"Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội vùng ĐBSCL”

(Dân trí) - “Mục tiêu diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL hướng tới là kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.

Ngày 5/11, “Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL” 2014 (MDEC 2014) với chủ đề “Tái cơ cấu nông nghiệp- xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL” khai mạc tại tỉnh Sóc Trăng. Tham dự có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương cùng các tỉnh, thành ĐBSCL.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại lễ khai mạc MDEC 2014.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại lễ khai mạc MDEC 2014.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, với tiềm năng, lợi thế đặc biệt về đất đai, mặt nước, nguồn lao động dồi dào, ĐBSCL đóng góp 20% GDP, sản xuất trên 50% tổng sản lượng lương thực, trên 90% lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Vùng có hệ thống sông rạch, rừng ngập mặn và nơi hội tụ, giao thoa các dòng văn hóa của dân tộc Kinh, Khơme, Chăm,… là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hóa mang nét đặc trưng riêng biệt của vùng sông nước.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, vùng ĐBSCL cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ như nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng tác động xấu đến phát triển kinh tế và đời sống; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế; hộ nghèo và cận nghèo còn cao, đời sống nhân dân nhìn chung còn nhiều khó khăn.

Phát biểu chỉ đạo MDEC 2014, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng quan tâm hơn nữa đến việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, người dân tộc, đồng bào ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

“Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL cần gắn kết hơn nữa với thực tiễn, giải quyết những bức xúc, những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng, thông qua việc cụ thể hóa các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, các nhà khoa học, các nhà đầu tư thành cơ chế, chính sách; chủ động tạo nguồn lực, cơ chế thông thoáng, tăng cường liên kết để đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, những lĩnh vực có tính lan tỏa cao nhằm đưa ĐBSCL trở thành vùng kinh tế năng động, phát triển nhanh và bền vững”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn các nhà đầu tư bằng hành động thiết thực xây dựng về những ý tưởng kinh doanh, những băn khoăn, trăn trở cũng như những đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương vì sự phát triển của cả vùng nói chung và cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư nói riêng.
 
Tại lễ khai mạc, Ban chỉ đạo diễn đàn cho biết, đã phối hợp cùng với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương vận động từ các ngân hàng, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ Quỹ an sinh xã hội năm 2014 được trên 480 tỷ đồng. 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại lễ khai mạc MDEC 2014.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (trái) trao bảng tượng trưng hỗ trợ xây dựng BVĐK huyện Trần Đề, Sóc Trăng tại lễ khai mạc.

MDEC 2014 được tổ chức từ ngày 5 - 7/11, với 5 hoạt động chính là Hội thảo “Vai trò Ngân hàng trong việc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Cửu Long”; Hội thảo “Tái cơ cấu nông nghiệp - xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng liên kết, gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp”; khai mạc MDEC - Sóc Trăng 2014, công bố an sinh xã hội, vinh danh các đơn vị ủng hộ Quỹ an sinh xã hội vùng ĐBSCL năm 2014; Lễ hội Đua ghe Ngo của đồng bào dân tộc Khmer; Hội nghị Xúc tiến thương mại đầu tư nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL và Diễn đàn doanh nghiệp vùng ĐBSCL, TP. HCM và TP. Hà Nội 2014; Hội nghị Ban Chỉ đạo MDEC 2014.

                                                                                    Huỳnh Hải - Bạch Dương