"Khu vực Đông Nam Á năm 2015: Hợp tác vì sự phát triển bình đẳng"

(Dân trí) - Diễn đàn Kinh doanh có Trách nhiệm đối với Lương thực và Nông nghiệp lần thứ 2 tại Hà Nội vừa khai mạc sáng23/6, với sự tham gia của 350 nhà lãnh đạo từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, các thể chế tài chính, các doanh nghiệp quốc tế, các hiệp hội nông nghiệp.

Diễn đàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Sáng kiến Toàn cầu (Global Initiatives), Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Diễn đàn (Ảnh: N.A)
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Diễn đàn (Ảnh: N.A)

Với chủ đề "Khu vực Đông Nam Á năm 2015: Hợp tác vì Sự Phát triển Bình đẳng", các bên tham gia cùng nỗ lực tìm kiếm và hình thành một tương lai bền vững hơn cho lương thực và nông nghiệp trong khối ASEAN.

Những người tham dự diễn đàn đa đưa ra những khuyến nghị trong việc gia tăng chuỗi cung cấp các sản phẩm được sản xuất bền vững như trà, gạo, cà phê, thủy sản, bơ sữa và ngô. Các chuyên gia trong các lĩnh vực hàng hóa cũng tham gia các cuộc thảo luận về những chuyển đổi cần thiết trong hệ thống canh tác của thế giới nhằm tạo ra cơ hội bình đẳng cho những người nông dân sản xuất theo quy mô nhỏ.

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Diễn đàn nhằm thúc đẩy sản xuất thương mại bền vững theo hướng nâng cao đời sống của người dân nông thôn và hạn chế tác động môi trường.

“Ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như chất lượng sản phẩm không đồng đều, hàm lượng chế biến và giá trị gia tăng còn thấp, hạn chế về chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh hàng nông-lâm-thủy sản trên thị trường thế giới… Thách thức lớn đặt ra cho Việt Nam và các nước ASEAN là đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới về các mặt hàng sản xuất theo hướng bền vững. Để giải quyết vấn đề này các quốc gia cần đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác và đầu tư trong nông nghiệp, đối tác công tư (PPP) hướng tới phát triển bền vững,” Thứ trưởng Doanh nói.

Ông Tony Gourlay, Giám đốc Điều hành của tổ chức Global Initiatives, nhà tổ chức sự kiện cho biết: "Diễn đàn năm nay diễn ra vào một thời điểm rất quan trọng nhằm kêu gọi hành động toàn cầu về biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm nước, và tại một khu vực có sức ảnh hưởng đáng kể đến an ninh lương thực thế giới."

Diễn đàn được mong đợi sẽ gây ra sức ảnh hưởng lớn trong khu vực Đông Nam Á và trên phạm vi toàn cầu. Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận nhằm tìm ra các cách thức tiếp cận sáng tạo và hợp tác giúp nâng cao năng suất nông nghiệp tại khu vực có đến 40% dân số mà sinh kế phụ thuộc vào nông nghiệp.

“Tôi tin rằng đổi mới và sáng tạo có thể giúp nông dân Đông Nam Á, chuỗi nông nghiệp và thực phẩm cải thiện cuộc sống và sản xuất nhiều hơn ít nhất 15% so với sản lượng hiện tại, đồng thời bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên tốt hơn và giúp các quốc gia tự chủ nguồn nguyên liệu nội địa cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Tại Việt Nam, năm 2013 - 2014, chương trình hợp tác chuyển đổi đất trồng lúa sang canh tác ngô đã giúp hơn 8.000 nông dân tăng thu nhập thêm hơn 1 triệu đô và giảm chi phí đầu vào hơn 80% nhờ hạt giống năng suất cao, chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến và liên kết thị trường,” Ông Juan Farinati Phó Chủ tịch Monsanto khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết.

Trong khi đó, theo TS. Tan Siang Hee - Tổng Giám đốc Điều hành tổ chức CropLife Châu Á: Phát triển nông nghiệp bền vững trong khu vực Đông Nam Á không phải là một ưu tiên hay một hy vọng, mà đó là nhiệm vụ phải thực hiện và là trách nhiệm chia sẻ giữa các quốc gia. Đối với các quốc gia Đông Nam Á, điều quan trọng tiếp theo cần làm đó là tạo điều kiện để các giải pháp nông nghiệp hiện đại có thể phát huy tối đa vai trò trong việc đảm bảo an ninh lương thực.

“Một trong những cơ hôi cho ASEAN tạo ra bước nhảy vọt để tiến tới phát triển nông nghiệp bền vững đó là việc hiện thực hóa một khung thể chế pháp lý hài hòa chung cho các sản phẩm bảo vệ thực vật (BVTV). Thực hiện thể chế chung về pháp lý đối với sản phẩm BVTV sẽ mang những lợi ích quan trọng cho ngành nông nghiệp trong khu vực, và các tổ chức của ngành khoa học cây trồng đang vận động để gắn hoạt động này với Cộng đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community - AEC) trong năm 2015.”

Nguyên An