh đạo hai nước nhất trí. Hai nhà lãnh đạo khẳng định cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN năm 2015 và vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương.
5. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao kết quả các chuyến thăm cấp cao gần đây, trong đó có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Thein Sein tháng 3/2012; khẳng định sẽ tiếp tục duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc ở các cấp và các kênh khác nhau cũng như các cơ chế hợp tác song phương hiện có.
6. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác an ninh-quốc phòng trên cơ sở Thỏa thuận về Hợp tác quốc phòng ký năm 2011 và Hiệp định Phòng chống tội phạm ký năm 2004; xúc tiến thiết lập cơ chế đối thoại an ninh cấp Thứ trưởng giữa hai nước.
7. Hai nhà lãnh đạo ghi nhận những kết quả thực chất về hợp tác thương mại và đầu tư; cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 500 triệu USD vào năm 2015; tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tìm hiểu môi trường đầu tư tại mỗi nước nhằm tăng cường hơn nữa dòng đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar và ngược lại. Hai nhà lãnh đạo kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam sớm triển khai các dự án đã được cấp phép, đồng thời đẩy nhanh việc cấp phép cho các dự án khác. Hai nhà lãnh đạo cho rằng việc ký Thỏa thuận Hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar là một bước tiến ý nghĩa nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế giữa hai bên.
8. Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ hài lòng trước những phát triển mới trong các lĩnh vực tiềm năng như nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, nuôi trồng và chế biến hải sản, y tế, viễn thông, du lịch…; hoan nghênh việc ký kết Bản Ghi nhớ về Trao đổi Thông tin Giám sát Ngân hàng giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Myanmar và Bản Ghi nhớ về Hợp tác dầu khí giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Bộ Năng lượng Myanmar; đồng thời nhất trí thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác khác nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể.
9. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao sự hợp tác tích cực giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong ASEAN, cũng như tại các cơ chế hợp tác tiểu vùng như CLMV, ACMECS, GMS, EWEC; khẳng định cùng phối hợp với các nước thành viên ASEAN khác hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng phối hợp với Myanmar trong cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2014.
10. Hai nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của cơ chế Ủy hội sông Mekong Quốc tế và việc hợp tác giữa các nước ven sông về quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, vì lợi ích của mỗi nước và cả khu vực.
11. Hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và tin cậy lẫn nhau tại Biển Đông; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); ủng hộ Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông, trong đó có việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 10 năm ký DOC.