TPHCM:

Khởi công xây dựng đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh

(Dân trí) - Nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của vị danh tướng trong việc xác lập chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên vùng đất Nam bộ, TPHCM khởi công xây dựng đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc (quận 9), ngày 20/4.

Đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được xây dựng trên khu đất rộng hơn 7.400m2, công trình gồm các hạng mục: khối đền chính, nhà điều hành, cổng tam quan, văn bia, hồ nước, giao thông nội bộ, kè bảo vệ… Tổng mức đầu tư dự án khoảng 82 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Đền thờ được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống người Việt bằng vật liệu gỗ, nền lót gạch nung và mái ngói.

Lãnh đạo TPHCM thực hiện nghi thức khởi
công xây dựng Đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh
Lãnh đạo TPHCM thực hiện nghi thức khởi công xây dựng Đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh

Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân bày tỏ sự biết ơn đối với công đức của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, vị tướng khai biên xuất sắc, nhà chính trị tài giỏi, nhân hậu, giàu lòng yêu nước, xác lập chủ quyền lãnh thổ Việt Nam đối với vùng đất Nam bộ, góp công lớn định hình nước Việt Nam chữ S ngày nay.

Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh việc xây dựng đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh mang ý nghĩa sâu sắc về lòng tự hào dân tộc, thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công ơn to lớn của các bậc tiền nhân trong công cuộc đấu tranh, gìn giữ và xây dựng nước nhà.

Nguyễn Hữu Cảnh (1650 - 1700) là một danh tướng thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông được xem là người xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất Sài Gòn – Gia Định vào năm 1698.

Vào tháng 2 năm Mậu Dần 1698, Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn Phúc Chu phong Thống suất, kinh lược xứ Đồng Nai. Theo đường biển, thuyền của Nguyễn Hữu Cảnh đi ngược dòng Đồng Nai đến ở tại Cù Lao Phố, là một cảng sầm uất nhất miền Nam bấy giờ.

Nguyễn Hữu Cảnh đã ra sức ổn định dân tình, hoạch định cương giới xóm làng, lập Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên. Đồng thời, lấy đất Sài Gòn dựng huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Đất đai mở rộng ngàn dặm, cho chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chánh (tức Quảng Bình ngày nay) trở vô, đến ở khắp nơi, lập ra các đơn vị hành chính, phân chia ruộng đất, chuẩn định thuế định, điền và lập bộ tịch đinh đinh điền.

Nguyễn Hữu Cảnh đã đặt nền móng vững chắc phát triển vùng đất phía Nam, kể từ đó miền đất này chính thức trở thành một đơn vị hành chính thuộc lãnh thổ nước ta.

Với công lao to lớn, Nguyễn Hữu Cảnh được triều đình nhà Nguyễn ghi nhận, phong tước hiệu Lễ Thành hầu – Khai quốc công thần – Thượng đẳng công thần. Công đức và nhân cách của ông đọng lại sâu sắc trong tiềm thức của người dân và mãi mãi lưu truyền hậu thế. Ngoài lăng mộ của ông ở quê hương Quảng Bình, nhiều vùng đất khác cũng lập đền thờ tưởng nhớ công lao của ông như Cù Lao Phố (Đồng Nai), Đình Minh Hương Gia Thạnh (TP Cần Thơ), nhiều đên thờ ở An Giang,…

Tưởng nhớ công lao to lớn của ông trong việc tạo nền móng cho vùng đất Sài Gòn – Gia Định, TPHCM xác định việc xây dựng Đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là công trình có ý nghĩa thiết thực, chào mừng 40 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Quốc Anh