Hoàng Sa - món nợ với thế hệ cha ông đã đổ xương máu

(Dân trí) - Tổn thất lớn nhất của Việt Nam trong cuộc hải chiến Hoàng Sa là chúng ta mất một quần đảo mà cha ông ta đã chiếm giữ hơn 300 năm trước. “Đây là món nợ của thế hệ này với thế hệ trước, những người đã đổ xương máu để bảo vệ Hoàng Sa".

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiếc lược, Bộ Công an, đã có một số đánh giá về cuộc hải chiến Hoàng Sa 40 năm về trước (19/1/1974) cũng như nêu quan điểm của ông về giáo dục chủ quyền biển đảo cho thế hệ trẻ - một khoảng trống của ngành giáo dục nước nhà.

Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam: Điều không thể chối cãi

Thiếu tướng Lê Văn Cương cho biết, trong lịch sử hiện nay của Việt Nam còn 10 cuốn sách trực tiếp và gián tiếp nói đến các triều đại phong kiến từ chúa Nguyễn đến nhà Nguyễn đã tổ chức khai thác ở Hoàng Sa và sau này ở cả Trường Sa. Họ ra đó canh giữ, thu thuế và bảo vệ ngư dân, đồng thời cũng cứu trợ các tàu buôn phương Tây bị mắc cạn. Những việc này đã được làm vào khoảng năm 1635.

“Ở Việt Nam vẫn còn văn hóa vật thể và phi vật thể khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng ta còn 7 ngôi đền chùa miếu mạo thờ tự những binh lính Hoàng Sa ra đi không bao giờ trở lại, chúng ta còn có Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Nếu không có những chiến sĩ bảo vệ Hoàng Sa thì sẽ không có nghi lễ này”, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho hay.

Trong khi đó, trong số 24 bộ chính sử sử lớn nhất của Trung Quốc, có 7 bộ sử nói đến Việt Nam, 6 bộ sử nói đến Biển Đông, Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng không có một bộ sử nào nói Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.

Hoàng Sa, món nợ với những người đã đổ xương máu

Theo bản đồ cổ nhất của Trung Quốc từ năm 1211 vào thời nhà Tống khẳng định cương vực trên biển của nhà Tống chỉ đến cực nam Đảo Hải Nam (trước kia gọi là Quỳnh Châu Phủ). Trung Quốc có tất cả khoảng 22 cuốn sách và hơn 10 bản đồ nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, trong khi đó không có cuốn sách nào nói về Hoàng Sa của Trung Quốc. Tất cả các cuốn sách đều nói rằng cương vực trên biển của nhà Tống, nhà Minh và nhà Thanh đến cực nam Đảo Hải Nam.

Một nguồn từ liệu khác là từ phương Tây. Các giám mục, linh mục sang Việt Nam truyền đạo rồi viết hồi ký nói rằng họ được gặp các vị vua và biết được sự tình các chúa Nguyễn thiết lập các đội quân bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa.

Bên cạnh đó, hàng chục thương gia phương Tây đi buôn sang phương Đông, sang Trung Quốc buôn đồ sành sứ, sang Triều Tiên buôn sâm nhung, sang Nhật Bản buôn tơ lụa và thủ công mỹ nghệ. Có đoàn đến Hoàng Sa thì bị đắm hoặc bị mắc cạn khi thủy triều xuống. Nhiều lần chúa Nguyễn cử thuyền đưa nước ngọt ra và cứu thủy thủ đoàn phương Tây và mỗi lần đi trắc trở như vậy, họ về viết hồi ký nói rằng các chúa Nguyễn làm chủ Hoàng Sa, Trường Sa.

Theo Hiệp định Genève ký ngày 20/7/1954, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới vỹ tuyến 17 nên hiển nhiên thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Thỏa thuận “mua bán” Mỹ-Trung và hải chiến Hoàng Sa

Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, bản chất của cuộc hải chiến Hoàng Sa là sự xâm lược nước ngoài của Trung Quốc, vi phạm Hiến chương Liên Hiệp quốc và các hệ thống luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế hiện đại.

Về phía Việt Nam Cộng hòa, đó là một cuộc chiến đấu của người Việt Nam chống xâm lược nước ngoài. Binh sĩ Việt Nam Cộng hòa là những người đã hy sinh xả thân bảo vệ chủ quyền. Phía Việt Nam Cộng hòa đã tổ chức cuộc tự vệ đánh trả nhưng không thành công vì tương quan lực lượng quá chênh lệch.

Cũng về bản chất của cuộc hải chiến, thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định: “Đó là sự mặc cả mua bán giữa Mỹ và Trung Quốc trên lưng Việt Nam. Tháng 2 năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã ký với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai Thông cáo chung Thượng Hải, thông cáo ấy viết bằng máu của người Việt Nam.”

Thiếu tướng Lê Văn Cương (Ảnh Nam Hằng)

Thiếu tướng Lê Văn Cương (Ảnh Nam Hằng)

Thực chất Trung Quốc đã ủng hộ Mỹ để kéo dài cuộc chiến để có lợi cho Mỹ, ngược lại Mỹ hứa hẹn giúp Trung Quốc trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc thay thế Đài Loan.

Sau Thông cáo chung Thượng Hải thì đô đốc cựu tư lệnh Hải quân Mỹ có họp đầu năm 1973 tuyên bố, từ nay Hoàng Sa và Trường Sa không nằm trong giới tuyến, vành đai bắt buộc phải bảo vệ.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ rút, tạo một khoảng trống và khi ấy Hoàng Sa, Trường Sa nằm ngoài tầm kiểm soát của Hải quân Mỹ. Mỹ rút với nguyên tắc buông lơi Hoàng Sa và Trường Sa, trong bối cảnh đó thì Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa.

“Chúng ta mất Hoàng Sa cũng thực chất là do sự “buôn bán, mặc cả” của Mỹ với Trung Quốc. Nếu Mỹ kiên quyết bảo vệ thì Trung Quốc không dám đánh. Chỉ có sự đồng ý trực tiếp hay gián tiếp, một cái gật đầu của Mỹ thì Trung Quốc mới đánh”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định.

Tổn thất lớn nhất của Việt Nam trong cuộc hải chiến là mất một quần đảo mà cha ông ta đã chiếm giữ hơn 300 năm trước đây. “Đây là món nợ của thế hệ này với thế hệ trước, là món nợ của thế hệ hiện đại với cha ông, những người đã đổ xương máu để bảo vệ Hoàng Sa. Phải vào trong khu mộ gió trên đảo Lý Sơn, nghiêng mình trước những ngôi mộ ấy để nghĩ về những người xưa đã đổ xương máu bảo vệ Hoàng Sa 300 năm trước như thế nào”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.

Giáo dục chủ quyền biển đảo: Muộn còn hơn không

Sau 40 năm nhìn lại trận hải chiến Hoàng Sa, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng phải đưa toàn bộ giáo dục chủ quyền biển đảo vào sách lịch sử, sách giáo khoa chính thức trong hệ thống trường phổ thông, hệ thống giáo dục chuyên nghiệp đại học, đó là mảng còn trống.

“Học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, sinh viên đại học rất thuộc lịch sử về Hùng Vương, An Dương Vương, các triều Đinh, Lê, Lý, Trần… nhưng mảng về chủ quyền biển đảo còn quá mờ nhạt,” ông cho hay.

Ông kể lại rằng ông đã được mời 3 năm liền làm chủ tịch hội đồng giám khảo của một cuộc thi tìm hiểu biển đảo do Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao, tổ chức dành cho sinh viên Việt Nam trong và ngoài nước. Có mấy bài thi rất hay của sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội về điều tra xã hội học trong từng nhóm thanh niên. Số liệu điều tra cho thấy, có tới 80-90% lao động phổ thông không biết gì về Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, cũng chỉ có 53-54% sinh viên đang học trong trường biết láng máng về hai quần đảo này. Cán bộ trung cao cấp trong hệ thống chính trị nhiều người cũng không hiểu gì.

“Chúng ta nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam nhưng chúng ta lại không dám viết sách. Bản thân mình tự mâu thuẫn với mình. Điều này cần làm, dù muộn còn hơn không”, Thiếu tướng nhấn mạnh.

Hệ thống phương tiện thông tin đại chúng cần cập nhật đầy đủ và chính xác các sự kiện diễn ra trên Biển Đông, đặc biệt là vấn đề liên quan đến chủ quyền của Việt Nam với bất kỳ nước nào, kể cả với Trung Quốc, Mỹ hay các nước ASEAN để người dân được biết.

Ông cho biết: “Theo hiến pháp, người dân có quyền được thông tin. Chúng ta không kích động chủ nghĩa dân tộc chống ai hết nhưng người dân phải được biết”.

Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác nghiên cứu Biển Đông. Ông cho hay, mỗi năm Trung Quốc tổ chức 50 cuộc hội thảo về Biển Đông. Họ có hơn 200 tiến sĩ và hơn 1.000 thạc sĩ về Biển Đông. Trong khi đó, hàng năm, Việt Nam chỉ tổ chức 3 cuộc hội thảo về chủ đề này. Đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ mới có chủ trương của Chính phủ nhưng việc thực hiện còn nhiều trắc trở.

Nhà nước cần cấp kinh phí cho những người làm công tác nghiên cứu Biển Đông vì đây là một loại hình nghiên cứu đặc biệt.

Ông cho rằng: “Chúng ta phải thường xuyên giữ quan hệ với Trung Quốc, đồng thời trao đổi với họ về vấn đề chủ quyền song song với hợp tác quốc tế về vấn đề giải quyết tranh chấp Biển Đông (tức vừa đa phương vừa song phương). Chúng ta cần nói thẳng thắn với Trung Quốc rằng: Việt Nam sẽ không bao giờ hợp tác với nước ngoài để chống Trung Quốc. Việt Nam không kích động chủ nghĩa dân tộc để chống Trung Quốc nhưng chúng tôi phải bảo vệ chủ quyền của mình."

Nam Hằng