Khai mạc hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông lần thứ 10
Gốc rễ của vấn đề Biển Đông chưa được xử lý
(Dân trí) - Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, vấn đề Biển Đông vẫn là một vấn đề còn nhiều phức tạp, những nỗ lực của khu vực và quốc tế để làm cho Biển Đông giảm căng thẳng, đảm bảo an ninh vẫn chưa được như mong muốn… Gốc rễ của Biển Đông chưa được xử lý.
Sáng 8/11, tại Đà Nẵng, Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông lần thứ 10 với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” chính thức được khai mạc. Hội thảo do Học viện Ngoại giao phối hợp cùng Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức.
Tham dự hội thảo có 220 đại biểu bao gồm 89 học giả quốc tế, 31 đại diện đến từ 22 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, gần 100 học giả, đại biểu Việt Nam, cùng 110 phóng viên đến từ 60 hãng thông tấn, truyền hình trong và ngoài nước.
Hội thảo là diễn đàn học thuật nhằm phân tích, đánh giá sâu sắc những diễn biến mới, nhận diện các động lực đằng sau những căng thẳng hay hòa dịu, đồng thời góp phần tìm kiếm các giải pháp giúp quản lý và giải quyết xung đột hiệu quả trên Biển Đông.
Trong 2 ngày (8 và 9/11) diễn ra hội thảo sẽ có 30 tham luận được trình bày tại 8 phiên thảo luận tập trung vào các vấn đề: Biển Đông: Trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – Châu Á – Thái Bình Dương; Biển Đông tiêu điểm 10 năm nhìn lại; Lập trường và yêu sách của các bên, tiếp nối và điều chỉnh; Các nước lớn can dự hay không can dự; Xây dựng lực lượng trên Biển Đông; Xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và giải quyết tranh chấp; Các nhân tố mới có thể tạo bất ổn trên Biển Đông.
Phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cho biết, năm 2018 là một dấu mốc quan trọng kỷ niệm 10 năm về hội thảo Biển Đông. Sau 10 năm tổ chức, hội thảo đã quy tụ được hơn 300 diễn giả và khoảng 2.000 lượt đại biểu Việt Nam, quốc tế tham dự, hàng trăm lượt phóng viên báo chí đưa tin.
Sau 10 năm, hình thức tổ chức hội thảo cũng trở nên ổn định. Hội thảo không chỉ được tổ chức ở Việt Nam mà còn có ở các nước trong khu vực.
“Các chủ đề về Biển Đông cũng trở thành chủ đề rất quen thuộc. Theo đó, có rất nhiều học giả trẻ, viết luận văn, viết chuyên đề nghiên cứu liên quan đến Biển Đông. Biển Đông trở thành lĩnh vực nghiên cứu đa ngành bao gồm khoa học chính trị, xã hội, nghiên cứu chiến lược, môi trường….”, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng nhấn mạnh.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, càng ngày có nhiều người quan tâm hơn về Biển Đông dựa trên những thông tin đa chiều. Những ngày đầu, các đại biểu thảo luận còn e dè nhưng sau một thời gian đã thảo luận rất thoải mái.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, vấn đề Biển Đông vẫn là một vấn đề còn nhiều phức tạp, những nỗ lực của khu vực và quốc tế để làm cho Biển Đông giảm căng thẳng, đảm bảo an ninh vẫn chưa được như mong muốn… Gốc rễ của Biển Đông chưa được xử lý.
PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng kêu gọi các chuyên gia, học giả tiếp tục phát huy tinh thần “thẳng thắn, khách quan, khoa học, cầu thị”, tích cực đưa ra những kiến nghị xác đáng giúp chính phủ các nước liên quan cùng phối hợp hành động vì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Phát biểu dẫn đề tại phiên khai mạc hội Thảo, Thẩm phán Kriangsak Kittichairasee, Tòa án Luật biển quốc tế ITLOS đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo quốc tế về Biển Đông, cho rằng trong 10 năm qua, chuỗi Hội thảo quốc tế về Biển Đông đã trở thành một diễn đàn thiết thực để các chuyên gia, học giả trao đổi, tìm kiếm các cách thức quản lý và giải quyết xung đột ở Biển Đông.
Thẩm phán Kriangsak Kittichairasee cũng cho rằng hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực Biển Đông cần dựa trên bốn thành tố: ngăn ngừa xung đột, quản lý khủng hoảng, giải quyết tranh chấp và các cơ chế giám sát; khẳng định giải pháp cơ bản để giải quyết tranh chấp là các bên tìm kiếm các sáng kiến hợp tác cụ thể, thực chất, đồng thời kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình.
Khánh Hồng