Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:
“Huế phải là 1 đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường”
(Dân trí) - Trong ngày 3/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm và làm việc với Thừa Thiên - Huế để chỉ đạo về những nhiệm vụ kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh.
Trước đó, Chủ tịch nước đã đến thăm Quảng Bình, Quảng Trị. Trong buổi sáng 3/3, Chủ tịch nước đã đến thăm Bệnh viện Trung ương Huế và dự lễ trao danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho GS.TS. Thầy thuốc nhân dân Bùi Đức Phú, Giám đốc bệnh viện. Tiếp đến là làm việc tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, thăm cảng nước sâu quốc tế Chân Mây.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước cùng đoàn các cơ quan cấp Bộ đã làm việc tại trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế. Sau khi nghe báo cáo của ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Thiện – Bí thư tỉnh ủy và góp ý của các thứ trưởng các Bộ, thành viên văn phòng Chủ tịch nước… Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh:
Huế đã có nhiều sự thay đổi đáng biểu dương trong bối cảnh kinh tế bị suy giảm. Tốc độ tăng trưởng của tỉnh khả quan, xuất khẩu có nhiều tiến triển, vấn đề kinh tế phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 8%. Công nghiệp chúng ta không bị đổ vỡ nhiều. Bất động sản do không lớn nên ít bị ảnh hưởng chung của cả nước. Ngành nông nghiệp, du lịch ổn. Tỉnh cần phối hợp với Ban kinh tế Trung ương soát xét kỹ lại những thế mạnh của địa phương để đẩy mạnh phát triển thêm nhằm bù đắp những ngành yếu hơn. Năm 2013 là năm bản lề nhằm tiến tới nhiệm kỳ 5 năm sắp hoàn thành nên tỉnh cần phải cố gắng hơn.
Qua đó, Chủ tịch nước đã đề nghị tỉnh những vấn đề sau: Cảng quốc tế Chân Mây trong giai đoạn 1 đã hoạt động hết công suất hiện đã quá tải, nên cần phải mở rộng công suất lên nhằm đến năm 2015 đạt công suất tiếp nhận lượng hàng qua cảng 4 triệu tấn. Đến năm 2020 là 7 triệu tấn như theo kế hoạch đề ra.
Đường Hồ Chí Minh trên trục hành lang kinh tế đông tây Cam Lộ - Túy Loan đến Thừa Thiên Huế, tỉnh cần bàn thêm với Quảng Trị làm thế nào để hàng hóa ngày càng chảy vào hướng này. Đồng thời, chú trọng nghiên cứu giao thông tay lái nghịch, tay lái thuận trên trục hành lang quan trọng này. Ví dụ như Việt Nam, Lào lái xe bên tay phải, nhưng Thái Lan đi bên tay trái. Cần có giải pháp cho phù hợp tăng lưu lượng giao thông trên tuyến. Nếu tỉnh làm ngơ thì sẽ thất bại vì đây là trục đường quan trọng thu hút khách du lịch, giao thương đến Huế.
“Vấn đề tiếp là cần chú ý đến các dòng vốn có lợi cho mình như thu hút đầu tư các thị trường tiềm năng đến Huế. Không phải cứ cố gắng đi tìm ở nơi xa. Hiện Nhật Bản là thị trường rất có lợi vì Nhật hiện đang muốn gia tăng đầu tư mạnh vào Việt Nam, chúng ta phải tranh thủ chớp lấy thời cơ không phải lúc nào cũng thuận lợi như lúc này” – Chủ tịch nước lưu ý.
Du lịch hiện như là “xương sống” về phát triển kinh tế Huế, chiếm tỷ trọng 48% trong thu nhập tỉnh nhà. Cả nước không có chỗ nào còn di sản nhiều như Huế và cả ngay trên Thế giới cũng không phải nhiều. Vì vậy, Thành nội và các di sản lân cận cần được phục hồi xong xuôi trong thời gian nhanh thì sẽ thu hút du khách đến rất đông. Chủ tịch nước dẫn chứng đã đến Kyoto của Nhật Bản, chỉ với diện tích nhỏ nhưng mật độ các di tích rất nhiều và đẹp, không có nhà cao tầng là một điểm tham quan tuyệt vời cho du khách đến thăm rất lớn mỗi năm.
Vấn đề nông thôn mới, tỉnh đã có chủ trương và cách thực hiện tốt. Về nguồn vốn, nên khai thác thêm các nguồn ngoài mà Nhà nước thiếu hụt trong thời điểm này, ví dụ như các doanh nghiệp may mặc đến 20 năm nữa vẫn còn lợi thế. Cải cách tư pháp đã làm tích cực, nên nâng cao hoạt động các cơ quan tư pháp ở tỉnh được tốt hơn.
Đặc biệt, quan trọng nhất về xung quanh vấn đề sớm đưa tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương theo kết luận 48 của Bộ Chính trị. Chủ tịch nước cho hay, tỉnh đã cố gắng xây dựng, làm nhiều biện pháp từ cách đây 4 năm. Hiện có một số tiêu chí đề ra không còn phù hợp lắm, cho nên tỉnh cần đánh giá lại sớm để trình lên nhanh cho Bộ chính trị vào đầu năm 2014 những điểm không thích hợp trong tiến trình xây dựng.
“Quan trọng là chúng ta không được xây dựng đô thị như ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà phải bám chặt vào tiêu chí định vị mà tỉnh đã đề ra là xây dựng 1 đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường. Chúng ta phải chú trọng về vấn đề nội hàm, thế mạnh của mình chứ không phải lo lên thành phố kiểu gì. Có văn hóa, có giáo dục, y tế… tất yếu những tiêu chí để lên thành phố trung ương sẽ có, thậm chí sẽ thay đổi các loại tiêu chí cơ bản đề ra” – Chủ tịch Trương Tấn Sang nhấn mạnh.
Về việc hệ sinh thái đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng lớn nhất Đông Nam Á mà Huế đang có, Chủ tịch nước cũng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm thêm để tỉnh sớm có dự án phát triển các thế mạnh ở đây như du lịch, thủy sản, đô thị… vì đây là một loại hình du lịch – kinh tế cực kỳ thú vị và đặc sắc.
Theo kế hoạch đưa toàn tỉnh Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương, với diện tích hơn 5.000km2, rộng gấp 1,5 lần TP Hà Nội đã mở rộng. Huế tập trung lấy Thành phố Huế hiện tại làm chuẩn với dân số không vượt quá 500.000 người. Cùng với đó là phát triển đô thị Chân Mây ở phía Nam với không quá 150.000 dân và phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh. Tất cả được kết nối bằng hệ thống giao thông thuận tiện và cây xanh thân thiện. |