Khoán xe đưa đón Thứ trưởng tại nhà: Chưa giảm đầu xe, chưa mấy tiết kiệm!
(Dân trí) - “Chỉ dừng ở việc khoán xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc, tính giá 15.000 đ/km thì cũng tương đương mức chi phí dùng xe công phục vụ, mỗi Thứ trưởng vẫn cần một đầu xe… đợi sẵn, chưa thể giảm số lượng xe, người lái…” – Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Đây là quan điểm ông Nguyễn Hạnh Phúc đưa ra tại cuộc họp báo thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV vừa được Văn phòng Quốc hội tổ chức chiều nay, 18/10.
Một câu hỏi đặt ra với Tổng Thư ký Quốc hội là Quốc hội có chủ trương gương mẫu thực hiện việc khoán xe công rất được lòng dân mà nhiều Bộ ở Chính phủ đã triển khai vừa qua?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, việc khoán xe công, Văn phòng Quốc hội là cơ quan triển khai thực hiện khá sớm, dù không thông tin, tuyên truyền về việc này. Cách đây hơn chục năm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chính là cán bộ đầu tiên nhận khoán xe. Hiện tại, một số Phó Chủ nhiệm Văn phòng cũng đã thực hiện việc khoán xe từ lâu.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng phân tích thêm, việc khoán xe đưa đón Thứ trưởng từ nhà tới cơ quan như Bộ Tài chính đang triển khai hiện tại với các Thứ trưởng chưa hẳn đã hiệu quả vì bài toán đặt ra là làm sao giảm bớt được số đầu xe, được người lái thì chi phí mới giảm đáng kể.
“Chỉ dừng ở việc khoán xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc, tính giá 15.000 đ/km thì cũng tương đương mức chi phí dùng xe công phục vụ, mỗi Thứ trưởng vẫn cần một xe… đợi sẵn, chưa thể giảm số lượng xe, người lái… Chi phí theo đó cũng chưa thể cắt giảm đáng kể” – ông Nguyễn Hạnh Phúc phân tích.
Một nội dung khác báo giới đặt ra với Tổng Thư ký Quốc hội là vấn đề nợ công. Chưa đến kỳ họp Quốc hội, ngay tại phiên họp của UB Thường vụ, lo ngại nợ công trên thực tế đã vượt trần làm nhiều người ưu tư suốt phần thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách ngày hôm qua.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc đáp, theo báo cáo của Chính phủ, hiện nợ công đang loanh quanh ở mức 63,5% GDP, trong khi trần cho phép là 65%. Gạt bỏ lo lắng Việt Nam đang đứng trước nguy cơ như nhiều quốc gia đã vỡ nợ thời gian qua, Tổng Thư ký Quốc hội giải thích, trần nợ công ở mỗi nước được xác định khác nhau. Hiện tại, Chính phủ vẫn cam kết là không vượt trần nợ công, không đẩy nợ đến mức báo động nguy hiểm.
“Còn nếu để nợ công vượt trật, trách nhiệm này thuộc cả phía Chính phủ và Quốc hội” - Tổng Thư ký Quốc hội nói.
Kỳ họp thứ 2 dự kiến khai mạc vào ngày 20/10, bế mạc ngày 23/11 với tổng cộng 26 ngày làm việc. Tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật được quan tâm và chú trọng (chiếm khoảng 63% thời gian của kỳ họp). Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật, 1 nghị quyết khác.
P.Thảo