Hành trình tìm đồng đội của người cựu chiến binh già
(Dân trí) - Từ khi tìm được cuốn sổ sinh tử của đơn vị, ông đã lặn lội khắp nơi tìm hài cốt đồng đội. Những trăn trở, day dứt thôi thúc ông lên đường nhưng bao lần ông ra đi rồi lại ra về tay trắng…
Những chuyến đi thành công ít, thất bại nhiều nhưng điều đó không khiến người cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tiêm (SN 1942), ở thành phố Đông Hà, Quảng Trị sờn lòng; ông vẫn sẵn sàng cho những chuyến hành trình ngày mai.
Vừa tròn 22 tuổi, chàng trai Nguyễn Thanh Tiêm tham gia bộ đội, đầu quân vào Tiểu đoàn lính đặc công (K10), thuộc Tỉnh đội Quảng Trị. Bấy giờ, chiến trường Quảng Trị hết sức ác liệt, ta và địch giành nhau từng tấc đất, con người nhưng K10 đánh đâu thắng đó. Trong những năm tháng khốc liệt ấy, ông Tiêm nhớ nhất hai trận đánh để đời của K10.
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tiêm bên 2 cuốn sổ sinh tử đã giúp ông tìm ra nhiều đồng đội.
Trận thứ nhất là chiến thắng Dốc Miếu - Cồn Tiên đúng vào dịp sinh nhật Bác Hồ (19/5/1966), gần 100 chiến sĩ K10 là những bóng đen thoắt ẩn thoắt hiện trong đêm bò vào căn cứ địch, chiếm các điểm cao rồi bắn pháo sáng màu xanh để bộ binh tràn
lên. Trận này đã đánh tan chốt chặn vững chắc của địch tại huyện Gio Linh, mở đường cho bộ đội ta tiến vào Nam.
Trong trận đánh vào trận địa La Vang năm 1967 ông Tiêm bị một viên đạn xuyên từ phía lưng trái sang nách phải, lúc lâm trận, ba người mới có một khẩu súng, còn lại đa số được trang bị lựu đạn, mìn tự chế. Giữa đêm, doanh trại của địch chìm trong lựu đạn, mìn của quân ta, địch hoảng loạn chạy xuống hầm trú ẩn, quân ta nhanh chóng tiến vào tiêu diệt gọn.
Kéo áo lên cho chúng tôi xem vết sẹo to đùng ở một bên ngực phải, ông Tiêm nhớ lại: “Tôi bị một viên đạn bắn xuyên từ lưng đến phổi. Lúc nớ, tui tưởng mình sẽ chết nhưng vô nhà thương một tháng là lành lặn, lại quay về đơn vị tiếp tục chiến đấu”.
Hòa bình, ông may mắn sống sót nhưng rất nhiều đồng đội đã hy sinh. Nhấp ngụm trà, ông rưng rưng nhớ lại: “Ngày đó K10 có hai cuốn sổ, một để ghi lại danh tính lính đặc công và một cuốn để ghi thời gian, địa điểm, nguyên nhân đồng đội hy sinh. Năm 1969, hai cuốn sổ bị thất lạc. Tôi dò hỏi mãi cho đến Cuối năm 2001, có một người dân ở Hải Lăng trong lúc đào móng làm nhà đã tìm được hai cuốn sổ sinh tử của K10 tui liền tìm đến chuộc về”.
Ông mang hai cuốn sổ đi đánh máy sao thành nhiều bản gửi các cơ quan chức năng. Rồi ông tiếp tục hành trình tìm đồng đội, nhờ những thông tin trong “sổ sinh, tử” dẫn đường mà việc tìm kiếm được chính xác hơn.
Cuốn sổ ấy ông luôn mang theo bên mình, đọc tới đọc lui nhiều lần đến mức đã gần như thuộc lòng, 400 đồng đội trong cuốn sổ đụng đến tên ai là ông nói vanh vách. Tính đến nay, ông Tiêm đã tìm được 45 đồng đội và đưa về quê cũ trong niềm xúc động của đồng chí, người thân của K10.
Tranh thủ ban đêm, ông biên thư về cho gia đình các anh để báo địa điểm chính xác nơi các anh nằm lại. Bao nhiêu lá thư đi, bấy nhiêu lần gia đình nhỏ bé của ông đón thân nhân đồng đội tìm về, để rồi những ngày lặn lội từ rừng rú cho đến đồng bằng tìm đồng đội, những khi kiệt sức, ông vẫn thường đưa bàn tay sờ lên vết thương rồi tự nhủ, đồng đội mình hàng trăm người ngã xuống cho mình được sống. Thế là tinh thần ông lại phấn chấn hẳn lên, tiếp tục xông pha.
Nhưng bao nhiêu năm trôi qua, địa hình sau chiến tranh thay đổi, thêm vào đó có nhiều yếu tố khách quan tác động, qua nhiều lần cất bốc, tên tuổi cũng như địa điểm chính xác nơi các anh nằm không ai còn nhớ nên rất khó tìm. Do đó có bao nhiêu lần ông và thân nhân các liệt sỹ lên đường tìm kiếm rồi lại lủi thủi ra về tay trắng.
Đầu năm đến nay ông đã tìm được 5 đồng chí để rồi cùng người thân bốc đồng đội về với quê hương.
Chia tay tôi, ông Tiêm lại tất bật chuẩn bị sáng mai lên đường sớm vào rừng Hải Chánh (huyện Hải Lăng) để xác định vị trí, tìm đồng chí Lương Khắc Thành quê Lạng Sơn. Bởi với ông giờ chỉ còn một tâm niệm duy nhất “sớm đưa được đồng đội trở về với quê hương”.
Đội K10 thành lập năm 1064 với quân số ban đầu 10 người. Đến 1967 thành lập Tiểu đoàn K10. Đây là lực lượng tinh nhuệ trên chiến trường Quảng Trị vào thời gian đó với nhiều chiến công oanh liệt. 12 năm chiến đấu, tiểu đoàn hạ hơn 10 ngàn tên địch, bắn rơi 11 máy bay, bắn cháy 322 xe tăng thiết giáp và xe phục vụ quân sự của địch… được phong tặng đơn vị AHLLVTND. |
Nguyễn Hương