Hà Tĩnh cùng 2 tỉnh của Lào họp bàn xây dựng bộ quy tắc chung bảo vệ rừng

(Dân trí) - Sáng 8/9, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh phối hợp với Sở Nông lâm nghiệp 2 tỉnh Khăm Muộn và Bôlykhămxay (CHDCND Lào) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả phối hợp quản lý, bảo vệ rừng khu vực biên giới Việt – Lào. Dự kiến bộ quy tắc chung của 3 tỉnh trong xử lí lâm tặc, bảo vệ rừng sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị này.

Các đại biểu của tỉnh Hà Tĩnh và 2 tỉnh Khăm Muộn và Bôlykhămxay (CHDCND Lào) trong buổi khai mạc hội nghị đánh giá kết quả phối hợp quản lý, bảo vệ rừng khu vực biên giới Việt – Lào sáng nay.
Các đại biểu của tỉnh Hà Tĩnh và 2 tỉnh Khăm Muộn và Bôlykhămxay (CHDCND Lào) trong buổi khai mạc hội nghị đánh giá kết quả phối hợp quản lý, bảo vệ rừng khu vực biên giới Việt – Lào sáng nay.

Hà Tĩnh và 2 tỉnh Khăm Muộn và Bôlykhămxay (CHDCND Lào) có chung đường biên giới, với tổng chiều dài trên 145 km. Khư vực rừng giáp ranh giữa 3 tỉnh có hệ sinh thái rất đa dạng, trữ lượng gỗ lớn, với nhiều loài động thực vật quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao.

Do địa hình phức tạp, hiểm trở, trải dài, không có sóng điện thoại, internet, nhận thức của người dân hai nước sống dọc biên giới còn nhiều hạn chế, công tác phối hợp bảo vệ rừng giữa các cơ quan chức năng 2 nước có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa đồng bộ; nên công tác bảo vệ rừng giáp ranh giữa các bên còn nhiều tồn tại.

Thực tế, dù lực lượng bảo vệ rừng của các bên đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, đẩy đuổi, nhưng vẫn còn tình trạng nhóm người xấu của cả người Lào và người Việt vào khu vực rừng giáp ranh khai thác trộm gỗ. Lâm tặc dùng cả cưa xăng, máy tời, động vật khai thác, vận chuyển gỗ ra ngoài. Lâm tặc còn sử dụng bẫy, săn bắn chim thú, phơi khô mang qua biên giới để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Chỉ tính riêng từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2017, lực lượng chức năng của 3 tỉnh đã phối hợp bắt giữ, xử lý 25 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 114,62 m3 gỗ và 359,8 kg động vật rừng các loại, đẩy đuổi hàng trăm lượt người không có phận sự vào các khu vực rừng giáp ranh, tịch thu nhiều phương tiện, dụng cụ được người dân đưa vào để khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.

Lợi dụng địa hình hiểm trở, sự sơ hở của lực lượng chức năng, lâm tặc đã chặt phá rừng pơ mu tại Tiểu khu 198 VQG Vũ Quang, nằm giáp ranh với biên giới Việt-Lào vào năm 2014.
Lợi dụng địa hình hiểm trở, sự sơ hở của lực lượng chức năng, lâm tặc đã chặt phá rừng pơ mu tại Tiểu khu 198 VQG Vũ Quang, nằm giáp ranh với biên giới Việt-Lào vào năm 2014.

Nhằm ngăn chặn thực trạng trên, sáng 8/9 lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh và lãnh đạo Sở Nông Lâm 2 tỉnh Bô-li-khăm-xay và Khăm muộn (Lào) đã tiến hành Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp quản lý, bảo vệ rừng khu vực biên giới Việt – Lào giữa 3 tỉnh.

Tại hội nghị, các ông Nguyễn Huy Lợi, PGĐ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, Giám đốc Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II tỉnh Hà Tĩnh, Bounchanh Xayphanha, Giám đốc Sở Nông lâm tỉnh Khăm Muộn và Phonsavanh Hombaulath, Phó Giám đốc Sở Nông lâm tỉnh Bô-li-khăm-xay đã đánh giá kết quả đạt được, trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc quản lý, bảo vệ rừng vùng biên giới, kiểm soát tình hình khai thác, buôn bán gỗ, lâm sản ngoài gỗ trái phép.

Sau khi nêu những hạn chế, khó khăn và đề xuất nhiều giải pháp phối hợp quản lý bảo vệ rừng khu vực biên giới chung giữa 2 nước, lãnh đạo đoàn của 3 tỉnh tham gia hội nghị đã thảo luận việc tăng cường hơn nữa việc phối hợp tổ chức tuần tra chung bảo vệ rừng khu vực biên giới giáp ranh giữa các tỉnh; tuyên truyền, phổ biến pháp luật lâm nghiệp của mỗi nước; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ rừng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vận chuyển, buôn bán gỗ, lâm sản ngoài gỗ và động vật hoang dã trái phép qua cửa khẩu mỗi tỉnh.

Các đại biểu của của 3 tỉnh tham gia hội nghị tham gia thảo luận xây dựng bộ quy tắc chung về xử lí lâm tặc, bảo vệ rừng.
Các đại biểu của của 3 tỉnh tham gia hội nghị tham gia thảo luận xây dựng bộ quy tắc chung về xử lí lâm tặc, bảo vệ rừng.

Hội nghị cũng bàn tăng cường bố trí cán bộ có kinh nghiệm công tác, có trình độ ngoại ngữ, thông hiểu luật pháp Quốc tế, luật pháp 2 nước để trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các bên về công tác quản lý và bảo vệ rừng, phối hợp triển khai các hoạt động hiệu quả hơn.

Đặc biệt, lãnh đạo đoàn của 3 tỉnh tham gia hội nghị cũng đã thảo luận xây dựng bộ quy tắc chung về xử lí lâm tặc, bảo vệ rừng. Bộ quy tắc này được xây dựng dựa trên cơ sở quy định của luật pháp quốc tế, luật của mỗi nước, đảm bảo công bằng, mỗi bên đều có lợi.

Văn Dũng