Giảm nghèo: Cho cần câu chứ đừng cho con cá!
(Dân trí) - “Giảm nghèo bền vững là phải cho cái cần câu chứ đừng cho con cá! Cùng đó, cần xem xét tới trách nhiệm ở chính địa phương đó, từ cấp tỉnh, cấp huyện đến xã, thôn, xóm… Gắn trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương thì xây dựng nông thôn mới mới thực sự hiệu quả và giảm nghèo được bền vững”.
Đó là ý kiến của đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tại cuộc họp nghe báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 2016 và triển khai nhiệm vụ 2017 Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thông mới và Giảm nghèo bền vững, diễn ra tại trụ sở Chính phủ chiều 10/1. Cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì.
Nhìn nhận về những vấn đề Góp ý kiến về xây dựng nông thôn mới, đại diện Hội Nông dân Việt Nam nêu ra 2 vấn đề đang kiểm chứng qua khảo sát thực tế đó là mô hình kinh tế hộ và môi trường nông thôn.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân, đối với cả những địa phương đã đạt nông thôn mới và chưa đạt nông thôn mới mô hình kinh tế hộ cơ bản triển khai chưa hiệu quả lắm, rất ít mô hình đạt hiệu quả ở các xã. Bên cạnh đó, môi trường trong chăn nuôi kinh tế hộ đang có ảnh hưởng rất ghê gớm, đặc biệt là các xã ở khu vực miền núi, vì thế việc thu gom vật tư cần được giám sát chặt chẽ, nếu không sẽ gây tác động xấu tới môi trường.
Nêu ý kiến về các chương trình mục tiêu quốc gia, đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, muốn chương trình đảm bảo các tiêu chí thì phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các ban, Bộ, ngành. của các địa phương về hiệu quả của việc xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo.
“Giảm nghèo bền vững là phải cho cái cần câu chứ đừng cho con cá! Cùng đó, cần xem xét tới trách nhiệm ở chính địa phương đó, từ cấp tỉnh, cấp huyện đến xã, thôn, xóm… Gắn trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương thì xây dựng nông thôn mới mới thực sự hiệu quả và giảm nghèo được bền vững” - đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho hay.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng năm 2016 cả nước đã đạt những kết quả tích cực trong xây dựng Nông thông mới và giảm nghèo. Về giảm nghèo, Phó Thủ tướng yêu cầu phải đạt chỉ tiêu phải tích cực hơn, cao hơn thì dân mới có tích lũy để tạo động lực cho xây dựng Nông thôn mới. Ban Chỉ đạo cũng đặt mục tiêu cao hơn, dứt khoát không thấp hơn mức Quốc hội đã giao.
Về nguồn lực, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ quan tâm xây dựng hành lang pháp lý cho phân bổ nguồn lực, nhất là đối với chương trình giảm nghèo. Trong bối cảnh nguồn lực từ ngân sách rất khó khăn, cần xây dựng các thể chế chính sách huy động nguồn lực, thậm chí có thể có cơ chế chính sách để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện huy động, huy động doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và giảm nghèo.
Được biết, hiện Chính phủ, các Bộ, ngành đã cơ bản hoàn thành khung khổ pháp lý để thực hiện 2 chương trình với những cách tiếp cận mới so với giai đoạn trước ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.
“Cải thiện và nâng cao đời cho nhân dân, đặc biệt là đối với người nghèo là vấn đề rất quan trọng và ý nghĩa, phải thực hiện tốt đồng thời 2 Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, không để người nghèo bị để lại phía sau” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Châu Như Quỳnh