Bình Định:
Hỗ trợ người lính trở về từ trận chiến Gạc Ma
(Dân trí) - Ngày 26/7, đại diện Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động và LĐLĐ Bình Định đã trao 30 triệu đồng đến cựu binh Gạc Ma Lê Minh Thoa (phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, Bình Định), giúp đỡ anh Thoa phần nào ổn định cuộc sống gia đình.
Anh Lê Minh Thoa nguyên là hạ sĩ quan thuộc Hải đội 1 - Lữ đoàn 125 Hải quân. Năm 1988, anh và một số đồng đội được tăng cường cho tàu HQ-604 trong chiến dịch “CQ 88” lịc sử. Sáng 14/3/1988, khi những chiến sĩ công binh quả cảm bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng trong trận chiến không cân sức ở bãi đá ngầm Gạc Ma thì anh làm nhiệm vụ dưới hầm máy. Lúc này, con tàu mà anh cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ trở thành mục tiêu tấn công của đối phương. Bị bắn phá liên tục, hầm máy bị xuyên phá, nước tràn ào ạt, áo quần bốc cháy, anh Thoa trèo lên boong, phóng mình xuống biển trước khi tàu chìm giữa đại dượng.
“Khi đó tôi bị thương cháy bỏng lưng, mắt cá chân bị trúng đạn nhưng cố gắng khắc phục sự cố cháy tàu. Tuy nhiên, nên phải thoát thân, trước khi con tàu chìm xuống xuống biển. Quanh tôi, anh em ngụp lặn chới với, trong khi lính Trung Quốc, hễ thấy bộ đội mình ngoi lên là bắn xối xả. Tôi may mắn vớ được 2 quả bí xanh”, anh Thoa nhớ lại.
Anh Thoa là 1 trong 9 chiến sĩ Gạc Ma sống sót bị Trung Quốc bắt làm tù binh. Họ bị giam giữ, khảo tra, đánh đập, lao động khổ sai hơn 3 năm ở Hải Nam, Lôi Châu cho đến khi được trao trả về nước tháng 9/1991. Anh Thoa quay về Quân chủng Hải quân trong đội hình Lữ đoàn 125 đóng ở Tân Cảng Sài Gòn. Tháng 11/1996, anh ra quân với quân hàm trung úy nhưng chẳng có một chế độ nào cả.
Trong nhóm tù binh từ Trung Quốc về nước, có 4 người được chứng nhận thương binh. Riêng anh, với nhiều vết thương ở hàm, bàn tay, thái dương trái, vai trái, chân phải…, nhưng vẫn vô vọng tìm kiếm cơ giám định lại thương tật. Chỉ tới khi báo chí viết về anh, anh Thoa được chứng nhận là cựu tù chính trị, được hưởng chế độ dành cho người bị tù đày từ năm 2015.
Trở về với cuộc sống đời thường, gánh nặng cơm áo gạo tiền, anh Thoa mở quán phở với tên Trường Sa, là nguồn chính để anh lo cho vợ và 2 con. “Nhờ báo chí viết lên, nhiều người biết, ủng hộ. Giờ mỗi ngày bán chừng 80 – 100 tô, tạm đủ chi tiêu chứ trước kia cực lắm”, anh chia sẻ.
Doãn Công