Quảng Ngãi:
Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng quê hương Hải đội Hoàng Sa
(Dân trí) - Sáng ngày 31/3, Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN huyện Lý Sơn long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng huyện Lý Sơn (31/3/1975 – 31/3/2015).
Tại buổi lễ, thay mặt nhân dân đảo Lý Sơn, ông Nguyễn Thanh – Bí thư Huyện ủy xúc động ôn lại giai thoại lịch sử từ những năm giải phóng đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho đến nay.
Quân đội Mỹ liên tiếp thất bại nặng nề trên chiến trường Miền Nam Việt Nam, Campuchia và Nam Lào trong năm 1971; nhất là thất bại trong cuộc tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội và Hải Phòng cuối năm 1972. Vào ngày 27/01/1973, chính quyền Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam; cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ngày 28/01/1973, Hiệp định Pari có hiệu lực.
Thời gian đó ở Lý Sơn, ngụy quyền tay sai trở nên điên cuồng, chúng tiến hành tăng cường ngụy quyền lên 53 tên, ngụy quân lên 190 tên và trang bị thêm các loại vũ khí mới để phòng thủ đảo Lý Sơn cả ngày lẫn đêm. Đồng thời, quân địch dùng tiền bạc, vật chất để mua chuộc bọn lưu manh, phản động làm tay sai chỉ điểm nòng cốt đánh phá phong trào cách mạng ở Lý Sơn.
Tháng 3/1973, chúng thành lập cơ sở Đảng dân chủ trên Đảo, dẹp bỏ các tổ chức Đảng phái khác để tập trung lực lượng đánh phá ta. Ngày 15/3/1973, bọn cảnh sát ở Bình Sơn đưa lính ra lùng sục, càn quét cán bộ Đảng viên của ta trên Đảo. Trong cuộc hành quân này chúng đã bắn chết đồng chí Nguyễn Ngạch - Phó Bí thư Chi bộ và bắt một số Đảng viên khác vào đất liền tra tấn rồi giam giữ ở Đà Nẵng.
Tháng 11/1974, địch tổ chức càn quét, lùng bắt thanh niên đi lính. Chúng nổ súng bắn chết một thanh niên vô tội tại Bình Vĩnh, gây nên sự đau thương, căm thù trong lòng đồng bào. Ta tổ chức phát động khơi dậy lòng căm thù, kêu gọi bà con khiêng xác chết đến cơ quan ngụy quyền đấu tranh quyết liệt. Ngụy quyền Bình Vĩnh phải nhận tội và đền bù tiền bạc, trừng phạt bọn lính làm càn. Cũng trong đợt đấu tranh này, ta đã dùng sức mạnh của quần chúng phá trại giam của ngụy quyền Bình Vĩnh, giải thoát cho 36 thanh niên bị chúng bắt đi lính.
Ngày 15/02/1975, chúng đưa từ đất liền ra đảo một lực lượng biệt phái bình định để đàn áp cơ sở cách mạng của ta. Nhờ sự cảnh giác từ cơ sở, ta chủ động vạch ra kế hoạch đối phó và đánh trả địch. Được sự đồng ý của cơ sở Đảng, du kích mật xã Bình Yến đã ném lựu đạn giết chết một tên Đại úy tình báo CIA, hai tên Trung úy của Chi khu quân sự Bình Sơn và một số tên bị thương. Có thể nói thời kỳ này xuất hiện rõ hoạt động vũ trang dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở Lý Sơn.
Sau trận đánh thần tốc ở chiến trường các tỉnh Tây Nguyên, ven biển Miền Trung, bộ máy ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn tan rã. Số tàn quân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng... chạy ra Lý Sơn, lúc này một hòn đảo nhỏ đã có hơn 12.000 quân ngụy, gây ra cảnh hỗn loạn, cướp bóc, đàn áp nhân dân.
Ngày 23/3/1975, thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy Quảng Ngãi “Đẩy mạnh tổng công kích và khởi nghĩa toàn tỉnh”. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Đông Sơn, Ban cán sự Lý Sơn thành lập Ban khởi nghĩa giải phóng đảo, do đồng chí Trần Đa làm Trưởng ban.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào Lý Sơn cất giấu lương thực, cô lập bọn lính tàn quân và tuyên truyền giáo dục chúng bỏ súng quay về với cách mạng. Vào ngày 30/3/1975, Ban khởi nghĩa Lý Sơn và hai Chi bộ Đảng đã họp phân công các đội du kích vũ trang, các tổ tuyên truyền về trụ bám ở các chốt, các địa điểm của mỗi xã chờ lệnh ra quân. Ngoài số anh em du kích, ta lập 07 tổ an ninh mật nằm khắp đảo.
Đúng 4 giờ sáng ngày 31/3/1975, Ban khởi nghĩa phát lệnh cho các xã, các tổ tuyên truyền, cổ động đi khắp đảo vận động toàn dân nổi dậy giành chính quyền và được đồng bào nhiệt liệt hưởng ứng. Đến 7 giờ 15 phút cùng ngày, 4 quả mìn của ta bố trí trên các đỉnh núi nổ vang uy hiếp tàu thuyền của địch bao vây trên Đảo. Cờ giải phóng phất phới bay trên 05 đỉnh núi và các ngã đường, truyền đơn, áp phích cách mạng được rải và dán khắp nơi. Toàn dân xuống đường hô vang khẩu hiệu chống Mỹ - Ngụy, ủng hộ cách mạng và xông vào chiếm lĩnh các cơ quan, đồn bót của ngụy quân, ngụy quyền, tịch thu tài liệu, vũ khí, tàn quân hốt hoảng kéo nhau tháo chạy ra khỏi đảo và Lý Sơn được hoàn toàn giải phóng.Bốn mươi năm sau ngày giải phóng, nhân dân Lý Sơn trải qua vô vàn khó khăn sau cuộc chiến chống đói nghèo lạc hậu. Chuyện cơm ăn, áo mặc, học hành, đi lại của nhân dân cũng là cuộc chiến không kém phần cam go, thử thách. Kế thừa truyền thống đoàn kết, sáng tạo, khí phách anh hùng trong kháng chiến, Đảng, chính quyền, quân và dân Lý Sơn đã nỗ lực vượt qua tất cả, vững bước đi lên. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, ngày 21/9/1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định số 337/HĐBT về việc thành lập huyện Lý Sơn, thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Vào ngày 01/01/1993, huyện Lý Sơn chính thức được công bố thành lập.
Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của huyện Lý Sơn đạt 16% - 17,1%. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu năm 2014 đạt trên 765.091 triệu đồng, tăng hơn gấp 9 lần so với năm 1995. Thu nhập bình quân đầu người năm 1995 là 2,7 triệu đồng/người/năm đến năm 2014 tăng 18,7 triệu đồng/ người/năm, tăng gấp 6,9 lần so với năm 1995.Đánh bắt thủy hải sản cũng là nghành nghề mũi nhọn ở Lý Sơn, hầu hết các tàu thuyền đều hành nghề ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.
Sản xuất hành, tỏi là hàng nông sản tiêu biểu của người dân Lý Sơn.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngư nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cụ thể như sản lượng khai thác năm 2014 đạt 39.520 tấn, trị giá 276.640 triệu đồng (tăng 35.535 tấn so với năm 1995), sản lượng khai thác chiếm gần 1/3 tổng sản lượng toàn tỉnh; thương mại dịch vụ - du lịch năm 2014 đạt 401.548 triệu đồng (tăng gấp 17,6 lần so với năm 1995); nông nghiệp năm 2014 đạt 27.967 triệu đồng (tăng gấp 2,4 lần so với năm 1995); công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2014 đạt 58.927 triệu đồng (tăng gấp 89 lần so với năm 1995). Ngư nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với tổng số tàu thuyền hiện nay lên đến 409 chiếc (tổng công suất 55.072CV).
Bên cạnh sự phát triển kinh tế, huyện đảo Lý Sơn còn sở hữu những cảnh đẹp thiên nhiên đẹp như chùa Hang, chùa Đục, núi Thới Lới, đảo Bé, hang Câu,… Về đời sống tâm linh, vào tháng 3 âm lịch hàng năm, 13 họ tộc cùng hơn 22.000 người dân Lý Sơn tổ chức Lễ khao lề thế linh Hoàng Sa. Đây là phong tục có từ hàng trăm năm về trước, được nhân dân Lý Sơn lưu giữ nét truyền thống để ghi ơn cha ông tham gia Đội hùng binh Hoàng Sa bảo vệ bờ cõi ở biển Đông.